Nghệ nhân Đỗ Văn Cường: Người phát huy thế mạnh làng nghề truyền thống
Khẳng định thương hiệu nhờ sản phẩm OCOP 4 sao
Xã Vân Hà của huyện Đông Anh (Hà Nội) vốn nổi tiếng với nghề sản xuất thủ công mỹ nghệ. Toàn xã hiện có 5 thôn với gần 2.600 hộ dân, trong đó, 80% hộ dân làm nghề thủ công mỹ nghệ. Giá trị sản xuất hằng năm về đồ thủ công mỹ nghệ đạt khoảng 70% trong tổng thu nhập của toàn xã.
Sinh ra trong một gia đình có nghề sản xuất thủ công mỹ nghệ truyền thống từ nhiều đời, do vậy, nghệ nhân Đỗ Văn Cường, chủ Hộ Kinh doanh Đỗ Văn Cường tại làng Thiết Úng, xã Vân Hà, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội đã có hơn hai chục năm kinh nghiệm làm nghề chạm khắc gỗ mỹ nghệ truyền thống. Với bàn tay khéo léo, tài hoa, nghệ nhân Đỗ Văn Cường đã cho ra đời hàng trăm tác phẩm điêu khắc từ gỗ.
Sản phẩm của nghệ nhân Đỗ Văn Cường |
Theo nghệ nhân Đỗ Văn Cường, để có thể sáng tạo ra một tác phẩm điêu khắc nghệ thuật, thì người thợ cần phải có “hoa tay”. Các tác phẩm nghệ thuật của nghệ nhân Đỗ Văn Cường được làm từ nhiều loại gỗ tự nhiên khác nhau.
Thường trước khi làm ra sản phẩm, nghệ nhân Đỗ Văn Cường sẽ phác họa hình ảnh sản phẩm định làm, sau đó sẽ dùng cưa xích để tạo hình thô. Sau đó, tiến hành đục từng chi tiết để tạo hình rõ nét sản phẩm. Đây cũng được xem là công đoạn quan trọng quyết định độ tinh, sự sắc nét và có hồn của sản phẩm.
Trong quá trình làm nghề, nghệ nhân Đỗ Văn Cường đã tạo ra hàng trăm tác phẩm điêu khắc gỗ, tiêu biểu như các tác phẩm: Hoa sen mùa thu, lan hồ điệp, mít cảnh, cá cảnh, tê giác 1 sừng, lợn phú quý, đài nến hoa sen…
Hiện nay nhu cầu thị trường trang trí nội thất các sản phẩm từ gỗ ngày càng cao để đủ số lượng phục vụ người tiêu dùng, các sản phẩm thông dụng của nghệ nhân Đỗ Văn Cường bắt đầu được áp dụng công nghệ cao để sản xuất hàng loạt. Tuy nhiên, vẫn đảm bảo chất lượng và thẩm mỹ của từng sản phẩm.
Một sản phẩm của nghệ nhân Đỗ Văn Cường được UBND thành phố Hà Nội đánh giá phân hạng và công nhận OCOP 3 sao |
Năm 2021, Hộ Kinh doanh Đỗ Văn Cường được UBND thành phố Hà Nội đánh giá, phân hạng và quyết định công nhận 1 sản phẩm điêu khắc Chúa sơn lâm OCOP 4 sao. Theo anh Đỗ Văn Cường, sau khi được cấp chứng nhận sao, sản phẩm được tiêu thụ nhiều hơn, chủ thể cũng được hỗ trợ từ chính quyền địa phương để phát triển sản phẩm.
Gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao đời sống người dân
Huyện Đông Anh là một trong những địa bàn có thế mạnh về làng nghề truyền thống của TP Hà Nội, trong đó đặc biệt là nghề làm đồ gỗ mỹ nghệ. Theo Phòng Kinh tế huyện Đông Anh, các làng nghề gỗ mỹ nghệ tập trung ở 3 xã: Vân Hà, Liên Hà và Thụy Lâm với khoảng 5.000 hộ sản xuất, hơn 10.000 lao động.
Hàng năm, giá trị sản xuất đạt khoảng 1.500 tỷ đồng, giá trị sản xuất bình quân 500 - 600 triệu đồng/hộ/năm, thu nhập bình quân người lao động đạt 6,7 triệu đồng/người/năm. Trong đó, xã Vân Hà là địa bàn đứng đầu toàn huyện về số lượng người dân làm nghề cũng như doanh thu hàng năm.
Làng nghề gỗ mỹ nghệ huyện Đông Anh chủ yếu sản xuất theo hình thức hộ gia đình, những năm qua đã cung cấp cho thị trường nhiều loại sản phẩm như tượng, tranh gỗ mỹ nghệ, đồ gỗ nội thất văn phòng, gia đình, bàn ghế, sập, giường, tủ thờ... với chất lượng ổn định, giá cả hợp lý, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.
Nghệ nhân Đỗ Văn Cường |
Hiện nay, trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các làng nghề đã áp dụng biện pháp khoa học kỹ thuật công nghệ vào sản xuất làm tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Vì vậy, những sản phẩm gỗ mỹ nghệ của Đông Anh không chỉ được mở rộng khắp thị trường 3 miền Bắc, Trung, Nam mà còn xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới, như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số quốc gia Trung Đông... góp phần quan trọng vào việc gia tăng giá trị sản phẩm và thu nhập cho người dân.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Tuấn Hà cho biết, đến nay, toàn huyện có 146 sản phẩm được đánh giá, phân hạng và nâng cấp theo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Trong đó 1 sản phẩm đánh giá tiềm năng 5 sao.
Riêng nhóm ngành thủ công mỹ nghệ có 34 sản phẩm được xếp hạng 4 sao và 3 sao. Huyện Đông Anh hiện có 38 chủ thể có sản phẩm được xếp hạng sao, trong đó 16 chủ thể là hợp tác xã, 11 chủ thể là hộ kinh doanh, 11 chủ thể là doanh nghiệp.
“Sau 3 năm triển khai, Chương trình OCOP đã tạo động lực phát triển kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, góp phần giải quyết việc làm, phát huy lợi thế, tiềm năng của địa phương. Chương trình khẳng định hướng đi đúng đắn trong phát triển sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị, gắn các tổ chức sản xuất với sản phẩm, phát huy lợi thế từ các làng nghề truyền thống của huyện.
Kế hoạch trong năm 2022, huyện sẽ tiếp tục phát triển, hoàn thiện, tổ chức đánh giá, phân hạng, nâng cấp ít nhất 40 sản phẩm từ 3 sao trở lên”, ông Nguyễn Tuấn Hà nhấn mạnh.
Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội |