Nghệ nhân giữ lửa nghề thêu tay truyền thống
Nơi vun đắp niềm đam mê nghề nha sĩ MC Sơn Lâm "The next MC là cơ hội khởi nghiệp cho các bạn trẻ đam mê nghề dẫn chương trình" HypART – nơi giới trẻ thể hiện đam mê nghệ thuật |
Niềm đam mê từ nhỏ
Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề thêu tay nên nghệ nhân Nguyễn Thúy Đào gắn bó với nghề ngay từ khi còn nhỏ. Trong ký ức của chị Đào chưa bao giờ phai mờ hình ảnh ông bà, bố mẹ chỉ bảo nắn nót cho chị từng đường kim mũi chỉ. Từ năm 13 tuổi chị đã thành thục 9 kỹ thuật thêu tay truyền thống như: Nối đầu, lướt vặn, đâm sô, bó bạt, thêu bỏ, thêu bạt, sa hạt, khoắn vảy, thêu chăng chặn...
Đặc biệt, tình yêu, sự tinh tế của nghề, chị Đào được bố mẹ truyền cho. Vì vậy, chị chưa bao giờ nghĩ đến làm công việc khác ngoài nghề thêu. “Làm tranh thêu, tôi vừa có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi vừa phát huy nghề truyền thống mà lại có thu nhập thường xuyên. Nghề này cũng rất phù hợp với phụ nữ hay những người khuyết tật”, chị Đào chia sẻ.
Nghệ nhân Nguyễn Thúy Đào với các tác phẩm tranh thêu |
Càng gắn bó, chị Đào càng dành nhiều tình yêu cho nghề thêu tay. Với suy nghĩ phải giữ gìn và phát triển nghề truyền thống, năm 1995, chị thành lập cơ sở thêu tay Nguyên Đào. Suốt hơn 20 năm cố gắng, bền bỉ và không ngừng sáng tạo, thương hiệu tranh thêu Nguyên Đào đã được thị trường đón nhận không chỉ bởi sản phẩm đẹp, mẫu mã độc đáo mà còn mang những nét đẹp đặc trưng của con người đất nước Việt Nam.
Tuy nhiên, sau biến cố gia đình chị Đào đành chia tay với cái tên “Nguyên Đào” và bắt đầu gây dựng Công ty tranh thêu Phương Thảo để tiếp tục theo đuổi ước mơ lưu giữ và phát triển nghề truyền thống ông cha để lại.
Chị Đào tâm sự: “Nghề làm tranh thêu tay truyền thống không chỉ đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo trong từng đường kim mũi chỉ mà còn phải có con mắt của người nghệ sĩ. Người thợ cũng là người nghệ sĩ luôn phải tìm tòi, sáng tạo không ngừng nghỉ, thổi hồn vào những bức tranh thêu thêm sống động, uyển chuyển hấp dẫn người xem”.
Một trong những tác phẩm của Công ty tranh thêu Phương Thảo |
Để giữ và phát triển nghề, chị Đào nhận đào tạo cho các học viên. Theo chị, việc đào tạo được những học viên có tay nghề cao, vừa là cách có thể mở rộng và giữ gìn làng nghề thêu tay truyền thống vừa góp phần tạo việc làm cho người dân tại các địa phương, trong đó, phần lớn là phụ nữ, người khuyết tật…
Quảng bá sản phẩm ra thế giới
Hiện nay, cơ sở tranh thêu tay Phương Thảo đã tạo việc làm cho 30 lao động thường xuyên và nhiều lao động thời vụ với mức thu nhập từ 2,5 triệu - 4,5 triệu đồng/tháng.
Năm 2019, dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của Phòng Kinh tế huyện Thường Tín chị Đào đã hoàn thiện hồ sơ và được UBND thành phố Hà Nội quyết định công nhận tranh thêu Phương Thảo đạt chứng nhận OCOP 4 sao.
Theo chị Đào, từ khi tham gia chương trình OCOP do thành phố triển khai, sản phẩm tranh thêu tay của chị đã có cơ hội giới thiệu, quảng bá tới đông đảo khách hàng trong và ngoài nước về chất lượng, cũng như quy trình tạo ra một bức tranh.
Nghệ nhân Nguyễn Thúy Đào mong muốn quảng bá sản phẩm ra thế giới |
Đặc biệt, việc được tham gia các hội chợ, hội thảo đã tạo cơ hội cho chị được học hỏi nhiều hơn về kỹ năng bán hàng qua mạng internet hay cách bán lẻ.
Ngoài những hoạt động này, chị Đào mong muốn được tham gia nhiều hơn các hội chợ quốc tế. Chị Đào cho rằng: “Được tham gia những hội chợ này sẽ là cơ hội để chúng tôi quảng bá sản phẩm đến bạn bè quốc tế nhiều hơn. Đây không chỉ là một bức tranh thêu mà còn chứa đựng nét tinh túy của làng nghề, văn hóa độc đáo của dân tộc Việt Nam".
Cũng theo chị Đào muốn tạo ra một bức tranh hoàn chỉnh, người thợ cần phải trải qua rất nhiều công đoạn như: Vẽ mẫu, căng nền, sang kiểu, chọn chỉ màu rồi mới thêu. Để bức tranh có giá trị nghệ thuật, mềm mại, những người trong nghề đều phải mất rất nhiều thời gian khổ luyện.
Trong lúc thêu họ cũng cần phải chú ý, tỉ mỉ từng chi tiết, đặc biệt là những đường lượn hay đường nổi viền lá… Vì vậy, mỗi bức tranh tạo nên là một tác phẩm nghệ thuật, chứa cả tâm ý của người thợ.
Hiện nay, cơ sở của chị Đào không chỉ làm tranh thêu cung cấp cho các điểm du lịch nổi tiếng cả nước mà còn nhận thêu trên áo dài. Năm 2020, dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến các ngành nghề khiến cơ sở của chị Đào cũng gặp khó khăn. Tuy nhiên, chị vẫn cố gắng duy trì các hoạt động để tạo việc làm cho người lao động.
“Với việc tham gia chương trình OCOP, tôi hy vọng sẽ có nhiều cơ hội phát triển mở ra cho tranh thêu Phương Thảo. Thông qua các hoạt động, chúng tôi được tham gia cũng sẽ góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động. Đặc biệt, nó tạo động lực để chúng tôi đưa tranh thêu Phương Thảo đạt chứng nhận OCOP 5 sao trong thời gian tới”, chị Đào cho biết.