Năm 2020, TP HCM phát hiện hơn 300 vi phạm về an toàn thực phẩm
Theo đó, trong năm 2020, Ban Quản lý ATTP TP HCM đã tiến hành kiểm tra 6.855 cơ sở (giảm 28% so với năm 2019), phát hiện 274 cơ sở vi phạm (tỷ lệ cơ sở vi phạm giảm từ 9,8% xuống 4%), xử phạt 243 cơ sở với tổng số tiền gần 3,622 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn 4 cơ sở, buộc tháo gỡ quảng cáo 5 cơ sở, buộc kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm dịch lại 315kg sản phẩm động vật, thực hiện tịch thu, thu hồi để tái chế, chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc tiêu hủy 2.941kg sản phẩm động vật và 12 gói nấm linh chi; Tiếp tục xử lý đối với 30 cơ sở còn lại, không xử lý 1 cơ sở (do không còn hoạt động).
Đảm bảo an toàn thực phẩm tại các cơ sở bếp ăn, suất ăn sẵn, cơ sở dịch vụ ăn uống (Ảnh: Trang tin điện tử Thành ủy TP HCM) |
Đồng thời, Ban Quản lý ATTP TP HCM thực hiện công tác kiểm tra, đánh giá hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP theo Bộ Tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng chống dịch Covid-19 đối với 645 cơ sở, trong đó có 577 cơ sở đủ điều kiện hoạt động, 68 cơ sở không đủ điều kiện hoạt động theo Bộ Tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng chống dịch Covid-19.
Ngoài ra, các đoàn kiểm tra của Ban Quản lý ATTP TP HCM thực hiện kiểm nghiệm nhanh 2.492 mẫu thực phẩm, kết quả 7 mẫu không đạt.
Theo Ban Quản lý ATTP TP HCM, tuy tình hình chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP đã có bước cải thiện, nhưng vẫn còn một số cơ sở chưa đáp ứng về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm, vi phạm điều kiện đảm bảo ATTP.
Chủ cơ sở chưa quan tâm đúng mức đến hồ sơ pháp lý, dẫn đến số lượng vi phạm về Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP vẫn còn nhiều. Tình trạng cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm hoạt động vào ban đêm vẫn còn tồn tại nhằm tránh né hoạt động kiểm tra, giám sát của cơ quan có thẩm quyền, gây khó khăn cho công tác kiểm soát, đảm bảo ATTP.
Đồng thời, trong các quy định về kiểm soát và xử lý vi phạm đối với chất cấm, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, theo quy định, để có cơ sở xử lý đối với các trường hợp nông sản thực phẩm tươi sống bị nhiễm khuẩn hoặc tồn dư hóa chất, chất cấm phải có kết quả phân tích định lượng tại phòng kiểm nghiệm được chỉ định.
Tuy nhiên, kết quả phân tích định lượng thường mất thời gian 2 - 4 ngày. Hiện nay, chưa có quy định tạm giữ lô hàng trong thời gian chờ kết quả phân tích định lượng nên khi có kết quả phân tích định lượng thì lô hàng đã được phân phối, tiêu thụ hết. Vì vậy, chỉ có thể xử lý vi phạm hành chính đối tượng vi phạm bằng hình thức phạt tiền, việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả (tịch thu, tiêu hủy) là không thể thực hiện được.
Ban Quản lý ATTP TP HCM kiến nghị hoàn thiện các quy định của pháp luật về ATTP, tránh tình trạng quy định không rõ ràng, cụ thể, không còn phù hợp với các quy định mới ban hành. Đồng thời, tiếp tục thực hiện công tác thanh ra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống. Tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở đã gây ngộ độc thực phẩm trước đây để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm tái diễn.