TTTĐ - Cơn bão số 3 đã đi qua để lại những hậu quả nặng nề, gây bao trở ngại cho cuộc sống của người dân nhưng đọng lại đó là tình người ở lại, là tình đoàn kết, một lòng sẻ chia khó khăn cùng nhau vượt qua gian khó.
Ấm áp tình người trong bão, lũ
Do ảnh hưởng của bão số 3 và tình trạng mưa lớn, xả lũ sau bão khiến mực nước sông Hồng qua khu vực cầu Long Biên (Hà Nội) dâng cao. Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên số 67 phố Phó Đức Chính (phường Trúc Bạch) đã trở thành “ngôi nhà thứ 2” của những hộ dân đang sinh sống ở bên bờ vở sông Hồng.
|
Nước sông Hồng dâng cao khiến nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội ngập lụt nghiêm trọng |
Sinh sống gần 30 năm tại phố Tân Ấp, bà Vũ Thị Ngoan (70 tuổi) tâm sự đây là lần đầu tiên phải di dời do ngập, lụt: “Tôi đã được các anh chị ở phường và lực lượng chức năng đến vận động đi di dời từ 4 hôm trước. Nhà chỉ còn hai bà cháu nên tôi cũng đồng ý đi theo. Đến đây được các anh chị chăm sóc tận tình, đầy đủ thức ăn, đồ dùng sinh hoạt, chăn gối, quần áo nên cũng hạnh phúc và vui mừng lắm. Cháu nó còn nhỏ, bố mẹ đi làm ăn xa nên chỉ có mình tôi, nếu nước lũ dâng cao thì hai bà cháu cũng không biết xoay sở thế nào”.
|
Bà Vũ Thị Ngoan (70 tuổi) tại trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên số 67 phố Phó Đức Chính |
Bà Vũ Thị Ngoan là một trong 53 người được các lực lượng chức năng động viên di dời đến đây. Mỗi ngày, các cơ sở lưu trú trên địa bàn phường Trúc Bạch, tổ chức hội, đoàn thể, tổ dân phố đều tham gia hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân. Đặc biệt, lực lượng cán bộ UBND, công an, y tế, dân quân thường trực sẽ ứng trực 24/24h để hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, sinh hoạt; khách sạn 5 sao Pan Pacific sẽ bảo đảm các suất ăn trong ngày đầy đủ dinh dưỡng.
|
Ông Nguyễn Bá Thành mân mê chiếc radio cũ của mình trong thời gian tạm trú tại Trung tâm khi mưa, lũ kéo dài |
“Cơn bão số 3 đến khiến mái ấm của chúng tôi bị ngập đến tầng một. Nhưng may mắn thay tôi và các ông, bà đã được lực lượng chức năng hỗ trợ di tản đến đây. Mỗi ngày, chúng tôi đều được các anh chị hỗ trợ chăm lo hỏi han sức khoẻ, tình hình. Tất cả đồ dùng sinh hoạt cá nhân, đồ ăn trong ngày đều được các cô chú chuẩn bị chu đáo”, ông Nguyễn Bá Thành (73 tuổi) chia sẻ.
|
Những công dân của quận khác cũng được chăm sóc chu đáo, tận tình tại 67 Phó Đức Chính |
Ông Nguyễn Bá Thành là một trong năm cụ ông của ngôi nhà “Hà Nội chung tay”, mái ấm của cho những người già vô gia cư, được di dời đến Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên số 67 phố Phó Đức Chính. “Tôi tha hương lên Hà Nội kiếm sống, vật vờ mưu sinh qua ngày, đến tiền trọ cũng chẳng có mà trả, đêm xuống lấy vỉa hè làm nhà, ghế đá làm giường. Nhưng may mắn được các cháu ở nhà chung mời về chăm sóc. Nay mưa lũ, chúng tôi lại được các đơn vị hỗ trợ. Tôi chợt nhận ra rằng, trong những lúc khó khăn, sự quan tâm của mọi người thật quý giá biết bao”.
|
Mặc dù phải di dời do mưa, lũ nhưng với mỗi người dân tạm trú ở đây đều vô cùng hạnh phúc vì được các lực lượng chức năng chăm sóc chu đáo, tận tâm |
“Khi đã ở tuổi tứ tuần, cái tôi sợ không phải cái chết cũng chẳng sợ khổ cực mà điều tôi sợ nhất là cô đơn và ước vọng về hơi ấm gia đình trước những ngày cuối cuộc đời. Chính tại Trung tâm này, chúng tôi cảm nhận được tình yêu, sự chăm sóc như mái ấm tình thương của mình”, ông Bá Thành tâm sự.
|
Các vật dụng sinh hoạt thiết yếu đều được chuẩn bị đầy đủ cho người dân |
Tất cả vì Nhân dân
Đồng chí Nguyễn Dân Huy, Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch chia sẻ: “Mặc dù mưa đã ngớt nhưng chúng tôi vẫn tiếp nhận những người dân đến tránh lũ. Đặc biệt, có 5 công dân quận Tây Hồ bị ảnh hưởng bởi ngập lụt cũng đã đến đây. Các đơn vị, lực lượng chức năng luôn cố gắng đảm bảo các điều kiện tốt nhất có thể để Nhân dân yên tâm tạm trú khi nước lũ tiếp tục dâng cao”.
|
Lãnh đạo quận Ba Đình tận tay chuẩn bị cơm trưa cho người dân |
Đồng chí Nguyễn Dân Huy cũng cho biết Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên số 67 phố Phó Đức Chính có khả năng tiếp nhận trên 400 người. “Chúng tôi đã chuẩn bị các phương án dự phòng, bao gồm huy động nhà sinh hoạt cộng đồng và các cơ sở hưu trí sẵn sàng hỗ trợ nếu xảy ra tình huống quá tải. Rất nhiều người dân tự nguyện đóng góp vật chất, đứng ra kêu gọi người thân và bạn bè tham gia góp sức, mong muốn san sẻ bớt phần nào những khó khăn, thiếu thốn của các hộ được di dời tới đây. Phường cũng chủ động các lực lượng liên quan triển khai các phương án ứng phó kịp thời bão lũ... đảm bảo an toàn cho Nhân dân ngay tại chỗ”.
|
Chị Trần Thị Chi, Trạm trưởng Trung tâm Y tế phường Trúc Bạch ân cần hỏi han sức khoẻ của người dân mỗi ngày |
Vừa thăm hỏi tình hình, sức khỏe cho người dân, chị Trần Thị Chi, Trạm trưởng Trung tâm Y tế phường Trúc Bạch chia sẻ: “Từ hôm cơn bão số 3 đổ bộ đến nay, Trung tâm y tế phường đã túc trực 24/7, đảm bảo luôn có mặt người dân khi cần. Chúng tôi cùng nhận được sự hỗ trợ của các nhà thuốc, nhà hảo tâm, sẵn sàng chuẩn bị thuốc men đầy đủ cho mọi người, đặc biệt là cho những người có bệnh lý nền, các cụ cao tuổi”.
|
Đoàn viên, thanh niên luôn chia ca túc trực 24/24 để hỗ trợ Nhân dân |
Sự tận tình, chu đáo, ân cần của các lực lượng hậu cần tại 67 Phó Đức Chính đã phần nào động viên giúp cho người dân cảm thấy an lòng, cảm nhận được tình người giữa lúc ngập lụt. Đây là minh chứng cho sự đoàn kết, tình người luôn là điểm tựa vững chắc nhất, không chỉ góp phần sẻ chia mà còn tiếp thêm động lực, sức mạnh để cùng nhau vượt qua khó khăn, bão lũ, nhanh chóng ổn định cuộc sống.
|
Ông Mã Liên Dũng (quê ở tỉnh Bạc Liêu) đến tạm trú trong tình trạng chân phải chống nạng. Ông luôn nhận được sự chăm sóc nhiệt tình của các cán bộ y tế |
|
Cơ sở 67 Phó Đức Chính đang tiếp nhận chăm sóc 53 người dân, gồm trẻ nhỏ, người cao tuổi và thậm chí có người có bệnh lý nền đến lưu trú |
|
Quận Ba Đình cũng tổ chức cấp phát quần áo cho người dân |
|
Chị Đào Quỳnh Anh, cán bộ phường Trúc Bạch chăm lo tận tình cho người dân đến tạm trú |
|
Những em nhỏ được bố mẹ, ông bà đưa tới khi gia đình bị ngập bởi do nước dâng |
|
Bữa cơm trưa của công dân đang tạm trú tại cơ sở 67 Phó Đức Chính |