Mùa Vu Lan đọc “Gió ngũ sắc” của Nguyễn Quang Hưng
Bìa tập thơ "Gió ngũ sắc" của nhà thơ Nguyễn Quang Hưng
Bài liên quan
Tọa đàm, ra mắt sách của ba nhà văn nữ
Ra mắt tác phẩm được trao tặng Huy chương Newbery "Đếm sao"
“Nơi đầu sóng”, tác phẩm thú vị về Trường Sa
Ba tác phẩm văn học thiếu nhi mới chào hè
“Gió ngũ sắc” do NXB Văn học ấn hành, gồm 64 bài thơ được tác giả viết trong nhiều năm qua. Tập thơ chia thành bốn phần: "Màu hoa ý nghĩ", "Tĩnh mạch phố", "Tên người mặt đất" và "Nhu cầu điều trị", với tranh bìa rực rỡ của họa sĩ Nguyễn Minh (báo Thời nay) và những bức minh họa giàu suy tưởng của họa sĩ Trần Hoàng Sơn (Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam).
Qua tập thơ này, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng truyền tải những chiêm ngẫm về đời sống văn hóa, nghệ thuật cổ truyền; về nhu cầu được thanh lọc tâm hồn; tiếp nối và sáng tạo mới những vẻ đẹp văn hóa, nghệ thuật, nhân tính trong đời sống hiện tại…
Tác giả mời bạn đọc lắng nghe những âm thanh, màu sắc từ một nghệ nhân chèo, một sợi chỉ thêu, một cái nhìn lưng núi, những bông hoa trên ban công một người chăm hoa đã khuất, một tiếng trẻ thơ gọi rồng trong thành cổ, những hình dung kỳ dị trên mặt hồ lớn, những suy tư về sự kết cấu và làm mới bản thân mình giữa dòng chảy quá khứ - hiện tại - con người xung quanh…
Đọc thơ Nguyễn Quang Hưng, người đọc có thể nhận ra từ đây những biến hóa nhiều màu vẻ trên mâm cỗ trung thu, trong làn hương khói giao thừa, một cơn gió ngày Vu Lan, một chiều ngồi chơi cùng con gái, một chuyến dã ngoại, những hình ảnh đồng hiện trong đêm phố xá, trong hoài niệm của một người cha đau ốm, trong những lá hoa mới mọc…
Đó cũng chính là lý do để tập thơ bảy của Nguyễn Quang Hưng được quyết định chọn tên “Gió ngũ sắc”. Bạn đọc sẽ tự cảm nhận về tập thơ từ những ấn tượng về hình khối, chuyển động, gió, nước, sắc màu, suy nghiệm… của riêng mình.
Đáng chú ý trong “Gió ngũ sắc” là chùm bài viết: "Vu Lan mới", "Ngày tháng Bảy", "Vu Lan cho người còn sống"… cùng những bài viết về gia đình như: "Lời chào", "Hỏi hoa", "Thăm bố ngày thu"…
Bên cạnh đó, ở phần 2 với tựa đề “Tĩnh mạch phố”, Nguyễn Quang Hưng mang tới cho độc giả những chiêm nghiệm về phố phường qua những câu thơ da diết:
“Nắng vãn ta lại mua chịu mình
Dắt díu nhau ẩn trong lòng phố
Rùa nối dấu quanh đền rêu cổ
Thức nghe Hà Nội buông đêm…” (Trong đêm Hà Nội).
“Gió ngũ sắc” là tập thơ thứ bảy của nhà thơ Nguyễn Quang Hưng, cũng là tập sách thứ 10 của anh sau thời gian 20 năm sáng tác (kể từ thời là sinh viên khoa Văn học - Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội).
Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng |
Trước đó, Nguyễn Quang Hưng đã in các tập thơ: “Vườn ánh sáng” (NXB Hội Nhà văn, 2008”; “Mùa Vu Lan” (NXB Hội nhà văn, 2011); “Lòng ta chùa chiền” (NXB Hội Nhà văn, 2013; “Chia ngũ cốc” (NXB Hội Nhà văn, 2015); “Nước non mặt biển” (trường ca, NXB Lao động, 2016); “Cột mốc trong người” (NXB Quân đội nhân dân, 2017)…
Bài thơ “Vu Lan cho người sống” của nhà thơ Nguyễn Quang Hưng trong tập “Gió ngũ sắc”:
Vu Lan cho người sống
Không còn đèn hương nữa
Những vọng niệm đầy sắc màu đã tắt
Sau cuộc phát lộc, sân lễ trở lại quạnh vắng
Chúng ta về nhà, nhận ra vẻ tiều tụy trong những người đang dọn dẹp
Trong giấc ngủ chập chờn, những người đã khuất và cả người còn sống hiện ra vàng vọt
Mở mắt, bên chúng ta buổi sớm, những người ngồi im lặng
Như một ngày nhận ra điều ẩn giấu
Như đã quen với những điều tưởng đã ẩn giấu
Bàng hoàng và khó xử
Cảm giác ấy còn bám đuổi theo chúng ta
Vào trong những suy nghĩ của ngày
Thời gian vì thế trôi qua
Như sự mắc cạn
Chúng ta đi trong trạng thái thiếu không khí
Mãi mãi khó hiểu về tình trạng của những người bên cạnh
Chỉ có hương nến đèn hoa
Vẫn đều đặn cháy lên theo định kỳ
Chúng ta không biết trong tư thế nhập cuộc vào những buổi lễ ấy
Cũng có những con mắt nhìn chúng tay đầy ái ngại.