Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường
Đây là hoạt động hướng tới kỷ niệm 20 năm thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường, lại được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến ở các đầu cầu: Trung ương (khu vực Hà Nội) và ở tất cả các Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương.
Nội dung Hội thảo này đã tập trung vào 3 chuyên đề: Công tác đánh giá tác động môi trường (ĐTM) với hoạt động đầu tư phát triển; Quản lý chất lượng môi trường, tăng cường nâng cao hiệu quả quản lý chất chải rắn hướng tới nền kinh tế tuần hoàn; Phục hồi hệ sinh thái, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài phát biểu khai mạc hội thảo |
Khai mạc hội thảo, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài chia sẻ: Quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá của nước ta đã và đang diễn ra với nhịp độ nhanh chóng và đã đạt được những thành quả to lớn trên nhiều lĩnh vực. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội mà không làm tổn hại tới môi trường sống của con người, làm thế nào để đạt tới sự phát triển hài hoà, lâu dài và bền vững giữa phát triển và bảo vệ môi trường thiên nhiên.
Đối với công tác ĐTM, các quy định pháp luật đã được hình thành từ khi ban hành Luật Bảo vệ môi trường năm 1993, liên tục hoàn thiện, có điều chỉnh, bổ sung thông qua việc ban hành Luật bảo vệ môi trường năm 2005, 2014, 2020 cho phù hợp với tình hình thực tế phát triển ở Việt Nam trong những thập kỷ qua, đặc biệt là trong bối cảnh cả nước đẩy mạnh chính sách mở cửa khuyến khích đầu tư phát triển để thực hiện mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Chất lượng báo cáo ĐTM tuy đã từng bước được cải thiện, nhưng nhiều báo cáo ĐTM được thẩm định, phê duyệt có chất lượng không cao, nặng về hình thức.
Ngoài ra, còn thiếu khá nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường, đặc biệt là các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật không liên quan đến chất thải nên không có căn cứ để làm chuẩn mực khi xem xét các tác động không liên quan đến chất thải gây ra bởi dự án.
Việc xem xét, thẩm định báo cáo ĐTM của các dự án gây tổn thất lớn về tài nguyên thiên nhiên (ví dụ xây dựng thủy điện chắc chắn phải chấp nhận mất rừng, mất quỹ đất, suy giảm đa dạng sinh học,...) thường gặp khó khăn do không có tiêu chí cụ thể ở mức độ nào thì chấp nhận được.
Các đại biểu đóng góp ý kiến tại Hội thảo |
Tham dự Hội thảo có gần hàng trăm đại biểu từ các Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các Sở Tài nguyên và Môi trường, một số viện nghiên cứu, trường đại học, một số tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp và chuyên gia.
Trên những cương vị và điều kiện khác nhau, các đại biểu đã chia sẻ nhiều thông tin, kinh nghiệm, nhận xét, đóng góp về quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
Th.S Bùi Hồng Diễm, Tập đoàn dầu khí Việt Nam báo cáo tham luận "Bảo vệ môi trường trong hoạt động thăm dò khai thác dầu khí ngoài khơi Việt Nam" |
Tại phần thảo luận về "Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học hướng tới Thập kỷ Phục hồi hệ sinh thái", theo Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường, đa dạng sinh học cung cấp thu nhập chính hoặc một phần cho khoảng 20 triệu người dân Việt Nam từ tài nguyên thuỷ sinh, mang lại thu nhập từ 20-50% cho khoảng 25 triệu người sống trong hoặc gần rừng từ khai thác lâm sản ngoài gỗ.
Tuy vậy, trong thời gian qua, các loài động, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm, được ưu tiên bảo vệ tiếp tục bị đe dọa.
Các nhà khoa học đã đề xuất đưa vào Sách đỏ Việt Nam giai đoạn tới 1.211 loài, gồm: 600 loài thực vật và 611 loài động vật. Số lượng loài bị đe dọa như vậy đã tăng lên nhiều so với Sách Đỏ Việt Nam năm 2007.
Chuyên đề “Phục hồi hệ sinh thái, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học” |
Trong nội dung tham luận tại hội thảo PGS. TS. Lê Xuân Cảnh - Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam nêu rõ, bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và các loài bị nguy cấp, quý hiếm nói riêng đã trở thành vấn đề cấp bách và cần những biện pháp phù hợp, cụ thể, càng sớm càng tốt.
Trong thời gian qua, Việt Nam đã đạt được một số kết quả nhất định trong việc thực hiện các chương trình bảo tồn động vật, như: Chương trình bảo tồn Voi; chương trình bảo tồn Hổ; chương trình bảo tồn Sao La; chương trình bảo tồn các loài Linh trưởng; chương trình bảo tồn các loài Rùa.
Đánh giá về các chương trình bảo tồn loài, PGS. TS. Lê Xuân Cảnh nhận định hầu hết các chương trình đều đạt được những thành tự đáng kể là bảo tồn được các loài theo hình thức nguyên vị. Bảo tồn loài ở Việt Nam có một số điểm sáng như quần thể Voọc Cát Bà đã không còn suy giảm và đang có chiều hướng tăng lên mặc dù chậm. Quần thể Voọc mông trắng ở Vân Long từ dưới 50 cá thể nay đã tăng lên gần 200 cá thể sau khi các mối đe dọa trực tiếp đã được giảm thiểu nhờ các hoạt động bảo tồn có hiệu quả. Cá sấu xiêm được coi như đã tuyệt chủng ở Việt Nam nhưng chương trình tái thả tại Vườn Quốc gia Cát Tiên đã hồi phục loài này.
Hội thảo được tổ chức trực tiếp và trực tuyến tới 63 tỉnh thành. |
Trong thời gian 1 ngày diễn ra Hội thảo, các ý kiến đóng góp phát biểu của các đại biểu tại Hội trường và gửi ý kiến tới Ban Tổ chức.
Từ các thông tin thu nhận từ các báo cáo, thảo luận, góp ý, Hội thảo thống nhất và sẽ báo cáo tại Phiên toàn thể Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V.