Nghèo đói gia tăng - thực trạng không ngờ ở Thuỵ Điển
Thuỵ Điển phát triển hộ chiếu vắc xin cấy vào da Tại sao thanh thiếu niên Thuỵ Điển được lái xe khi chưa có bằng lái |
Tất cả thực phẩm cơ bản đều tăng giá (Ảnh: AFP) |
Chưa đến 6 giờ sáng, hàng chục người vô gia cư đã xếp hàng bên ngoài nhà ga trung tâm của thủ đô Stockholm để nhận bữa ăn sáng phát miễn phí. Các tổ chức từ thiện cho biết số lượng người vô gia cư đang nhiều hơn bao giờ hết.
Bị ảnh hưởng bởi lạm phát cao nhất trong hơn 30 năm và chuẩn bị cho suy thoái, các dấu hiệu nghèo đói của Thụy Điển đang gia tăng trong bối cảnh bất bình đẳng cũng ngày càng gia tăng.
“Rất nhiều người đến đây để ăn sáng. Trong 13 năm điều hành quán này, chúng tôi chưa bao giờ thấy nhiều người như vậy” - Kavian Ferdowsi, người điều hành một tổ chức từ thiện giúp đỡ người vô gia cư vừa nói vừa cùng các đồng nghiệp phục vụ bánh quế và cafe cho họ.
Cũng như nhiều quốc gia Châu Âu, Thụy Điển đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi của xung đột ở Ukraine. Đồng tiền của Thuỵ Điển, đồng krona, yếu hơn bao giờ hết so với đồng euro cùng với lãi suất tăng mạnh đã khiến nhiều hộ gia đình phải trả các khoản thế chấp khổng lồ.
Vốn là quốc gia ổn định và thịnh vượng, giờ đây nền kinh tế Thuỵ Điển là một trong những nền kinh tế hoạt động kém nhất ở Châu Âu.
Lạm phát tại quốc gia Bắc Âu đã tăng cao nhất trong hơn 30 năm. Theo số liệu thống kê, lạm phát của Thuỵ Điển ở quanh mức 12% kể từ tháng 11/2022.
Sau khi giá điện tăng đột biến vào đầu mùa đông, giá lương thực hiện là mối quan tâm chính của người dân Thụy Điển, tăng 20% so với một năm trước.
Các mặt hàng thực phẩm được quyên góp từ các siêu thị địa phương để bán với giá giảm tại một chi nhánh của Hội Chữ thập đỏ ngày 14/3 tại Stockholm, Thụy Điển (Ảnh: AFP) |
Annika Alexius, nhà kinh tế học tại Đại học Stockholm, cho biết: “Làn sóng lạm phát đầu tiên chỉ ở giá năng lượng nhưng giờ nó đã lan ra toàn bộ nền kinh tế. Những hộ gia đình thu nhập thấp chi tiêu bị tăng thêm nhiều cho hai thứ là tiền thuê nhà và thực phẩm”.
Các hộ gia đình có thu nhập thấp tại Thuỵ Điển đang phải vật lộn để kiếm sống bị ảnh hưởng nhiều nhất. Tuy nhiên, ngay cả tầng lớp trung lưu của đất nước cũng đang gặp khó khăn trong việc đối phó với các khoản thanh toán thế chấp tăng vọt .
Một cửa hàng được Hội Chữ thập đỏ Thụy Điển mở ra để bán với giá rẻ những mặt hàng ế ẩm, tồn đọng của các siêu thị. Bà Marianne Orberg, một luật sư đã về hưu 73 tuổi, đến đây mua sắm 2 lần mỗi tuần. Dù tự nhận mình không phải là người trong hoàn cảnh túng thiếu, nhưng bà vẫn lo lắng khoản tiền tiết kiệm để dưỡng già của mình sẽ cạn kiệt vì chi phí sinh hoạt quá cao.
“Mọi người giờ đều phải thay đổi thói quen ăn uống, phải ăn khác với trước đây thì mới đủ tiền trang trải cuộc sống”, bà Marianne chia sẻ.
Theo Hội Chữ thập đỏ Thuỵ Điển, nhiều nhóm người mới hiện đang cần được giúp đỡ.
“Trước đây, chúng tôi hầu như chỉ thấy những người thực sự sống ở rìa xã hội tới đây. Bây giờ điều đó đã thay đổi. Đó cũng là những gia đình có trẻ em, người già, người đang nghỉ ốm, tất cả đều đang gặp khó khăn”, Tổng thư ký Hội Chữ thập đỏ Thụy Điển, Martin Arnlöv nói.
Theo tổ chức này, gần 1/8 hộ gia đình có bố hoặc mẹ đơn thân có thu nhập thấp chia sẻ họ phải vật lộn để nuôi con.
Thụy Điển từ lâu đã được biết đến là trong những quốc gia bình đẳng nhất thế giới với hệ thống phúc lợi xã hội tốt hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, khoảng cách giàu nghèo của nước này đã gia tăng đáng kể trong 30 năm.
Sau nhiều thập kỷ cải cách nhằm thắt chặt tài chính công đã đưa nước này trở thành một trong những nền kinh tế phát triển mạnh nhất ở Châu Âu, nhưng lại khiến nhiều người dân Thụy Điển lâm vào tình trạng tồi tệ hơn.
Dữ liệu từ Cơ quan Thống kê Thụy Điển cho thấy gần 15% người Thụy Điển có nguy cơ nghèo đói, được định nghĩa là những người có dưới 60% thu nhập trung bình là 33.200 curon (3.140 USD) một tháng.
Thụy Điển cũng là quốc gia thành viên EU duy nhất được dự báo sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay.