Ngân hàng Nhà nước vào cuộc gỡ khó cho sản xuất, tiêu thụ lúa gạo
Góc khuất trong thu mua lúa gạo dự trữ quốc gia |
Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản yêu cầu Chủ tịch Hội đồng quản trị/Tổng Giám đốc các ngân hàng thương mại và Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện ngay các giải pháp để góp phần hỗ trợ cho các thương nhân, doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh lúa gạo.
Theo đó, các ngân hàng thương mại chủ động cân đối, đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn và mở rộng thêm hạn mức tín dụng đã cấp cho thương nhân, doanh nghiệp để có nguồn vốn thu mua tạm trữ lúa gạo và nâng diện tích, chất lượng kho chứa, bảo quản, chế biến lúa, gạo, góp phần giảm thiểu tình trạng ách tắc trong lưu thông, tồn ứ hiện nay tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Đồng thời, các ngân hàng phải đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay; đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng phù hợp; chủ động làm việc trực tiếp với các thương nhân, doanh nghiệp để có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn phục vụ thu mua tạm trữ lúa gạo, nhưng vẫn đảm bảo các nguyên tắc tín dụng hiện hành, quản lý được dòng tiền và thu hồi nợ.
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. |
Bên cạnh đó, các nhà băng tiếp tục đẩy mạnh triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn về cho vay kinh doanh xuất khẩu gạo, trong đó chú trọng cho vay các mô hình chuỗi liên kết lúa gạo từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm.
Ngoài ra, các ngân hàng tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng, trong đó có các thương nhân, doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh lúa gạo bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi, phí, cho vay mới khôi phục sản xuất, kinh doanh…
Cũng tại văn bản này, Thống đốc yêu cầu Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn cân đối, đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn và mở rộng thêm hạn mức tín dụng đã cấp cho thương nhân, doanh nghiệp để có nguồn vốn thu mua tạm trữ lúa gạo và nâng diện tích, chất lượng kho chứa, bảo quản, chế biến; không để xảy ra tình trạng ách tắc, ứ đọng lúa gạo do thiếu vốn tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bám sát diễn biến, tình hình thị trường và việc cho vay thu mua tạm trữ lúa gạo của các ngân hàng thương mại trên địa bàn để kịp thời báo cáo UBND tỉnh, thành phố, Thống đốc các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.
Việc sản xuất, tiêu thụ lúa gạo đang gặp khó khăn do dịch Covid-19 |
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng, trong đó có các thương nhân, doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh thóc, gạo bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi, phí, cho vay mới khôi phục sản xuất, kinh doanh…
Mặt khác, các đơn vị cũng phải tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp trên địa bàn nắm bắt được các chủ trương, chính sách của Nhà nước, các quy định của ngân hàng về cho vay phục vụ sản xuất, thu mua, tạm trữ, xuất khẩu lúa gạo và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện lúa chưa thu hoạch trên đồng ruộng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long còn rất nhiều, nhất là lúa vụ Hè Thu, đến nay mới chỉ thu hoạch hơn 600.000 ha trên tổng số gần 1,6 triệu ha gieo cấy.
Dự báo thời điểm thu hoạch lúa hè thu và thu đông sớm sẽ tập trung trong các tháng 8, 9 và 10, tuy nhiên khó khăn hiện nay là giá lúa giảm. Ước tính sản lượng thu mua lúa hè thu sụt giảm từ 20% đến 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải là không đủ khả năng duy trì hoạt động sản xuất theo “3 tại chỗ” do tỷ lệ tiêm vắc xin còn hạn chế; nhiều các cơ sở sấy và xay sát lúa cũng phải dừng hoạt động do không đáp ứng việc test nhanh Covid-19. Ngoài ra, lượng hàng còn tồn kho trong doanh nghiệp cũng ảnh hưởng lớn đến tổ chức ký kết mới các hợp đồng thu mua lúa gạo cho nông dân.
Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nêu một thực tế, một phần doanh nghiệp đang thực hiện hợp đồng từ tồn kho, chưa mua cho hợp đồng mới; tình hình bốc xếp, vận chuyển, lưu thông hàng hóa, từ ngoài đồng, đến nhà máy, đến giao ra cảng và lên tàu cho khách hàng, gặp nhiều khó khăn.
Ông Tùng nhìn nhận, việc giá lúa gạo và nông sản nói chung giảm sâu không phải do quan hệ cung cầu mà là do vấn đề ở khâu cung ứng. “Khách quốc tế vẫn có nhu cầu nhập khẩu gạo Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp không giao hàng được”, ông này nhấn mạnh.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, nhu cầu tiêu thụ lúa gạo thị trường quốc tế nói chung vẫn đang khá cao, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên khó khăn từ logistics khiến xuất khẩu cũng đang dần chậm lại.
Hiện nay tại Việt Nam, nhiều tỉnh áp dụng giãn cách rất chặt nên việc lưu thông ngay nội địa cũng phức tạp hơn. Lúc này thương lái đóng vai trò rất quan trọng vì phải đi gom, thu mua lúa, nhưng hiện đội ngũ này gặp khó khăn trong lưu thông hàng hoá, vận tải khi đi thu mua từ tỉnh này với tỉnh khác.