Lợi ích từ việc tiêm vắc xin COVID-19 cho người lớn tuổi
Những “cụ già” đi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 không phải là hiếm trên thế giới. Ở Anh đã có cụ bà 106 tuổi được tiêm, Mỹ có cụ bà 111 tuổi được tiêm, Đức có cụ bà 101 tuổi được tiêm… (Ảnh: Jacob Hamilton/The Ann Arbor News) |
Thực trạng số lượng người cao tuổi phải nhập viện hay gia tăng tỷ lệ tử vong do tỷ lệ tiêm vắc xin so với người trẻ còn thấp đã là bài học cho nhiều quốc gia trên thế giới trong giai đoạn sống chung với dịch COVID-19.
Theo thống kê, tại Mỹ, COVID-19 đã trở thành nguyên nhân thứ ba gây tử vong ở người từ 65 tuổi trở lên, sau bệnh tim và ung thư. Nó là nguyên nhân gây ra khoảng 13% ca tử vong ở nhóm tuổi đó kể từ đầu năm 2020, nhiều hơn cả bệnh tiểu đường, tai nạn, bệnh Alzheimer hoặc sa sút trí tuệ.
Một năm trước, khi giới chức y tế nước này bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm vắc xin ngừa COVID-19, họ đã đưa người lớn tuổi vào nhóm ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, rất nhiều người lớn tuổi không tiêm vắc xin đã tử vong sau mắc COVID-19. Bên cạnh đó, những người lớn tuổi vẫn có tỷ lệ nhập viện cao, đặc biệt nếu họ không tiêm chủng. Các bệnh viện ở Trung Tây, New England và Tây Nam đang đối mặt với một lượng lớn bệnh nhân cao tuổi trong tháng 12 năm ngoái.
Đối với người lớn tuổi (là những người trên 65 tuổi) thì do ảnh hưởng của quá trình lão hóa khiến các cơ quan suy giảm chức năng, trong đó có hệ miễn dịch khiến khả năng chống chọi với bệnh tật suy giảm. Chính vì vậy nhóm đối tượng người lớn tuổi lại có đồng thời các bệnh lý nền thì nguy cơ tiến triển nặng khi mắc COVID-19 sẽ càng tăng cao và tỷ lệ tử vong cũng cao hơn so với người trẻ tuổi khoẻ mạnh.
Người cao tuổi cần phải tiêm phòng COVID-19 vì họ thuộc nhóm đối tượng dễ bị nhiễm và tử vong (Ảnh: The Palm Beach Post) |
Tại Trung Quốc, một số phân tích dữ liệu sau đợt dịch lây lan ở Quảng Đông và Giang Tô vừa qua cũng cho thấy nguy cơ mắc bệnh nặng ở người cao tuổi sau khi tiêm vắc xin COVID-19 thấp hơn đáng kể so với người cao tuổi chưa tiêm; Hơn 90% số ca bệnh nặng là người chưa tiêm chủng.
Ông Trịnh Trung Vĩ, Giám đốc Trung tâm Phát triển Khoa học Công nghệ của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết, tính đến ngày 29/11, nước này vẫn còn khoảng 20% trong tổng số 264 triệu người từ 60 tuổi trở lên, tức khoảng 50 triệu người chưa tiêm chủng.
Với 50 triệu người cao tuổi chưa tiêm, một khi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh được nới lỏng, số ca bệnh nặng và tử vong là điều Trung Quốc khó có thể chấp nhận được. Nguồn lực y tế của nước này sẽ gặp khó khăn và gây ra các vấn đề xã hội lớn. Do vậy, theo ông Trịnh Trung Vĩ, chỉ khi nào Trung Quốc nâng cao một cách toàn diện tỷ lệ tiêm vắc xin COVID-19 cho người cao tuổi, nước này mới có thể giành được thế chủ động trong phòng chống dịch. Ông kêu gọi người cao tuổi Trung Quốc nhanh chóng tiêm chủng và tiêm mũi tăng cường ngừa COVID-19 càng sớm càng tốt.
Singapore là một trong những quốc gia trên thế giới trong việc chuyển từ mô hình “Zero COVID" sang sống chung với COVID-19 trên cơ sở đã tiêm chủng diện rộng cho người dân. Đến nay, số trường hợp mắc mới tại Singapore ngày một giảm dần, qua đó khẳng định quốc gia này đang đi đúng hướng, ngay cả khi biến thể mới Omicron xuất hiện. Để có được điều này, một phần là do đảo quốc sư tử đã đẩy nhanh tỷ lệ tiêm chủng COVID-19 ở đối tượng người cao tuổi.
Những người trên 70 tuổi được theo dõi phản ứng sau khi tiêm vắc xin COVID-19 tại một trung tâm tiêm chủng ở Singapore (Ảnh Reuters) |
Trước đây, tại Singapore, một bộ phận người cao tuổi còn do dự tiêm phòng vì họ chưa nhận thức được tầm quan trọng, cũng như lợi ích của việc tiêm chủng. Rất nhiều người già Singapore đã không muốn tiêm vắc xin vì sợ các tác dụng phụ khi mang trong mình không ít bệnh nền, bị dị ứng. Một số khác lại không tin vào lợi ích của việc tiêm vắc xin hoặc không quen việc sử dụng máy tính để đăng ký đi tiêm.
Do đó, đảo quốc sư tử khởi động chương trình "Hãy cùng người cao tuổi tiêm phòng COVID-19" hay đặc cách cho người cao tuổi vào thẳng các trung tâm y tế đang thực hiện tiêm vắc xin trên toàn quốc đảo này bất cứ khi nào họ muốn.
Ngoài ra, Singapore thường xuyên tổ chức các buổi nói chuyện chia sẻ kinh nghiệm của những người già đã tiêm xong trong các cộng đồng dân cư ở Singapore trên tivi, YouTube... để đối phó với tâm lý e ngại vắc xin ở những người lớn tuổi.
Với 94% dân số đủ điều kiện được tiêm phòng đầy đủ và 26% đã được tiêm phòng nhắc lại, ngay cả khi số trường hợp mắc mới bắt đầu tăng lên thì khoảng 99% trong số này không có triệu chứng hoặc chỉ có các triệu chứng nhẹ. Điều này đồng nghĩa với việc hệ thống chăm sóc sức khỏe đang chịu nhiều áp lực nhưng không bao giờ quá tải. Số trường hợp tử vong tăng nhưng vẫn ở mức thấp và phần lớn là những người lớn tuổi có các bệnh lý nền.