Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân khu vực ngoại thành
Tỷ lệ người dân tham gia BHYT ngày càng gia tăng
Thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khoá XII, tỉnh Hà Tây (cũ), huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã của huyện Lương Sơn (tỉnh Hoà Bình) sáp nhập về với Thủ đô nâng tổng số đơn vị hành chính của Hà Nội lên 30 đơn vị, bao gồm 12 quận, 17 huyện và 1 thị xã. Những ngày đầu mới về Hà Nội, điều kiện kinh tế, xã hội tại các địa phương còn nhiều khó khăn. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân cũng chưa được đảm bảo.
Song, với mong muốn mọi người dân đều có khả năng tiếp cận với các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe có chất lượng với chi phí thấp ngay tại cơ sở, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các ban ngành tập trung củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống y tế cơ sở, qua đó góp phần quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.
Người dân được chăm sóc sức khỏe ban đầu tại địa phương |
Tại xã Phú Mãn (Quốc Oai, Hà Nội), đây là địa phương được tách ra từ huyện Lương Sơn (Hòa Bình). Trước đây, Phú Mãn là xã thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện. Bởi Phú Mãn cách xa trung tâm huyện hơn 20 km, điều kiện thổ nhưỡng chủ yếu là các vùng đất đồi gò, bạc màu khó có điều kiện phát triển nông nghiệp, tập quán canh tác thì lạc hậu, chưa có sự đầu tư cải tạo đất đai. Cơ sở vật chất, hạ tầng của địa phương còn yếu kém, đời sống kinh tế của bà con Nhân dân còn khó khăn nên công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại địa phương hầu như không được đảm bảo.
Tuy nhiên, với sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, cùng với sự giúp đỡ của các quận nội thành, kinh tế xã hội của địa phương ngày càng phát triển. Hệ thống cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng của địa phương từng bước được đầu tư khang trang, sạch đẹp. Đặc biệt, trạm y tế của địa phương đã được đầu tư xây mới, trạm có bác sĩ và đạt chuẩn quốc gia về y tế, đến nay, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 95%.
Cơ sở vật chất tại các trạm y tế xã ngày càng được đầu tư đồng bộ |
Đồng chí Đinh Công Nhật, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mãn cho biết: Sau khi được hợp nhất về Hà Nội, đời sống kinh tế xã hội của người dân trên địa bàn xã Phú Mãn có nhiều đổi thay vượt bậc. Hiện tại, tỷ lệ người dân được chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trạm y tế xã ngày một đông, chủ yếu là đối tượng người già, người có bệnh nền và trẻ nhỏ. Vừa qua, cùng với sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, ngành, xã Phú Mãn đã xây dựng mới trạm y tế xã nhằm góp phầm chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân được tốt hơn. Hiện trạm y tế mới đang bước vào giai đoạn hoàn thiện và sẽ sớm đưa vào sử dụng trong thời gian tới.
Còn tại xã Khánh Thượng (Ba Vì, Hà Nội), địa phương là một xã miền núi nằm ở sườn tây núi Ba Vì, trước đây, khi chưa hợp nhất về Hà Nội, hệ thống giao thông công cộng trên địa bàn xã vẫn còn đường đất, đá dăm, người dân đi lại rất khó khăn nên công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân cũng còn nhiều hạn chế.
Từ khi sáp nhập về Hà Nội, được sự quan tâm của thành phố, sự giúp đỡ của các quận nội thành, điều kiện cơ sở vật vất của địa phương từng bước được đảm bảo. Theo đó, xã đã xây mới được trạm y tế, trường học, hệ thống đường giao thông liên xã, đường giao thông nội đồng...
Từ ngày trạm y tế xã Khánh Thượng được đầu tư xây mới, người dân có niềm tin hơn vào y tế cơ sở |
Tuy nhiên, sau hơn chục năm sử dụng, một số hạng mục công trình trên địa bàn đã có sự xuống cấp như trạm y tế, do đó, năm 2022, xã đã đầu tư xây dựng trạm y tế mới, khang trang, sạch sẽ hơn với hai dãy nhà cao tầng, diện tích được mở rộng gấp đôi so với trước. Hiện trạm có một bác sĩ y học dự phòng, một bác sĩ y học cổ truyền và 5 y sĩ, điều dưỡng.
Bác sĩ Đinh Tuấn Đạt, Phó Trạm trưởng phụ trách Trạm Y tế xã Khánh Thượng cho biết: Từ ngày trạm y tế xã được đầu tư xây mới, người dân có niềm tin hơn vào y tế cơ sở, số lượng người dân đến khám ngày càng tăng, Hiện mỗi ngày, trạm y tế tiếp đón và điều trị hàng chục người dân đến khám, theo dõi và điều trị các bệnh không lây nhiễm như cao huyết áp, đái tháo đường... Đặc biệt, tỉ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn xã đạt 93,5%.
Chất lượng hệ thống y tế cơ sở ngày càng được hoàn thiện
Có thể thấy rằng, mạng lưới y tế cơ sở ngày càng có vai trò quan trọng trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân. Thực hiện các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu, các chương trình mục tiêu về y tế, nhất là việc khám, chữa bệnh cho người dân khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa - là những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn ngày càng được thành phố quan tâm và đảm bảo.
Thời gian qua các đơn vị y tế trên địa bàn thành phố Hà Nội nói chung và hệ thống y tế cơ sở tại các huyện ngoại thành nói riêng đã đẩy mạnh các hoạt động y tế tại cơ sở, như phòng, chống dịch bệnh, khám, chữa bệnh ban đầu cho Nhân dân, duy trì thực hiện hiệu quả các chương trình y tế.
Người dân tham gia khám chữa bệnh tại y tế cơ sở |
Đối với các phòng khám đa khoa khu vực và trạm y tế xã, phường, thị trấn đã thực hiện lồng ghép mô hình bác sỹ gia đình, quản lý bệnh không lây nhiễm, người dân được chăm sóc sức khỏe ngay tại tuyến cơ sở… Có thể nói, mạng lưới y tế cơ sở của Hà Nội luôn được củng cố và phát triển.
Nhờ chú trọng, nâng cao chất lượng hệ thống y tế cơ sở, công tác khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố Hà Nội được nâng lên rõ rệt. Năng lực dự phòng của tuyến y tế cơ sở được nâng cao, cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị hiện đại, đội ngũ y, bác sĩ giỏi đã góp phần làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe, tạo sự hài lòng cho người dân. Đặc biệt, từ đầu năm 2020 đến nay, y tế cơ sở thành phố Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Như vậy, với mục tiêu đặt quyền và lợi ích chính đáng của người tham gia BHYT lên hàng đầu, thời gian qua, BHXH thành phố Hà Nội và ngành Y tế Thủ đô đã đồng thuận, thống nhất và quyết tâm cao trong công tác xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT với mục tiêu phát triển bền vững BHYT toàn dân.