Trào dâng tình bạn, tình đời
Khi em xa - một định nghĩa về hạnh phúc! Tình yêu - điểm tựa cuộc đời Anh vững tin tình yêu chúng mình trở lại... Suy ngẫm từ bài thơ "Có thể thế chăng"? Sao thu muộn về? |
Sức hút Hà thành
Ba mươi năm có lẻ
Nỗi nhớ ghim trong lòng
Tiết lập thu ập đến
Được gặp bên hồ Gươm.
Chuyện nổ như pháo rang
NGUYỆT cười như tỏa nắng
THU bẽn lẽn, dịu dàng
HỌC lặng nhìn xao xuyến (*)
***
Đứa ở Sài thành ra
Phố phường đâu tường tỏ
Bạn làm hướng dẫn viên
Cùng ngắm từng ngõ nhỏ!
Râm ran trong xe buýt
Chuyện đời và chuyện thơ
Vui buồn qua năm tháng
Có chuyện chẳng ai ngờ!
***
Đây quán kem Tràng Tiền
Người xếp hàng rồng rắn
Mong nhanh mình đến lượt
Kem thỏa nỗi khát thèm.
Thơm béo ngậy phở Thìn
Ngồi vỉa hè thưởng thức
“Đặc sản” đất Thủ đô
Đã đi vào ký ức!
Hà Nội nay dài, rộng
Đường quanh hồ thênh thang
Cây xanh trùm bóng mát
Xao động đường Thanh Niên…
***
Phút chia tay ập đến
Dáng bạn mờ trong đêm
Dòng người, xe cuồn cuộn
Sao thấy lòng bâng khuâng??!
Trần Thái Học
Đối với những người đã từng sống và học cùng nhau ở đất Thủ đô, thì sự xa cách nhau đã hơn ba mươi năm có lẻ, nay được trở về gặp lại bạn đồng tuế, đồng môn, thì cảm xúc và hoài niệm ùa về là lẽ đương nhiên; Nhất là trong ba người đều có tâm hồn thơ dào dạt, lại đúng vào tiết lập thu.
Đọc cả bài thơ, tôi nhận ra rằng, đâu chỉ là “ôn cố tri tân”, mà mượn hình ảnh gặp bạn, Trần Thái Học muốn bày tỏ tình yêu của mình đối với con người Hà Nội mang phong thái hào hoa, thanh lịch, đang được sống trên vùng đất ngàn năm văn hiến với những địa danh đã thắp lên tình yêu một thời hoa niên sôi nổi và mộng mơ, đã hằn sâu trong ký ức.
Đây, hồ Gươm với tháp Rùa trầm mặc - nơi Lê Lợi trả gươm thần sau khi đánh đuổi giặc ngoại xâm. Đây, đường Thanh Niên từng là nơi của không ít bạn trẻ thời chống Mỹ, cứu nước đã qua đây ghi tấm hình kỷ niệm bên hồ Tây liễu rủ, để rồi người con trai lên đường ra trận giành lại độc lập, bình yên cho Tổ quốc.
Đây “ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó, đêm nằm nghe tiếng gió, tiếng sông Hồng thở than” - như lời ca khúc trữ tình đi cùng năm tháng của cố nhạc sĩ Phú Quang! Những địa danh ấy, những kỷ niệm lắng sâu ấy, Trần Thái Học đã gói trọn trong khổ thơ: “Râm ran trong xe buýt / Chuyện đời và chuyện thơ / Vui buồn qua năm tháng / Có chuyện chẳng ai ngờ”!
Rất có thể chuyện "chẳng ai ngờ" ấy là ánh mắt em từ thời học cùng lớp đã “hút hồn” anh, khiến nhịp tim gấp gáp, nhưng đành phải nén ghìm, để xa em trong nhớ nhung, luyến tiếc, mà nay cả ba người đã “yên bề gia thất", mới dám nói ra?!
Hơn 30 năm gặp lại nhau, họ không thể không rủ nhau cùng thưởng thức những "đặc sản" của Thủ đô: phở Thìn ở phố Lò Đúc, người đông chờ đợi, phải ngồi tràn ra vỉa hè để thưởng thức vị phở thơm béo ngậy thấm vào huyết quản, mà gia vị đặc biệt này dù người ở tận miền xa thăm vẫn ước mong được trở lại nơi đây một lần, dù quán còn chật hẹp. Rồi "kem Tràng Tiền" có thương hiệu hàng trăm năm cuốn hút, nhất là các bạn gái, dù phải “xếp hàng rồng rắn”.
Trong số các địa danh lưu sâu trong hoài niệm thời trẻ là đường Thanh Niên (xưa gọi là đường Cổ Ngư) “chầm chậm bước ta về" gợi hồi tưởng dòng đời với những “lát cắt" khó quên. Điều gây ấn tượng với người đọc là, qua việc hoài niệm một con đường, Trần Thái Học đã “chấm phá” diện mạo của Thủ đô đang thay da đổi thịt từng ngày: “Hà Nội nay dài, rộng / Đường quanh hồ thênh thang / Cây xanh trùm bóng mát”, đã và đang thu hút bao du khách trong nước và nước ngoài...
Cảm nghĩ trào dâng là vậy, nhưng cuộc gặp nào cũng đến lúc chia tay. Vẫn biết đó là điều tất yếu, nhưng Trần Thái Học khéo léo dùng hình ảnh “đắt” này để kết thúc bài thơ: “Dáng bạn mờ trong đêm / Dòng người, xe cuồn cuộn / Sao thấy lòng bâng khuâng”? Có thể lắm, “nỗi bâng khuâng" này, tác giả mang theo lên máy bay, khi về đất đất Sài thành rồi vẫn xao xuyến trong mơ, thấy mình như được bay lên giữa tình bạn, tình đời thiêng liêng và cao đẹp.
Tháng 8/2023
(*) Tên ba người bạn cùng lớp gặp nhau.