Mở rộng độ phủ thông tin tín dụng
Phát triển cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng làm trụ cột hạ tầng tài chính quốc gia Tiếp tục xuất hiện hiện tượng mạo danh CIC để lừa đảo Cần làm gì khi nhận được tin nhắn, cuộc gọi quấy rối “đòi nợ”? |
Tín dụng vi mô tham gia CIC
Ngày 26/7/2022, CIC tổ chức Hội nghị Triển khai hoạt động TTTD đối với các Quỹ TDND, tổ chức TCVM và tổ chức tự nguyện trên địa bàn TP.HCM. Dự hội nghị có ông Cao Văn Bình, Tổng giám đốc CIC cùng đại diện NHNN, các quỹ TDND, tổ chức TCVM và tổ chức tự nguyện trên địa bàn TP.HCM.
Thông tin tại Hội nghị, bà Phạm Nguyệt Bích - Trưởng Phòng Nghiên cứu phát triển và Marketing của CIC cho biết, tính đến cuối tháng 6/2022, ngoài các NHTM và các công ty tài chính tiêu dùng, trên địa bàn cả nước đã có khoảng gần 1.200 QTDND, 4 tổ chức TCVM và 53 tổ chức tự nguyện tham gia kết nối và gửi báo cáo về CIC để xây dựng trung tâm dữ liệu TTTD.
Ông Cao Văn Bình, Tổng giám đốc CIC phát biểu tại hội nghị |
Theo đánh giá của CIC, khoảng 3 năm trở lại đây hoạt động khai thác TTTD của các QTDND, tổ chức TCVM có sự tăng trưởng khá mạnh. Số lượng các đơn vị ký hợp đồng khai thác thông tin với CIC tăng trung bình 30%/năm. Trong đó, đáng lưu ý là nhóm các tổ chức tự nguyện (ngoài ngành ngân hàng, có hoạt động cho vay tài trợ vốn theo các dự án, chương trình thuộc bộ ngành khác) tham gia kết nối, gửi báo cáo và khai thác thông tin từ CIC tăng lên đáng kể.
Hiện tại nhiều tổ chức tự nguyện, như CTCP Hỗ trợ dịch vụ thanh toán Việt Phú, Công ty TNHH Thương mại ACS Việt Nam, Công ty TNHH Rockcore Vista, CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT… đều đã tham gia kết nối trao đổi và khai thác thông tin khách hàng với CIC.
Ông Lê Anh Tuấn - Phó Tổng giám đốc CIC cho rằng, việc nhiều các tổ chức tự nguyện tham gia chứng tỏ hệ thống dữ liệu TTTD của CIC đang ngày càng đa dạng hóa và hoàn thiện hơn. Việc các đơn vị như Việt Phú, FPT, ACS kết nối với CIC cùng với các ký kết hợp tác có sự tham gia của các tổ chức tài chính quốc tế như WB, IFC đã giúp CIC tạo được vị thế, uy tín. Từ đó, giúp tăng độ phủ TTTD đến các tệp, nhóm khách hàng “dưới chuẩn” vốn chưa có điều kiện tiếp cận các nguồn tín dụng ngân hàng. Điều này cũng tạo ra cơ sở để các tổ chức đánh giá xếp hạng quốc tế xem xét công nhận về mức độ tiếp cận tín dụng chung của Việt Nam.
Từ góc độ NHNN, ông Đỗ Xuân Trung - Phó Chánh thanh tra giám sát NHNN TP.HCM cho rằng, việc CIC mở rộng kết nối với nhiều TCTD vi mô và các đơn vị ngoài ngành để xây dựng, hoàn thiện hệ thống TTTD là những nỗ lực rất đáng ghi nhận.
Theo ông Trung, mặc dù tổng dư nợ các khoản vay tín dụng vi mô từ các QTDND, các tổ chức TCVM chiếm tỷ trọng không lớn so với tổng dự nợ của toàn hệ thống TCTD đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, đa số các khoản vay đều không có tài sản đảm bảo hoặc khách hàng vay là những khách hàng khá hạn chế về điều kiện tiếp cận tín dụng từ ngân hàng nên rất dễ xảy ra các rủi ro nợ quá hạn.
“Một số đơn vị khi thực hiện thẩm định, đánh giá khách hàng vay vốn khá sơ sài. Vì thế nếu khai thác được các báo cáo TTTD toàn diện từ CIC và thực hiện nghiêm túc thì sẽ tránh rủi ro, nhất là các rủi ro nợ xấu, nợ quá hạn làm ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn của khách hàng”, ông Trung nhấn mạnh.
Các đại biểu dự hội nghị |
Tiếp tục đầu tư công nghệ dữ liệu
Theo ông Phan Duy Lộc - Đại diện CTCP Việt Phú, hiện nay với sự phát triển nhanh của hoạt động công nghệ tài chính, nhu cầu tham gia kết nối với CIC của các fintech hoạt động trong lĩnh vực trung gian thanh toán, chấm điểm tín dụng, cho vay ngang hàng là khá lớn. Nhiều fintech đã kiến nghị ngành Ngân hàng sớm ban hành các pháp lý cho phép hợp tác, kết nối, chia sẻ TTTD với CIC.
Ông Lộc cho rằng, khi CIC mở rộng kết nối với nhiều đơn vị, tổ chức tự nguyện thì kho dữ liệu khách hàng của CIC cũng sẽ được bổ sung một lượng lớn khách hàng từ trước đến nay chưa có TTTD. Vì thế, thời gian tới CIC cần cải tiến các cách thức kết nối, hợp tác, bên cạnh tương tác giao diện website truyền thống có thể chuyển sang kết nối trực tiếp từ máy chủ đến máy chủ (host to host) theo cách CIC thực hiện với các NHTM. Khi NHNN cho phép thì có thể mở rộng khuyến khích các fintech, các tổ chức tự nguyện tham gia kết nối trao đổi TTTD với CIC.
Về vấn đề này, ông Cao Văn Bình - Tổng giám đốc CIC cho biết, CIC đã được giao thực hiện Dự án khoa học và công nghệ cấp Bộ của NHNN nhằm ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào xử lý dữ liệu trong hoạt động ngân hàng. Vì thế, trong thời gian tới việc mở rộng ứng dụng các thành tựu của cuộc CMCN 4.0, đặc biệt là ứng dụng học máy trong việc xây dựng giải pháp xử lý dữ liệu trong hoạt động TTTD với độ chính xác cao sẽ được CIC tập trung triển khai thực hiện.
Đại diện CIC cũng cho biết, thời gian qua, CIC đã xây dựng và vận hành thành công Cổng thông tin kết nối khách hàng vay. Hiện cổng này đang được hàng triệu khách hàng tham gia truy vấn thông tin và đăng ký vay vốn. Trong khi đó cũng đã có khoảng 5.000 tài khoản người dùng từ các TCTD được cấp quyền tham gia hệ thống để kết nối, tiếp cận người vay.
“Hiện CIC cũng đã mở rộng cơ sở dữ liệu về TTTD bao gồm cả thông tin truyền thống và thông tin phi truyền thống thông qua tích hợp, kết nối đồng bộ cơ sở dữ liệu TTTD quốc gia với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó đơn vị sẽ đẩy mạnh hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin, nâng cao tỷ lệ tự động hóa trong việc thu thập, xử lý dữ liệu TTTD”, ông Bình cho biết.