Ngân hàng Thế giới dự báo tích cực đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam
Kinh tế đầu tư: Chuyển đổi số - Xu hướng đột phá cho mô hình kinh doanh BĐS tại Việt Nam Kinh tế Việt Nam: Vượt sóng gió, nâng tầm vị thế |
Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng vừa có buổi tiếp và làm việc với ông Mohd Hassan Ahmad - Giám đốc Văn phòng nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) phụ trách khu vực Đông Nam Á.
Tại buổi làm việc, hai bên đã cùng nhau trao đổi về một số điểm nhấn về triển vọng kinh tế của Việt Nam, lộ trình tài trợ của WB trong bối cảnh hiện nay, kế hoạch hành động về biến đổi khí hậu và các chương trình, dự án mà WB và Việt Nam đang triển khai.
Ông Mohd Hassan Ahmad mong muốn có cơ hội cung cấp cho các cơ quan quản lý của các nước đối tác triển vọng kinh tế trong bối cảnh xung đột Ukraina - Nga, lắng nghe khó khăn, thách thức, quan điểm của các quốc gia đối tác để thúc đẩy mối quan hệ hai bên.
Đại diện WB bày tỏ ấn tượng trước sự phát triển của cơ sở hạ tầng, cũng như độ mở của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là sự phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Ông cho rằng, sự tăng trưởng của một số chỉ tiêu xuất khẩu chính, cán cân thương mại, lãi suất, tỷ giá... sẽ là cơ sở tăng cường thu hút đầu tư đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam mạnh hơn trong thời gian tới đây.
Theo ông Mohd Hassan Ahmad, một trong những rủi ro chính mà các quốc gia phải đối mặt là triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang có xu hướng bị đình trệ, tình hình lạm phát gia tăng; giá cả hàng hóa tăng cao…
Quang cảnh buổi làm việc |
Những yếu tố này sẽ gây khó khăn cho cơ quan quản lý Nhà nước trong việc thực hiện các chuỗi cải cách tài khóa và tiền tệ.
Dự báo dịch COVID-19 sẽ chưa thể kết thúc trong thời gian tới, phía WB cũng đã đưa ra các biện pháp giải quyết các tình trạng này.
Cụ thể, về chính sách tài khóa, theo đại diện WB, quan trọng nhất là cần đảm bảo bền vững về tài khóa, nợ công trong cả ngắn hạn và dài hạn. Đồng thời, vẫn nên duy trì các khoản đầu tư, chi tiêu xã hội.
Theo đại diện WB, các biện pháp hỗ trợ bằng tiền mặt chỉ nên được thực hiện trong ngắn hạn, có mục tiêu, Chính phủ nên cân nhắc chấm dứt biện pháp này khi nền kinh tế đã được phục hồi trở lại. Ngoài ra, cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh cũng là các biện pháp nên được quan tâm.
Ông Mohd Hassan Ahmad cũng thông tin, Văn phòng Khu vực Đông Nam Á Thái Bình Dương mới đây cũng đã đệ trình lên Ban Giám đốc WB phê duyệt gói hỗ trợ đặc biệt trị giá 170 tỷ USD, góp phần giảm thiểu tác động từ cuộc chiến Nga - Ukraina. Các quốc gia trong đó có Việt Nam cần tăng cường triển khai và đẩy nhanh giải ngân các nguồn vốn đã được phân bổ.
Về phía Bộ Tài chính, Thứ trưởng Võ Thành Hưng nhận định trong thời gian tới, các quốc gia trong đó có Việt Nam sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt, nền kinh tế Việt Nam là kinh tế mở, nên sẽ chịu những tác động nhất định từ những biến động của kinh tế thế giới và khu vực.
Thứ trưởng chia sẻ, Việt Nam cũng đã có những điều chỉnh về chính sách thuế để giảm áp lực của lạm phát như giảm thuế nhập khẩu ngô, đầu tương, ngũ cốc… Việt Nam cũng đang trong giai đoạn thực hiện chương trình phục hồi phát triển kinh tế trong bối cảnh lạm phát, lãi suất tăng. Đây cũng là những vấn đề khó khăn đối với Việt Nam.
“Chúng tôi cũng đã và đang cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, coi đây là yếu tố duy trì mục tiêu tăng trưởng trong trung và dài hạn. Nhìn chung, triển vọng kinh tế Việt Nam có nhiều yếu tố tích cực, là một trong hai nền kinh tế được tổ chức xếp hạng quốc tế S&P nâng hạng tín nhiệm mới đây”, Thứ trưởng Võ Thành Hưng cho biết thêm.
Hoan nghênh phía WB có sáng kiến dành nguồn lực đảm bảo an ninh quốc phòng cho các nền kinh tế có khả năng chịu thiệt hại do xung đột Nga - Ukraina, Thứ trưởng Võ Thành Hưng bày tỏ mong muốn Việt Nam sẽ sớm tiếp cận được nguồn lực, điều kiện về gói hỗ trợ này để có thể trao đổi, thảo luận, xác định nhu cầu.
Mới đây, WB đã đưa dự báo mới là tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ giảm xuống 2,9%, từ mức dự báo vào tháng 1/2022 là 4,1%.
Nguyên nhân của sự sụt giảm trong dự báo này là do tác động của COVID-19; tác động lan tỏa của cuộc xung đột Nga - Ukraina. Ngoài ra, hiện nay, do lạm phát cao, giá hàng hóa trong đó bao gồm nhiên liệu, thực phẩm tăng cao cũng ảnh hưởng đến hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Ở các nước khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương, WB cũng dự báo tăng trưởng GDP giảm xuống 4,4%. Tuy nhiên, Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới mà WB đã rà soát và dự báo điều chỉnh đà tăng trưởng GDP từ mức 5,5% vào đầu tháng 1/2022 lên 5,8% vào tháng 6/2022.
“Việt Nam là nước duy nhất có xu hướng này. Tất cả các quốc gia khác đều được WB dự báo đà tăng trưởng giảm”, phía WB đánh giá.