Nâng cao vai trò công tác xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu
Toàn cảnh hội thảo “Công tác xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu”
Bài liên quan
Chủ động phòng chống thiên tai bằng khoa học công nghệ
Hậu quả từ việc phát triển kinh tế thiếu bền vững
Phát triển nông nghiệp an toàn theo hướng ứng dụng công nghệ cao
Thúc đẩy liên kết chuỗi và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp
Phát huy lợi thế trong công tác xây dựng nông thôn mới
Theo thống kê, trong khoảng 20 năm qua, các sự kiện thiên tai ở Việt Nam đã khiến hơn 13.000 người thiệt mạng và gây thiệt hại tài sản trên 6,4 tỷ USD, gần 60% diện tích đất và hơn 70% dân số tại Việt Nam đứng trước rủi ro hứng chịu nhiều hiểm họa tự nhiên khác nhau.
Bên cạnh đó, những năm gần đây, tần suất và cường độ của hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, bao gồm bão lớn, mưa bất thường, sạt lở đất, hạn hán, nhiễm mặn... ngày càng gia tăng. Năm 2013, nước ta bị ảnh hưởng nặng nề về lũ lụt khi cơn bão nhiệt đới Haiyan tấn công và gây mưa lớn khiến hàng chục ngàn ngôi nhà và hàng nghìn héc ta lúa, hoa màu bị hư hại. Năm 2016, 52/63 tỉnh, thành phố đã bị ảnh hưởng bởi hạn hán, trong đó có 18 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 2 triệu người cần được hỗ trợ nhân đạo.
Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và xã hội Nguyễn Thị Hà phát biểu tại hội thảo |
Đặc biệt trong năm 2018 vừa qua, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 9 cơn bão, 5 áp thấp nhiệt đới, 213 trận giông, lốc sét, 18 trận lũ quét, sạt lở đất đặc biệt nghiêm trọng tại các tỉnh Lai Châu, Yên Bái, Sơn La, Thanh Hóa... ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của người dân. Thiên tai đã làm 224 người chết và mất tích, 1.987 ngôi nhà bị đổ, sập; 112.998 ngôi nhà bị ngập, hư hỏng nặng. Ước tính, tổng thiệt hại trên 7.000 tỷ đồng. Thiên tai và biến đổi khí hậu đang gây ra những tác động lớn đến cuộc sống của các nhóm dân số dễ bi tổn thương, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.
Phát biểu tại buổi hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và xã hội Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh: Trong những năm qua, biến đổi khí hậu tại Việt Nam đang góp phần gây ra những thảm họa thiên tai với mức độ ngày càng nghiêm trọng tại nhiều vùng trên cả nước như lũ lụt, hạn hán, sạt lở, xâm nhập mặn... Trước tình hình biến đổi khí hậu phức tạp, thời gian qua, các cơ quan trung ương và địa phương đã hành động tích cực nhằm hiện thực hóa chủ trương, chính sách thành các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu từ trung ương đến địa phương. Trong đó các dịch vụ công tác xã hội đóng vai trò cầu nối chủ chốt, là phương tiện hiệu quả trong thực thi các chính sách an sinh xã hội, đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội của đất nước.
Đồng chí Tô Đức, Phó cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) phát biểu tại hội thảo |
Tuy nhiên, hoạt động công tác xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay vẫn còn nhiều thách thức. Chính vì vậy, việc nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu là điều cấp bách và rất có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, các đơn vị có liên quan thuộc bộ thực hiện nhiệm vụ công tác xã hội cũng đang tích cực hỗ trợ người dân ứng phó với biến đổi khí hậu, kết hợp với các cơ quan báo chí.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà mong muốn thông qua hội thảo các cơ quan báo chí truyền thông sâu hơn, mạnh mẽ hơn về công tác xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm tạo sự chuyển biến thực sự trong nhận thức và hành động về vấn đề có tầm quan trọng chiến lược này và quan trọng là góp phần đưa các chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu đến với người dân, giúp người dân chủ động thực sự ứng phó với biến đổi khí hậu trong cuộc sống hàng ngày.
Trình bày một số kiến nghị đẩy mạnh truyền thông phát triển công tác xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu, TS Trần Ngọc Diễn, Tổng Biên tập Táp chí Lao động và Xã hội nhấn mạnh: Thời gian tới, các cơ quan chức năng như Cục Bảo trợ Xã hội, Tổng Cục Phòng chống Thiên tai, Viện Khoa học Thủy văn và biến đổi khí hậu cùng các đối tác liên quan cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí trong việc đẩy mạnh truyền thông về phát triển nghề công tác xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu một cách thường xuyên, có định hướng đúng, giúp cộng đồng biết và kịp thời chủ động thích ứng, phòng tránh và hạn chế thấp nhất tác hại do biến đổi khí hậu gây ra.
TS Trần Ngọc Diễn, Tổng Biên tập Táp chí Lao động và Xã hội phát biểu tại hội thảo |
Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị cần phối hợp liên kết truyền thông về công tác xã hội với thông tin, tuyên truyền về các lĩnh vực kinh tế, luật pháp, văn hóa... Đặc biệt là trú trọng công tác đào tạo đội ngũ phóng viên chuyên về xã hội có kiến thức và kỹ năng cơ bản về công tác xã hội. Đồng thời cần tăng cường sử dụng hiệu quả các kênh truyền thông, đổi mới toàn diện và đa dạng hóa các hình thức, phương pháp truyền thông để có sự thống nhất, tạo sự đồng thuận và đạt hiệu quả cao.
Nhấn mạnh vai trò của nhân viên công tác xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng chí Tô Đức, Phó cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) nói: Thảm họa thiên tai là một trong những lĩnh vực trọng tâm của công tác xã hội, trong đó nhân viên xã hội đóng vai trò quản lý thảm họa thiên tai trước, trong và sau thiên tai. Vai trò của nhân viên xã hội trước thiên tai nhằm đóng góp vào việc giảm bớt các tác hại của thảm hại thiên tai gây ra. Do vậy, vai trò này hướng đến những nhiệm vụ phòng ngừa và giảm thiểu cũng như nâng cao năng lực ứng phó khẩn cấp, thông qua việc chuẩn bị và lập kế hoạch. Trong thời gian tới, các bộ, ngành, cơ quan đơn vị cần xác định rõ vai trò, nhiệm vụ của nhân viên công tác xã trong biến đổi khí hậu. Đồng thời cần phát triển mạng lưới công tác xã hội để hỗ trợ giảm hại do tác động của thiên tai.
Tại hội thảo, các chuyên gia, các nhà quản lý đã tham luận để hoàn thiện, nâng cao năng lực các mô hình công tác xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu như cung cấp các dịch vụ hoặc hỗ trợ phát triển cộng đồng chịu hậu quả của biến đổi khí hậu; điều phối, kết nối giữa các cá nhân, gia đình và cộng đồng có khó khăn do biến đổi khí hậu...
* Đây là bài viết tuyên truyền bảo vệ môi trường của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2019