Luật Thanh niên tạo đòn bẩy cho phong trào “Thanh niên tình nguyện”
Luật Thanh niên trong mắt những người trẻ tuổi |
Phong trào “Thanh niên tình nguyện” tạo ảnh hưởng rộng trong xã hội từ chiến dịch “Ánh sáng văn hóa hè” của sinh viên Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1994. Nhận thấy hiệu quả và xác định tình nguyện là nhu cầu được cống hiến của thanh niên, từ năm 2000, Trung ương Ðoàn đã chính thức phát động phong trào này ở quy mô toàn quốc.
Từ đó, xuyên suốt trong cả năm với những cao điểm, như: Tháng Thanh niên, Chiến dịch tình nguyện hè, Tình nguyện mùa đông, Xuân tình nguyện,… các hoạt động trong phong trào “Thanh niên tình nguyện” đã có nhiều đổi mới theo hướng cụ thể, rõ việc, sát với nhu cầu, thực tiễn của từng địa phương. Các đội hình, lực lượng tham gia chuyên sâu gắn với chuyên môn, nghiệp vụ của thanh niên, sinh viên được phát triển ngày càng nhiều đã góp phần tích cực vào việc giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc của cộng đồng, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Thanh niên tình nguyện tham gia tiếp sức mùa thi |
Một trong những thành công của phong trào “Thanh niên tình nguyện” là làm lan tỏa tinh thần xung kích, chủ động, "lá lành đùm lá rách", cống hiến tri thức và sức trẻ trên khắp mọi miền đất nước. Với tinh thần "Ðừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà chỉ hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc", hàng triệu thanh niên ưu tú đã xung phong đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì Tổ quốc cần.
Từ phong trào này đã xuất hiện hàng trăm nghìn tấm gương có lối sống đẹp, sống có ích, biết hy sinh quyền lợi riêng tư vì lợi ích chung. Các hoạt động tình nguyện của tuổi trẻ ngày càng bám sát những vấn đề nóng của đất nước, như: Bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng; Giúp người dân xóa đói, giảm nghèo; Xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đoàn ở những vùng khó khăn; Động viên, khơi dậy tinh thần lao động, hoạt động của thanh niên vùng sâu, vùng xa...
Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm và tạo điều kiện tốt nhất cho thanh niên cống hiến, rèn luyện và trưởng thành. Trong đó, Luật Thanh niên sửa đổi đã được Quốc hội thông qua năm 2020. Luật có 7 chương 41 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021.
Trong khoản 1 và khoản 2 Điều 22 Luật Thanh niên năm 2020, quy định: “Thanh niên xung phong là lực lượng xung kích của thanh niên tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, giáo dục, đào tạo, rèn luyện thanh niên và các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách, khó khăn, gian khổ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Phong trào "Thanh niên tình nguyện' tạo dấu ấn đẹp trong cộng đồng, xã hội |
Nhà nước ban hành chính sách để thanh niên xung phong thực hiện các nhiệm vụ sau: Tham gia dự án phát triển kinh tế - xã hội được Nhà nước giao; Tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; Bảo vệ môi trường; giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia; Tham gia sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho thanh niên; Các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách, khó khăn, gian khổ theo quy định của pháp luật”.
Khoản 2 Điều 23 Luật Thanh niên năm 2020 quy định, Nhà nước ban hành chính sách đối với thanh niên tình nguyện, như sau: Tạo lập các kênh thông tin để thanh niên được tiếp cận và tham gia hoạt động tình nguyện; Xây dựng chương trình, dự án đưa thanh niên tình nguyện về làm việc tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo; Khuyến khích tổ chức, cá nhân hỗ trợ thanh niên tham gia hoạt động tình nguyện vì lợi ích của cộng đồng, xã hội.
Ngoài nghĩa vụ, trách nhiệm có nhiều chính sách chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện.
Luật Thanh niên ra đời cũng giúp cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, tạo điều kiện nhiều hơn cho thanh niên nói chung, phong trào “Thanh niên tình nguyện nói riêng”. Từ đó, người trẻ có thêm nhiều cơ hội rèn luyện, cống hiến cho cộng đồng, xã hội.