Ngát mãi hương quê
Tình yêu - điểm tựa cuộc đời Anh vững tin tình yêu chúng mình trở lại... Suy ngẫm từ bài thơ "Có thể thế chăng"? Sao thu muộn về? Trào dâng tình bạn, tình đời |
HƯƠNG QUÊ
Ta cùng nhau xuôi thuyền
Sông Cổ Chiên nước xuống
Những lưới, chài bắt ốc
Rộn rã cả mặt sông
Lần đầu được kéo tời
Chài nặng sâu dưới đáy
Gom ốc gạo sinh sôi (*)
Dáng xinh như trái ổi
Quán nhà lá mái dừa
Khách xuýt xoa thưởng thức
Món bánh xèo vàng rộm
Cuốn ốc phi hành thơm
Nhớ ốc vặn năm xưa
Trong ngách bên Tây Hồ
Dù sớm chiều nắng, gió
Người nối nhau đợi chờ
Tình cờ được gặp em
Tóc chấm vai, bẽn lẽn
Cả hai vui trò chuyện
Biết em là sinh viên
Rồi anh ngược biên cương
Giữ dải đất cha, ông
Lời thư em dí dỏm:
“Có nhớ mùi ốc thơm?!”
Đời chứa chất sắc hương
Hương hoa và hương tóc
Hương tình người sâu lắng
Kết tơ duyên chúng mình!
Nay đang ở Tiền Giang
Mai xuôi thăm rừng đước
Nhiều mùi hương cuốn hút
Chỉ có hương tình em!...
Bến Tre, tháng 2/2023
Nguyễn Hồng Vinh
Tôi đọc bài thơ này, bỗng liên tưởng tới câu thơ của nhà thơ chân quê nổi tiếng Nguyễn Bính: “Hôm qua em đi tỉnh về / Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”. Nhưng qua bài thơ, hương đồng quê vẫn đong đầy, đâu hề với cạn? Mặc dù cặp vợ chồng trong bài đang sống ở Hà Nội, lòng vẫn ngập tràn niềm vui vì có cuộc du ngoạn miền sông nước Tây Nam Bộ, có may mắn tham gia cảnh kéo tời để đưa những tấm chài nặng từ đáy sông lên, rủng rỉnh những con ốc gạo (giống loại ốc bươu ở miền Bắc).
Họ thấy một cảnh mới lạ, hấp dẫn và thích thú khi được trải nghiệm các món ăn đặc sản ở đây, như ốc hấp chấm nước mắm tỏi, gừng; Lẩu ốc nấu cùng nhiều loại lá thơm mọc san sát triền sông; Món bánh xèo cuốn các loại rau với thịt ốc băm nhỏ... Đây là những món ăn thu hút du khách bốn phương: “Trong quán mái lá dừa/ Khách xuýt xoa thưởng thức/ Món bánh xèo vàng rộm/ Cuốn ốc phi hành thơm”.
Nhâm nhi món đặc sản vùng sông nước, họ cùng nhớ lại quán ốc vặn ở một ngách phố bên hồ Tây năm xưa, mà suốt bốn mùa, người nối nhau kiếm chỗ, ai đến trễ phải đứng chờ. Đúng là món ăn hai miền chỉ chế biến từ ốc, nhưng thông qua các loại đặc sản ấy, người đọc thấu cảm một thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm: Cần trân trọng lưu giữ một món ăn truyền thống, cũng là nét văn hóa ẩm thực hình thành từ những vùng quê - dấu kết nối tình cảm con người với thiên nhiên, làm nên sức mạnh nội sinh.
Theo cách miêu tả của tác giả thì từ cảnh chờ đợi có chỗ ngồi ăn ốc vặn, chàng trai được dịp làm quen với cô sinh viên, mà bức thư của cô gửi cho chàng sau này là người lính đang làm nhiệm vụ ở biên giới phía Bắc: “Có nhớ mùi ốc thơm?!”. Vậy là từ món ăn quê, họ đã quen biết, rồi qua tháng năm thử thách, đợi chờ, họ đã nên vợ nên chồng.
Được trực tiếp thưởng thức những vị thơm của các món đặc sản từ ốc gạo ở Bến Tre, cả hai bỗng nhớ lại chuyện xưa và thấm thía triết lý giữa đời và đạo: “Đời chứa chất sắc hương/ Hương hoa và hương tóc / Hương tình người sâu lắng/ Kết tơ duyên chúng mình”.
Bao nhiêu thứ hương trên đời hấp dẫn là vậy, nhưng người chồng vẫn đau đáu nuôi dưỡng tình yêu chung thủy, sự trân quý dành cho người bạn đời trăm năm: “Nhiều mùi hương cuốn hút / Chỉ có hương tình em”!
Thì ra, cái đọng lại trong lòng người khi đọc bài thơ Hương quê chính là một thông điệp sâu xa: Trong thời cơ chế thị trường, dù còn bộn bề ngang trái và cơ man cạm bẫy song với tình yêu chân thành và sự thủy chung, những cặp vợ chồng sẽ bên nhau hạnh phúc lâu bền - một thứ tình yêu ngát mãi hương quê!
Tháng Tám năm 2023
Thái Sơn
(*) Ốc gạo là loại ốc giống ốc bươu ở miền Bắc nhưng thịt thơm, giòn hơn, ngọt hơn và ít bị nhớt. Ốc gạo sinh nở nhanh vào tháng 5, khi hết lũ, chúng sinh sống ở khắp vùng sông nước Tây Nam bộ, nhưng nhiều nhất là ở huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.