HypART – nơi giới trẻ thể hiện đam mê nghệ thuật
Được thành lập vào đầu tháng 5/2017, dự án HypART như một bước ngoặt lớn đối với Hương, Hương cho biết: Đó là khoảng thời gian Hương vừa tốt nghiệp ra trường, về nước và không biết sẽ tiếp tục con đường nghệ thuật ở Việt Nam từ đâu và như thế nào. Những trăn trở của cô cử nhân mỹ thuật ấy như đồng điệu với những suy tư của Trang khi đang tìm hiểu về nghệ thuật. Xuất phát chung từ niềm đam mê nghệ thuật, Hương và Trang đã cùng nhau thành lập HypART.
HypART là chương trình nghệ thuật công cộng dành cho giới trẻ, nhất là những người trẻ có đam mê nghệ thuật nhưng lại không có điều kiện sáng tạo, không có không gian để trưng bày sáng tạo của mình trước công chúng. HypART hướng vào 6 loại hình sáng tạo tác phẩm nghệ thuật: hội họa, đồ họa, nhiếp ảnh, video, điêu khắc tổng hợp và new media art.
Ngô Thu Hương (trái) và Hoàng Minh Trang (phải)
Hương chia sẻ: “HypART là tên viết tắt của 4 chữ tiếng Anh: Hyper (năng động), Young (trẻ trung), Public (cộng đồng/công cộng), Art (nghệ thuật). Mình hy vọng HypART sẽ góp phần đưa hơi thở của nghệ thuật đương đại đến gần hơn với cuộc sống, kéo công chúng đến gần hơn với hơi thở của nghệ thuật.”
Những ngày đầu thực hiện dự án vì chưa có kinh nghiệm nên Hương và Trang gặp rất nhiều khó khăn như: Dự án mới thành lập nên ít người biết đến, kinh phí hoạt động phải tự túc do ở Việt Nam chưa có nhiều quỹ hỗ trợ dành cho các dự án của giới trẻ, nhà tài trợ yêu cầu quá cao, những nơi công cộng thường khó xin phép để tổ chức triển lãm (công viên, phố đi bộ,...). Tuy nhiên những khó khăn đó không làm nản trí 2 cố gái trẻ đam mê nghệ thuật, bằng sự đồng lòng, Hương và Trang đã từng bước giải quyết những trắc trở trên hành trình xây dựng HypART.
Từ trang mạng xã hội Facebook – https://www.facebook.com/Hyp.Art/ và Instagram – https://www.facebook.com/Hyp.Art/ Hương và Trang đã đưa HypART đến với đông đảo mọi người đặc biệt là các bạn trẻ, hầu hết mọi người đều đánh giá: “dự án rất hay và ý nghĩa”; một số người bày tỏ, khi nào dự án gây quỹ cộng đồng thì báo cho họ biết để họ ủng hộ; Trang vẫn nhớ mãi có một bạn sinh viên trường Mỹ thuật nhắn tin cho Trang rằng: “Mình cảm thấy rất hào hứng khi có những dự án như thế này diễn ra tại Hà Nội. Nó truyền cảm hứng cho mình, là một địa chỉ mà mai sau mình có thể đăng ký tham gia để theo đuổi đam mê”.
Sau những ngày khởi đầu gian nan, dự án đã nhận được sự bảo trợ về chuyên môn hội họa, địa điểm tổ chức của Mỹ Thuật Bụi (một mô hình giáo dục nghệ thuật dành cho cộng đồng) và bảo trợ về truyền thông, pháp lý của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Bền vững Việt Nam.
Để trở thành thành viên của HypART, Hương chia sẻ: “Điều quan trọng nhất, họ phải có định hướng nhất định về con đường nghệ thuật mà mình theo đuổi, như chất liệu hay loại hình nghệ thuật. Thứ hai, họ phải thực sự đam mê với nghệ thuật và xác định đây là con đường họ muốn đi trên đấy lâu dài. Thứ 3, họ phải có một điều gì đó đặc biệt trong cách suy nghĩ, lối tư duy, cách thể hiện qua từng tác phẩm”. Tất cả các tiêu chí ấy, đều ứng với slogan của dự án “Sáng tạo - Kích thích - Độc đáo”, để rồi kết thúc đợt tuyển thành viên đầu tiên vào tháng 6, 7 vừa qua, HypART đã kết nạp thêm 11 bạn trẻ – nhỏ nhất là 20 tuổi, lớn nhất là 30 tuổi.
Hương nhận xét, nhìn chung, các bạn thành viên tham gia dự án đều tích cực, mọi người đều hào hứng khi sắp được mang tác phẩm của mình ra trưng bày ở một không gian mới lạ. Với bạn Vũ Tuấn Việt (25 tuổi), cựu sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam là cảm giác may mắn khi vừa tốt nghiệp thì biết đến và được tham gia HypART, bởi dự án sẽ tiếp thêm động lực cho Việt theo đuổi con đường nghệ thuật của mình. Chung niềm vui khi được là thành viên HypART bạn Phan Thu Trang (24 tuổi), thiết kế viên chia sẻ: “Mình cảm thấy vô cùng thích thú, mình tin rằng đây là sân chơi để mình có điều kiện hiểu biết và trải nghiệm về nghệ thuật, hơn nữa khi tham gia vào HypART nó còn khiến cuộc sống hàng ngày của mình trở nên ý nghĩa hơn.”
Vào tháng 11 sắp tới tại The Coffee House (số 23M Hai Bà Trưng, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội) HypART sẽ tổ chức triển lãm đầu tiên mang tên “Vòng Quay Xoay” với dự kiến có khoảng 20 tác phẩm thị giác thuộc 6 loại hình nghệ thuật. Mỗi thành viên tham gia triển lãm, tùy thuộc vào loại hình tác phẩm thể hiện sẽ được HypART hỗ trợ từ 500.000đ - 2.000.000đ cũng như các vật dụng phục vụ sáng tác.
Đến nay, mọi khâu chuẩn bị của triển lãm cơ bản đã được định hình cả về việc sáng tạo tác phẩm, ý tưởng thiết kế,… Khi được hỏi về kế hoạch phát triển dự án trong tương lai, Hương cho biết: “Nếu triển lãm sắp tới được công chúng đón nhận, HypART sẽ có một lộ trình ổn định hơn trong việc gây quỹ để tổ chức một triển lãm tương tự vào năm sau. Nơi tổ chức sẽ không bó hẹp ở không gian quán cà phê nữa mà sẽ tiến tới triển khai ở những không gian mở, như HanoiCreativeCity, Up Co-Working Space hay phố sách 19/12. Bên cạnh đó, HypART sẽ kết hợp thêm với các họa sĩ trẻ để cùng nhau xây dựng những ấn phẩm nghệ thuật bán cho cộng đồng để gây quỹ”.