Lo ngại tố cáo tràn lan nếu mở rộng tố cáo qua điện thoại, email
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, có 2 nhóm ý kiến về hình thức tố cáo.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định
Nhóm ý kiến thứ nhất đề nghị bổ sung hình thức tố cáo qua bản fax, thư điện tử, điện thoại bởi hiện nay, việc chuyển tải thông tin thông qua các hình thức điện tử, viễn thông đã hết sức phổ biến. Việc mở rộng hình thức tố cáo như trên nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong việc thực hiện tố cáo.
Thực tế thời gian qua, nhiều nội dung tố cáo, phản ánh các việc làm sai phạm của cán bộ, công chức, của cơ quan Nhà nước thông qua các phương tiện điện tử hoặc ngay cả qua mạng xã hội tuy chưa được thừa nhận chính thức nhưng đã góp phần tích cực trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, tham nhũng và vi phạm pháp luật nói chung.
Cùng với việc bổ sung hình thức tố cáo mới, cần quy định chặt chẽ hơn về quy trình tiếp nhận, xác minh thông tin ban đầu về tố cáo để bảo đảm tính khả thi và tránh việc lạm dụng.
Nhóm ý kiến thứ hai đề nghị tiếp tục quy định 2 hình thức tố cáo như luật hiện hành là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp bởi việc quy định thêm các hình thức tố cáo mới như tố cáo qua fax, điện thoại, thư điện tử có thể dẫn đến tình trạng tố cáo tràn lan, gây khó khăn, quá tải cho các cơ quan Nhà nước trong quá trình giải quyết và việc xác định trách nhiệm đối với những người tố cáo sai sự thật. “Kết quả phiếu lấy ý kiến cho thấy cả 2 nhóm ý kiến trên đều chưa được quá 50% tổng số đại biểu QH đồng ý. Do đây là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, đề nghị các vị ĐBQH tiếp tục thảo luận, góp thêm ý kiến”, ông Định báo cáo.
Phát biểu thảo luận, đại biểu Võ Đình Tín (đoàn Đăk Nông) cho rằng, về hình thức tố cáo, trong điều kiện khoa học công nghệ phát triển như hiện nay, việc sử dụng mạng xã hội, email, bản fax để tố cáo, phản ánh, cung cấp thông tin hành vi vi phạm pháp luật là cần thiết cho người dân. Tuy nhiên, nếu mở rộng hình thức tố cáo sẽ dẫn đến tình trạng tố cáo tràn lan, thiếu căn cứ, gây khó khăn cho cơ quan Nhà nước trong quá trình xem xét và việc xác minh trách nhiệm của người tố cáo sai sự thật.
Đại biểu Phạm Đình Cúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) bày tỏ quan điểm, dự luật chỉ nên quy định 2 hình thức tố cáo (tố cáo bằng đơn và trực tiếp). Theo đại biểu Cúc, nếu mở rộng thêm hình thức tố cáo sẽ dẫn đến tố cáo tràn lan. Hơn nữa, hiện việc giải quyết tố cáo đã quá tải, các cơ quan chắc năng vẫn chưa giải quyết được hết hết đơn.
Đại biểu Bùi Huyền Mai (đoàn Hà Nội) chia sẻ, về hình thức tố cáo, nên giữ nguyên như hiện hành là “tố cáo bằng văn bản và tố cáo trực tiếp”. Không nên để hình thức tố cáo bằng lời nói qua điện thoại, vì rất khó đảm bảo yêu cầu tính chính xác của thông tin tố cáo và nội dung tố cáo phải rõ ràng. Theo quy định, khi nhận tố cáo qua điện thoại, người tiếp nhận tố cáo phải hướng dẫn người tố cáo viết lại ra văn bản và ký tên. Do đó, về cơ bản lại quay về hình thức tố cáo qua văn bản. Đồng thời, tố cáo qua điện thoại cũng dẫn đến những khó khăn trong xác minh thông tin và giải quyết.
Về bảo vệ người tố cáo, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) bày tỏ băn khoăn, dự thảo luật đã có một chương về bảo vệ người tố cáo song chưa có quy định nào bảo vệ người xử lý tố cáo. Người tố cáo được giữ bí mật song người thực thi xử lý, vạch trần tố cáo lại không được giữ bí mật. Thực tế đã có trường hợp báo chí vạch trần người bị tố cáo thì bị tấn công, cho rằng vu khống người khác. Do đó, cần bổ sung quy định về vấn đề này.