Muôn vàn lý do “nhảy việc” sau Tết của Gen Z
Bạn trẻ trở lại guồng quay công việc sau Tết Uể oải quay trở lại trường sau Tết, làm sao để trẻ lấy lại năng lượng? Số lượng lao động trở lại làm việc sau Tết tại TP Hồ Chí Minh đạt trên 98% |
Áp lực công việc, ức chế vì sếp…
Cuối năm 2022, Nguyễn Ngọc Huyền Trang (25 tuổi, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã có dự định thôi công việc cô đã gắn bó 2 năm để tìm một hướng đi mới cho sự nghiệp. Huyền Trang làm truyền thông cho một công ty về thời trang ngay tại địa bàn cô sinh sống.
Quyết định có phần táo bạo nhưng cô gái Gen Z cũng đã lên sẵn những kế hoạch trong đầu và cô cũng đã hoàn tất mọi nhiệm vụ được giao, bàn giao lại cho công ty. Trang cho rằng, cô thuộc tuýp nhảy việc an toàn, khi nhận được “offer” mới của công ty khác thì mới nói chuyện nghỉ với công ty cũ. “Thời điểm cuối năm, tỷ lệ cạnh tranh cũng không cao nên lên kế hoạch ngay trong Tết, ra đầu năm này mình thay đổi công ty cũng tiện lợi hơn. Mình vẫn được nhận thưởng Tết, lương tháng 13 ở công ty cũ và tìm một công việc ưng ý hơn, phù hợp hơn trong thời điểm này”, Trang bày tỏ.
Huyền Trang cho biết, cô nghỉ việc ở công ty thời trang và làm truyền thông cho một công ty về thực phẩm tại Hà Nội, với mục tiêu tích luỹ kiến thức, kinh nghiệm về ngành thực phẩm để sau này khởi nghiệp trong lĩnh vực này. Dù vẫn làm truyền thông nhưng có sự đổi mới không nhỏ về lĩnh vực. Tuy nhiên, cô cho rằng, những thay đổi về nội dung trong truyền thông cũng như thay đổi môi trường làm việc không phải là vấn đề khó khăn hay thách thức quá lớn đối với cô. Trang tin tưởng, với sự cố gắng không ngừng và tình cảm với nơi mà cô đã chọn sẽ giúp cô thành công hơn.
Bạn trẻ khoe công việc sau Tết |
Đầu năm mới 2023, Nguyễn Thế Nam (26 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng nghỉ việc tại công ty cũ. Nam chia sẻ, cậu chán làm việc ở đó vì thường xuyên bị ức chế. Tại công ty cũ của cậu khi có sự cố xảy ra, mọi người không tìm ra giải pháp mà tìm người để đổ lỗi trước tiên, xuất phát từ sếp không có năng lực xây dựng kế hoạch hợp lý.
Công việc thì áp lực và hơn hết cậu không còn thấy niềm vui khi đi làm. Từ ngày ra trường, trừ các ngày lễ, Tết, Nam chưa có một kỳ nghỉ phép đúng nghĩa. Nếu có xin nghỉ phép thì Nam cũng trong tình trạng “ôm” laptop, nhận điện thoại liên tục từ khách hàng và sếp. Dù tay chân có nghỉ ngơi nhưng trong đầu luôn luôn nghĩ tới công việc.
Cuối 2022 vừa qua, Nam đã tự nhìn nhận lại bản thân đã làm được gì trong một năm, đánh giá những điều tốt, chưa tốt hay xấu của công ty. Dù 4 năm kinh nghiệm bán hàng tại đây nhưng Nam vẫn quyết định hết tháng 2 này là “nhảy việc”, không phải chỉ vì công việc áp lực mà hơn hết còn vì vấn đề con người.
Làm sao để có công việc ưng ý
Có vô số các lý do mà các bạn trẻ đưa ra cho mục đích nhảy việc như: Đã có ý định nghỉ việc trước đó nhưng đợi nhận thưởng rồi nghỉ, bất mãn với chính sách lương thưởng; Với người lao động đi làm xa quê thì quyết định làm việc tại quê không quay lại nơi làm việc, hoặc không thể quay lại nơi làm việc vì gia đình, chi phí di chuyển...
Nhiều bạn trẻ chọn công việc mới để phát triển bản thân (Ảnh minh họa: Flexjobs) |
Câu chuyện “nhảy việc”, nghỉ việc chưa bao giờ cũ, đặc biệt vào dịp cuối năm và sang năm mới, nhất là với thế hệ Gen Z ngày nay. Không ít lần nhảy việc, từ môi trường công sở cho đến làm việc tự do rồi lại quyết tâm làm chủ một cửa hàng bán đồ công nghệ, với anh Nguyễn Hoàng Thao (trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) tuổi trẻ là cái cớ để dám thay đổi. Anh cho rằng, khi còn trẻ, còn được phép sai và sửa sai nên cứ thử sức, cứ thay đổi nếu cảm thấy cần thiết.
Sau những lần “nhảy việc”, nay anh tự chủ. Anh Thao tự chủ về mặt công việc, không phụ thuộc vào lãnh đạo, quản lý nào. “Mình rất vui với quyết định thay đổi và cho đến khi tự khởi nghiệp thành công như hôm nay”, anh Thao bày tỏ.
Theo anh, không có một công thức chung nào để tất cả mọi người có thể “nhảy việc” thành công. Bởi kết quả sẽ tùy thuộc vào hoàn cảnh và mục tiêu của từng cá nhân. Tuy nhiên, muốn tìm được một công việc ưng ý các bạn trẻ cần tìm hiểu kỹ càng về nơi muốn chuyển đến, tìm hiểu về công việc mà mình dự định làm; Hoàn thiện CV tốt để ứng tuyển. Bên cạnh kinh nghiệm và năng lực chuyên môn tốt, người lao động cần có khả năng thích nghi, linh hoạt trong các môi trường và điều kiện làm việc khác nhau.
“Chúng ta phải nói được làm được, luôn cầu tiến, ham học hỏi, tự giác. Trong mỗi công việc có định hướng, đặt mục tiêu và cố gằng hoàn thành mục tiêu một cách rõ ràng. Ở bất kỳ nơi nào cũng là làm việc nên chúng ta cần làm việc hết mình, một cách có trách nhiệm cao và tập trung trí tuệ; Đừng ngại khó, ngại khổ bởi chúng ta còn trẻ, chính là thời gian để thử thách bản thân và vượt qua giai đoạn cần thách thức nhất trong cuộc đời”, anh Thao chia sẻ.