Mạng lưới các thành phố sáng tạo: Biến văn hóa trở thành trụ cột để phát triển bền vững
Gia nhập Mạng lưới thành phố sáng tạo: Thêm tiềm lực để Hà Nội phát triển bền vững Hà Nội chính thức gia nhập Mạng lưới thành phố sáng tạo |
Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay cho biết: “Trên khắp thế giới, mỗi thành phố theo cách của mình, biến văn hóa trở thành trụ cột, chứ không phải một phụ kiện, trong chiến lược phát triển. Điều này đặc biệt quan trọng đối với thế hệ trẻ”.
Các thành phố thành viên với các mức thu nhập và dân số khác nhau nhưng cùng hướng tới một sứ mệnh chung: Đặt sự sáng tạo và nền kinh tế sáng tạo làm trọng tâm trong các kế hoạch phát triển đô thị theo hướng an toàn, bền vững, toàn diện gắn với Chương trình Phát triển bền vững của UNESCO tới năm 2030.
Có 7 lĩnh vực sáng tạo được xác định để UNESCO xét ghi danh, tham gia mạng lưới, gồm: Thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian, thiết kế, điện ảnh, ẩm thực, văn học, nghệ thuật truyền thông đa phương tiện và âm nhạc.
Thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian
Cairo, thủ đô của Ai Cập được xếp vào danh sách thành phố sáng tạo trong hạng mục thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian. Là đô thị lớn nhất ở Trung Đông và Ả Rập, trong nhiều thế kỷ và cho đến tận ngày nay, Cairo đã là một trung tâm đời sống văn hóa chính của khu vực.
Thành phố này nổi bật với nhiều địa điểm văn hoá mang tính lịch sử, trong đó phải kể đến quần thể kim tự tháp Giza. Bên cạnh đó, Ai Cập từ xa xưa đã được biết đến như một trung tâm của các nghề thủ công tinh xảo. Nền kinh tế cũng chủ yếu dựa vào sức sống của ngành thủ công và nghệ thuật dân gian, chiếm 80% các hoạt động văn hóa của thành phố.
Trong suốt nhiều năm, chính quyền thành phố thành lập các hội thợ thủ công chuyên làm gốm, thổi thủy tinh, thợ rèn, gốm sứ và đồ trang sức…
Thành phố cũng tổ chức nhiều hội chợ chuyên biệt để quảng bá di sản thủ công của Cairo, tổ chức Diễn đàn Di sản, nhằm mục đích nâng cao nhận thức sáng tạo. Lễ hội trống quốc tế là sự kiện hàng đầu liên kết nghệ thuật dân gian và thực hành âm nhạc.
Ngoài ra, Cairo còn thường xuyên tổ chức các buổi đào tạo được thiết kế để tăng cường năng lực nghệ nhân và chất lượng sản phẩm thủ công.
Thiết kế sáng tạo
Nằm trên bờ biển phía Đông Nam của Vịnh Ba Tư, Dubai là một trung tâm kinh tế của Trung Đông.
Tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Dubai đã khẳng định vai trò là trung tâm công nghệ, là đầu tàu kinh tế của đất nước. Khi quá cảnh từ ngành công nghiệp dầu mỏ, Dubai đặt mục tiêu tái tạo chính mình bằng cách khai thác sự sáng tạo và đổi mới để từ đó không những phát triển mạnh mẽ nền kinh tế mà còn là vì tiến bộ xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của đô thị.
Tòa nhà hình cánh buồm là khách sạn Burj Al Arab nổi tiếng ở Dubai (Ảnh: AFP) |
Dubai đã và đang tạo điều kiện cho sự phát triển của thiết kế thông qua một loạt các sự kiện và lễ hội. Các nhà thiết kế quốc tế đến và tham gia sự kiện mang lại nhiều cơ hội cho các studio thiết kế mới nổi và các chuyên gia trẻ của Dubai.
Theo chính quyền Dubai, các thiết kế của thành phố không chỉ thể hiện ở vẻ ngoài của sản phẩm mà còn nằm ở chỗ giải quyết các vấn đề. Các thiết kế đặt con người và nhu cầu của con người lên hàng đầu, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống, tăng tính bền vững và thúc đẩy hạnh phúc”.
Chính phủ Dubai đặt mục tiêu cải tạo 30.000 tòa nhà vào năm 2030 để giúp giảm 30% nhu cầu năng lượng của thành phố. Đây là một trong nhiều sáng kiến quan trọng về tiết kiệm năng lượng và nước ở UAE.
Ẩm thực
Nằm ở phía Đông Nam của Thái Lan, văn hóa ẩm thực truyền thống ở Phuket được coi như một yếu tố thúc đẩy cho sự liên kết văn hóa và liên kết giữa các thế hệ.
Lễ hội Phố Cổ được tổ chức hàng năm trong đó khôi phục lại bí quyết cổ xưa trong lĩnh vực ẩm thực không chỉ truyền tải và duy trì các công thức nấu ăn cổ xưa, được truyền lại qua các thế hệ trong gia đình và cộng đồng mà còn thu hút một lượng lớn khách du lịch khi đến đây. Theo ước tính, lĩnh vực ẩm thực đóng góp 3,6 tỷ USD cho nền kinh tế địa phương.
Văn học
Nam Kinh, thủ phủ của tỉnh Giang Tô và là thành phố lớn thứ hai ở miền Đông Trung Quốc, được xếp vào danh sách thành phố sáng tạo trong hạng mục văn học vào năm ngoái.
Với lịch sử cách đây 2.500 năm, Nam Kinh có một vị trí nổi bật trong lịch sử và văn hóa Trung Quốc, từng là thủ đô của nhiều triều đại. Thành phố có một di sản văn hóa thế giới và bốn di sản văn hóa phi vật thể thế giới.
Nam Kinh cũng là quê hương của nhiều nhà văn nổi tiếng thế giới như Tào Tuyết Cần, tác giả của tiểu thuyết kinh điển Hồng Lâu Mộng, là thành phố của thi ca với hơn 100 trung tâm văn hóa và hơn 300 cửa hàng sách.
Điện ảnh
Rome, một thành phố sáng tạo của UNESCO về điện ảnh từ năm 2015, có di sản phong phú về điện ảnh từ đầu thế kỷ XX với sự ra đời của hãng phim Cinecittà Studios. Với diện tích 400.000 mét vuông, đây là hãng phim lớn nhất ở Châu Âu và được coi là trung tâm của điện ảnh Italy.
Mỗi mùa thu đến, thành phố này đăng cai Liên hoan Phim quốc tế Rome, một trong những liên hoan phim nổi tiếng nhất thế giới, được người dân Italy và người hâm mộ trên khắp thế giới yêu thích.
Ảnh: Independent |
Rome còn có tên gọi “Thành phố vĩnh cửu” nơi có hơn 1.300 các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp điện ảnh, tạo ra doanh thu hàng năm trị giá khoảng 865 triệu USD.
Để đối phó với sự bùng phát của dịch Covid-19 và phù hợp với chiến dịch truyền thông xã hội #iorestoacasa (tôi ở nhà), gần đây, một liên hoan phim khác ở Rome với tên gọi Alice nella Città dành riêng cho giới trẻ đã đưa ra sáng kiến về điện ảnh để đưa phim vào nhà người dân.
Sáng kiến này nhằm mục đích tạo niềm vui cho người dân thành phố, tăng cường các mối quan hệ xã hội giữa những công dân ở chung trong thành phố.
Vào 22 giờ mỗi tối, hình ảnh và nội dung của một loạt các bộ phim (phim hay, phim cổ điển, phim cổ trang…) được chiếu trên mặt tiền các tòa nhà đô thị trên toàn thành phố.
Truyền thông đa phương tiện
Thủ phủ của bang Texas (Mỹ) Austin được công nhận là thành phố sáng tạo và dẫn đầu trong các ngành bao gồm âm nhạc, phim ảnh, game và đặc biệt là truyền thông đa phương tiện.
Tăng 40% trong thập kỷ qua, truyền thông đa phương tiện của Austin đóng góp hơn 4 tỷ USD cho nền kinh tế và tạo ra gần 49 nghìn việc làm cho thành phố.
Âm nhạc
Adelaide là thủ phủ và thành phố lớn nhất bang Nam Australia, hiện là thành viên của Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO ở lĩnh vực âm nhạc.
Chính quyền Adelaide có chính sách hỗ trợ các nhạc sĩ độc lập, một ngành công nghiệp âm nhạc đang phát triển và kinh doanh với một loạt các lễ hội âm nhạc và nghệ thuật đẳng cấp thế giới hội tụ.
Hiện có hơn 300 địa điểm tổ chức nhạc sống đang hoạt động tại thành phố. Ước tính âm nhạc cũng tạo ra hơn 4 nghìn việc làm và nguồn thu từ các sự kiện âm nhạc tổng cộng khoảng gần 60 triệu USD.
Năm 2019, thủ đô Hà Nội đã được UNESCO công nhận là Thành phố sáng tạo của thế giới trong lĩnh vực thiết kế. Có thế mạnh ở nhiều mảng sáng tạo nhưng Hà Nội vẫn quyết định lựa chọn lĩnh vực thiết kế làm điều kiện ứng cử bởi đây là mảng có độ bao phủ rộng, liên quan mật thiết tới các lĩnh vực còn lại, sẽ thể hiện được đa dạng tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội trong phát huy sức sáng tạo. Hà Nội cũng bảo đảm các tiêu chuẩn cần có của một thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế, như: Có nền công nghiệp thiết kế phát triển; Nhiều cơ hội sáng tạo thiết kế từ nguyên vật liệu, điều kiện tự nhiên; Có sự hiện diện của ngành công nghiệp sáng tạo thiết kế; Có nhóm sáng tạo và thiết kế hoạt động thường xuyên… |