Căng-tin trường học - “miếng bánh béo bở”
Học sinh nhập viện nhà trường mới… kê vào danh sách?
Ở không ít nơi, trường học đang được coi như thị trường kinh doanh ổn định, nhất là việc cung cấp các suất ăn học đường. Được coi là thị trường có số lượng khách hàng lớn, ổn định, nhu cầu hầu như không biến động... ngày càng nhiều công ty, đơn vị mở ra đưa các dịch vụ phục vụ ăn uống vào trường học cung cấp cho học trò.
Nhiều học sinh trường Tiểu học Nguyễn Trãi (Hà Đông) phải nghỉ học bất thường |
Ngày 2/11, tại trường Tiểu học Nguyễn Trãi, Hà Đông xảy ra tình trạng nhiều học sinh có hiện tượng bị hiện tượng tiêu chảy, nôn mửa, rối loạn tiêu hóa, phải nghỉ học hàng loạt. Số lượng học sinh nghỉ học lên đến hơn 200 em.
Theo nhiều phụ huynh, sau khi tan học về, con xuất hiện triệu chứng tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, Sau khi nghỉ học ở nhà 1, 2 hôm, nhiều em đã đỡ và đi học trở lại.
Nói về vấn đề này, ông Lê Trung Tuấn, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Trãi cho biết: “Trên thực tế, ngày 2/11 có 160 học sinh nghỉ học. Trong đó, 30 học sinh có triệu chứng bị rối loạn tiêu hóa; Có tới 130 học sinh nghỉ học vì nguyên nhân khác. Ngày 3/11, trường có 153 học sinh nghỉ học; Trong đó, 7 học sinh có triệu chứng bị rối loạn tiêu hóa, vẫn có 146 học sinh nghỉ học vì nguyên nhân khác. Ngày 4/11, trường có 75 học sinh nghỉ học; Trong đó còn 9 học sinh có triệu chứng bị rối loạn tiêu hóa, 66 học sinh nghỉ học vì nguyên nhân khác.
Đến ngày 5/11, theo báo cáo mới nhất của các giáo viên chủ nhiệm, toàn trường có 45 cháu nghỉ học, trong đó có 9 học sinh có biểu hiện rối loạn tiêu hóa; 36 học sinh nghỉ học vì lý do khác.
Trao đổi qua điện thoại với phóng viên, ông Tuấn khẳng định, các cháu nghỉ do nhiều nguyên nhân như: Chóng mặt, nhức đầu, dịch bệnh theo mùa... Hiện cơ quan chức năng đã về điều tra về nguyên nhân, nhà trường báo cáo trung thực.
“Phụ huynh cũng theo tâm lý đám đông và có người còn đồn đến 500 em bị ngộ độc. Trên thực tế chưa có cháu nào bị tiêu chảy phải vào bệnh viện, chỉ có phụ huynh lo lắng nên mới đưa con đi khám. Con bị tiêu chảy chỉ có vào bệnh viện mới biết, mà bệnh viện phải bệnh nặng mới nhận. Chúng tôi thống kê số lượng học sinh bị tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa bằng việc gọi điện hỏi xem cháu có phải đi bệnh viện không…”, vị Hiệu trưởng nhà trường nói thêm.
Tràn lan căng-tin, các sản phẩm ăn, uống, du lịch, hội chợ quê…
Trên thực tế, ở nhiều trường học hiện nay tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm cho học sinh. Ngay trên địa bàn TP Hà Nội hiện tại khuôn viên nhiều nhà trường đã có căng-tin bán đồ ăn cho học trò. Những căng-tin này hầu như chưa được cấp phép, thực phẩm bán hằng ngày rất khó kiểm soát…
Tại trường Mầm non Ngã Tư Sở (quận Đống Đa, Hà Nội), căng-tin ngay trong khuôn viên nhà trường được hình thành từ nhiều năm nay. Vào mỗi buổi sáng, rất đông em nhỏ vào ăn sáng rồi lên lớp.
Khi trả lời về giấy phép kinh doanh căng-tin (bởi ngoài an toàn thực phẩm còn có cả vấn đề sử dụng tài sản công trong trường học do khuôn viên các nhà trường là tài sản Nhà nước, nhiệm vụ các nhà trường là dạy và học), Hiệu trưởng trường Mầm non Ngã Tư Sở cho biết: Đó không phải là căng-tin mà là nơi để học sinh ăn sáng. Nơi đó có bán những đồ ăn sáng theo nhu cầu của phụ huynh và nhà trường mở nơi ăn sáng này cũng là theo nhu cầu của phụ huynh…
Được biết, trường học là tài sản công, theo quy định, để được cấp phép hoạt động căng-tin trong trường học, các trường phải nộp đề án về Sở Tài chính. Tuy nhiên, nhiều trường hiện nay đang mở căng tin “chui” để bán đồ ăn cho học trò.
Từ vụ rối loạn tiêu hóa hàng loạt ở trường Tiểu học Nguyễn Trãi, việc kinh doanh căng-tin nói riêng, kinh doanh các mặt hàng khác trong trường học cần sự vào cuộc thống nhất, khoa học, an toàn của ngành Giáo dục và các cơ quan chức năng; Tránh việc để môi trường học đường là “miếng bánh béo bở” của những người có quyền quyết định ai sẽ được triển khai dịch vụ trong nhà trường.
Trường học “nói không với rác thải nhựa” |