ManpowerGroup Việt Nam phối hợp cùng Intel Products và Nestlé chia sẻ về tương lai ngành sản xuất
Ảnh minh họa
Chương trình vinh dự chào đón ông Kim Huat Ooi - Phó Chủ tịch, Tổng Giám đốc nhà máy Intel Products Việt Nam và ông Todd Yates - Giám đốc Kỹ thuật Nestlé Việt Nam trong vai trò diễn giả khách mời cùng chia sẻ những tri thức tiên tiến trong ngành sản xuất cùng ông Sam Haggag - Tổng giám đốc ManpowerGroup Malaysia.
Trên toàn cầu, công nghệ tiên tiến đang tác động và chuyển đổi các ngành nghề, và ngành sản xuất cũng không ngoại lệ. Vì vậy, gần một nửa (49%) các vị trí trong ngành sản xuất sẽ thay đổi trong vòng ba đến năm năm tới. Đặc biệt, các vị trí đòi hỏi các kỹ năng số nâng cao như tự động hoá, thiết bị đo đạc (instrumentation) và công nghệ robot (robotics) đang gia tăng.
Sự xuất hiện của công nghệ mới đang chuyển đổi ngành sản xuất, làm phát sinh nhu cầu các vị trí mới yêu cầu kỹ năng số hóa cao hơn.
Theo báo cáo phân tích lao động của tập đoàn nhân sự ManpowerGroup, ngành sản xuất sẽ có 165 vị trí công việc mới thuộc 7 “lĩnh vực” chuyên môn. Qua đó các doanh nghiệp sản xuất có thể xác định nhu cầu về nhân tài trong tương lai.
Dưới tác động của công nghệ mới, các doanh nghiệp cần phát triển một chiến lược nhân sự hiệu quả. Khi việc tìm kiếm nhân tài có kỹ năng chuyên môn đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp ngày càng khó khăn hơn, nhà tuyển dụng cần phát triển nhân tài nội bộ, thuyên chuyển vị trí nhân sự khi cần thiết và tìm nguồn nhân tài từ dịch vụ cung ứng nhân sự có bộ kỹ năng cần thiết. Điều này đóng vai trò rất quan trọng trong ngắn, trung và dài hạn.
Ông Haggag nhấn mạnh: “Đào tạo trong công việc (on-the-job training) giúp gia tăng khả năng giữ chân nhân tài có bộ kỹ năng mà doanh nghiệp cần”. Chính vì vậy, các tổ chức cần những cách tiếp cận mới hơn để tăng cường việc nâng cao kỹ năng cho người lao động và phát triển những nhân tài cần thiết giúp họ duy trì khả năng cạnh tranh. Các chương trình đào tạo ngắn hạn tối đa sáu tháng là phương pháp phát triển kỹ năng hiệu quả nhất.
Việt Nam đang dần trở thành công xưởng sản xuất tại châu Á nhờ vào nhiều lợi thế như lực lượng lao động dồi dào, chi phí nhân công cạnh tranh, chính sách thuế quan hấp dẫn, môi trường chính trị ổn định, lợi thế địa lý và chính sách thương mại cởi mở. Các doanh nghiệp nước ngoài, bao gồm cả các doanh nghiệp Trung Quốc, đang lên kế hoạch mở rộng sản xuất tại Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng hoá chuỗi cung ứng. Đây sẽ là cơ hội lớn cho Việt Nam phát triển ngành sản xuất lên một tầm cao mới, tạo ra hàng ngàn việc làm ý nghĩa cho lực lượng lao động trong nước.