Người dân phấn khởi trước lễ khởi công đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô
Triển khai Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô phải "vượt nắng, thắng mưa" để đảm bảo tiến độ Người trẻ háo hức mong chờ đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô |
Tới dự lễ khởi công Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô tại điểm giao cắt giữa tuyến đường Vành đai 4 với Quốc lộ 2, thuộc địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn diễn ra vào sáng 25/6 có các đồng chí: Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Doãn Toản, UVBTV Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cùng các đồng chí lãnh đạo, HĐND, UBND TP Hà Nội, lãnh đạo các sở ngành thuộc thành phố Hà Nội và lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND các quận, huyện trên địa bàn thành phố…
Các đại biểu tham dự lễ khởi công Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô tại điểm giao cắt giữa tuyến đường Vành đai 4 với Quốc lộ 2, thuộc địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn |
Lễ khởi công Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô tại điểm cầu Sóc Sơn trong điều kiện thời tiết kém thuận lợi. Tuy nhiên, ngay từ sáng sớm, đông đảo người dân trên địa bàn huyện Mê Linh, Sóc Sơn đã có mặt.
Các đại biểu thực hiện nghi lễ khởi công dự án |
Bà Phạm Thị Thúy (thôn Chợ Nga, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn) phấn khởi chia sẻ: “Không chỉ tôi mà nhiều người dân Sóc Sơn đều mong muốn trong thời gian tới, đường Vành đai 4 được xây dựng và đi vào hoạt động, góp phần giúp việc đi lại dễ dàng, thúc đẩy phát triển kinh tế, đời sống người dân chúng tôi ngày càng được cải thiện”.
Bà Phạm Thị Thúy (thôn Chợ Nga, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn) chia sẻ tâm tư với phóng viên |
Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là dự án quan trọng quốc gia đầu tiên triển khai thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Đồng thời là dự án có tính chất liên vùng đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết số 15 ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội và Nghị quyết số 30 ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Máy móc, xe cộ đã sẵn sàng thi công |
Dự án có tổng chiều dài khoảng 112,8km, đi qua địa bàn 3 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh). Ngay sau khi dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, thành phố Hà Nội cùng các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh đã tập trung quyết liệt triển khai thực hiện nhiệm vụ với nhiều giải pháp sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn tại các địa phương.
Đặc biệt, tại các địa phương của Hà Nội, công đoạn giải phóng mặt bằng để thực hiện đúng tiến độ của dự án. Điển hình như tại huyện Mê Linh, dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đoạn qua huyện dài 11,2km, đi qua địa phận 5 xã. Diện tích các loại đất phải thu hồi để thực hiện dự án khoảng 134,2ha của gần 2.700 hộ dân (trong đó, diện tích đất ở thu hồi 7,05ha của 428 hộ; diện tích tái định cư cần bố trí là 4,26ha cho khoảng 294 hộ).
Tại huyện Sóc Sơn, dự án xây dựng tuyến đường Vành đai 4 vùng Thủ đô, đoạn đi qua 2 xã Tân Dân và Thanh Xuân có tổng chiều dài hơn 2km, diện tích cần giải phóng mặt bằng khoảng 48,2ha.
Tính đến nay, huyện Sóc Sơn đã hoàn thành di chuyển 894/898 ngôi mộ, đạt 99,6%. Còn 4 ngôi mộ chưa cải táng, nằm giáp ranh chỉ giới đường đỏ tuyến đường, không ảnh hưởng đến công tác thi công. Các hộ dân cũng cam kết sẽ di chuyển những phần mộ này vào cuối năm 2023.
Bên cạnh đó, huyện Sóc Sơn cũng đã lập, trình các phòng thẩm tra dự thảo phương án tổng diện tích 48,19/48,23ha, đạt 99,9% diện tích cần thu hồi; Phê duyệt xong phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng 47,8/48,2ha, đạt 99,1% diện tích cần thu hồi. Tổng số tiền đã chi trả cho các hộ dân là 238/239,3 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Kỳ (trưởng thôn Xuân Áp, xã Tân Dân) chia sẻ: “Thôn Xuân Áp có khoảng 17,6ha đất cần thu hồi để phục vụ dự án đường Vành đai 4, liên quan đến gần 100 hộ dân. Sau khi Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn công bố, niêm yết bản vẽ chỉ giới đường đỏ, đa số người dân trong thôn đồng tình, ủng hộ cao đối với chủ trương đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.
“Ngay từ khi có chủ trương, ai nấy đều đồng thuận và mong muốn tuyến đường sẽ được triển khai theo đúng tiến độ. Mặc dù có gia đình sau khi thu hồi đất là hết sạch ruộng canh tác nhưng họ vẫn ký vào biên bản bàn giao đất để công tác giải phóng mặt bằng của xã, huyện được kịp thời. Hy sinh lợi ích cá nhân nhưng bù lại người dân mong đợi tuyến đường sẽ giúp xã trở nên khang trang, hiện đại hơn.
Hiện nay, 100% người dân trong thôn Xuân Áp đã ký cam kết bàn giao đất, tỷ lệ chi trả đền bù giải phóng mặt bằng đạt khoảng 95%. Bản thân gia đình tôi cũng có 850m2 đất nông nghiệp bị thu hồi (bằng 75% diện tích đất canh tác) nhưng vẫn sẵn sàng chấp hành tốt chủ trương, chính sách, để qua đó góp phần vào sự phát triển chung của thành phố”, ông Kỳ cho biết.