Logistics - mảnh đất màu mỡ để “Start-up xanh”
Khơi dậy đam mê, "tiếp sức" cho sinh viên
Chia sẻ tại chương trình, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho hay: “Cách đây một năm tôi cũng đã có mặt ở đây chứng kiến sự ra mắt của Câu lạc bộ Logistics của nhà trường. Hôm nay, tôi được chứng kiến sự lớn mạnh, mở rộng hơn của Mạng lưới Câu lạc bộ sinh viên Logistics Việt Nam. Trong nhà trường, các thầy cô luôn đau đáu, trăn trở làm sao để sau khi ra trường, sinh viên trở thành người có ích cho xã hội, cống hiến tốt nhất năng lực của mình và vấn đề khởi nghiệp luôn được đặt lên hàng đầu.
Ngành Logistics đã ra đời từ lâu nhưng thời gian gần đây có sự quan tâm chú ý nhiều hơn của xã hội. Điều đó cũng đặt ra một số câu hỏi cho sinh viên: Logistics là gì, ngành này trong tương lai có tiềm năng phát triển hay không, nếu như lựa chọn để khởi nghiệp thì sẽ có những khó khăn, thuận lợi như thế nào. Sự kiện hội thảo hôm nay đánh dấu sự trở lại câu chuyện khởi nghiệp Logistics của sinh viên, từ đó giúp sinh viên nắm bắt thông tin, hiểu hơn về ngành này và giải đáp thắc mắc của các em…”.
Ban tổ chức cảm ơn các nhà tài trợ đồng hành cùng chương trình |
Ông Trần Thanh Hải cho biết thêm, về phía Bộ Công thương cũng đang dự thảo chiến lược phát triển Logistics trong thời gian tới, trong đó có nội dung về nguồn nhân lực, đặc biệt là nâng cao trình độ đào tạo, năng lực cho sinh viên về ngành này.
TS Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải Hà Nội cho hay, trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải là trường đại học công lập trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải, có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực về xây dựng hạ tầng giao thông, cũng như vận tải Logistics phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Sinh viên thi tranh biện với chủ đề Khởi nghiệp ngành Logistics có dành cho sinh viên? |
Trong thời gian qua nhà trường đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt quan tâm đến năng lực, sáng tạo khởi nghiệp của sinh viên. Việc đăng cai tổ chức chương trình hôm nay là một trong những minh chứng để thể hiện điều đó. Thông qua sự kiện này, sinh viên được nghe các chuyên gia trong ngành Logistics chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm và những câu chuyện thành công, truyền cảm hứng. Đồng thời, sinh viên tham gia tranh biện trao đổi về khởi nghiệp ngành Logistics, giúp các em nhận diện được những thách thức, nắm được những cơ hội; Từ đó khơi dậy niềm đam mê, tiếp sức cho sinh viên tạo ra những ý tưởng đổi mới sáng tạo, phát triển kinh doanh và thúc đẩy sự phát triển ngành Logistics Việt Nam.
Logistics đặc biệt phù hợp với thế hệ Gen Z
Tại chương trình, ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh chia sẻ về định hướng khởi nghiệp ngành Logistics. Theo ông Thành, đất nước ta đang thay đổi rất nhanh. Khởi nghiệp là một trong những yếu tố thúc đẩy sự thay đổi. Đó cũng chính là “bệ đỡ” cho các bạn sinh viên. Việt Nam có chỉ số tinh thần khởi nghiệp của người trẻ thuộc top đầu thế giới. Cùng với quốc gia khởi nghiệp, trong vòng một năm trở lại, các trường đại học, bên cạnh là nơi đào tạo, sáng tạo, nghiên cứu nâng cao trình độ thì cũng là nơi khởi nghiệp. Các em sinh viên hiện nay có nền tảng, có những thứ đằng sau thúc giục, có tố chất, sức trẻ, tri thức thì không thể xa rời tinh thần khởi nghiệp.
Các bạn sinh viên tham gia chương trình |
Tại sao lại khởi nghiệp với Logistics, ông Thành cho rằng, Logistics có rất nhiều điểm nhấn, liên quan đến nhu cầu của xã hội, của loài người. Đây là một trong lĩnh vực rất con người. Nhu cầu về Logistics rất lớn và còn gia tăng. Việt Nam đã thông qua quy hoạch quốc gia, trong đó có hạ tầng Logistics, cảng, sân bay, đường cao tốc, các trung tâm Logistics theo đúng nghĩa của nó.
Nước ta là một trong những số ít quốc gia trên thế giới được xem là trung tâm để kết nối. Logistics là lĩnh vực sáng tạo, về mô hình kinh doanh, đưa công nghệ số, công nghệ 4.0 để tối ưu hoá, áp dụng cách quản trị mới... Đây là mảnh đất rất màu mỡ cho “startup xanh”, đặc biệt phù hợp với thế hệ Gen Z, gắn với sáng tạo, chuyển đổi số.
Ông Thành khẳng định: “Với khát vọng, sức trẻ, trí tuệ, sáng tạo và tình yêu, văn hoá kết nối được phát huy, tôi tin các bạn sinh viên sẽ thành công với Logistics và sẽ trở thành những người truyền cảm hứng về lĩnh vực này”.
Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, kinh tế tri thức, cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trước yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực của thị trường lao động, việc nâng cao kỹ năng, phát triển kỹ năng số mới cho người lao động hay nói cách khác là thế hệ sinh viên tương lai rất cần thiết.
Điều này giúp tăng cường khả năng thích ứng và chống chịu với các cú sốc kinh tế và xã hội đang tác động mạnh mẽ đến cơ cấu việc làm; Từ đó, tạo cơ sở để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025, đưa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô; đưa Hà Nội trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo dẫn đầu của cả nước.
* “Hội thảo thương mại hoá các công nghệ cốt lõi, ứng dụng chuyển đổi số vào lĩnh vực giao thông vận tải – Logistics (HUB Logistics)” là chương trình nằm trong chuỗi hội thảo đẩy mạnh thương mại hoá các công nghệ cốt lõi, ứng dụng chuyển đổi số vào các ngành, lĩnh vực. Hội thảo gồm ba phần chính: Chia sẻ của diễn giả, chuyên gia về định hướng khởi nghiệp; Tranh biện giữa 4 đội thi đến từ các trường: Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải, Đại học Ngoại thương, Đại học Kinh tế Quốc dân và Đại học Phenikaa, với chủ đề: “Khởi nghiệp ngành Logistics có dành cho sinh viên?”; Dự án khóa đào tạo thực chiến cho sinh viên Logistics của Mạng lưới Câu lạc bộ sinh viên Logistics Việt Nam. |