Người trẻ “sợ” những bữa tiệc cuối năm
Nhiều người trẻ dự định không nghỉ Tết |
Ngại nhậu nhẹt và tốn kém
Hàng năm, cứ vào thời điểm Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, Nguyễn Thùy Trang (25 tuổi, nhân viên bán hàng) lại có mặt tại rất nhiều bữa tiệc tất niên từ tiệc với gia đình, bạn bè cho đến công ty, đối tác. Năm nay, khi mà công việc chưa được theo ý muốn, thêm vào đó sức khỏe vừa mới hồi phục do gặp phải một vài vấn đề, cô gái trẻ quyết định từ chối tất cả các bữa tiệc cuối năm mà mình được mời tới.
“Tiệc tất niên thường là dịp để gia đình, bạn bè hay cả công ty quây quần lại, cùng nhau tổng kết những điều đã làm trong năm vừa qua. Đó thực sự là một dịp đầy ý nghĩa mà mỗi năm chỉ có một lần duy nhất nên việc phải từ chối, hủy bỏ những bữa tiệc này khiến mình cảm thấy rất đáng tiếc”, Thùy Trang nói.
Thùy Trang từ chối các bữa tiệc cuối năm vì sức khỏe và nỗi lo tài chính |
Theo cô gái 25 tuổi, năm vừa qua không ít người gặp khó khăn trong công việc vì kinh tế sau đại dịch chưa phục hồi hoàn toàn, việc không tổ chức tiệc tất niên cũng vừa để tiết kiệm chi phí, vừa đảm bảo an toàn sức khỏe cho mọi người để đón năm mới một cách trọn vẹn hơn.
Đang làm tại một công ty về vận chuyển hàng hóa, Văn Quân (27 tuổi, sống tại quận Hà Đông, Hà Nội) đã từng có nhiều năm tham dự tiệc tất niên với công ty. Vì đặc thù công việc nên hầu hết nhân viên trong công ty là nam giới, họ có chung sở thích ăn nhậu. Bản thân Quân cho biết anh không lên án hay chê trách điều này nhưng do anh không uống được bia, rượu nên rất ngại những dịp tụ tập đông người vì mọi người hay ép.
“Văn hóa liên hoan, nhậu thì mọi người chắc cũng đều biết. Thường mọi người sẽ thích uống hơn là chỉ ăn đơn thuần. Ngồi chung mâm, mọi người cũng thường rót cho mình rồi ép phải uống mấy chén, mấy chén, họ bảo như vậy mới vui. Nhưng mình thực sự không uống được, giải thích dài dòng thì ồn ào không ai nghe, nên khi mình đưa ra hành động từ chối, mọi người nói mình đi ra bàn khác ngồi, ngồi đây là phải uống”, Văn Quân chia sẻ.
Anh cũng cho biết việc không biết nhậu hạn chế anh rất nhiều trong giao tiếp. Chẳng hạn như tiệc cuối năm này, mọi người cứ cầm ly chúc tụng nhau, chúc tụng sếp nên những ai không uống được thì không đến lượt. Văn Quân đành ngồi sang mâm khác, xen lẫn với các chị em phụ nữ để không làm ảnh hưởng đến không khí chung. Vì vậy, mỗi lần đi tất niên anh đều cảm thấy lạc lõng, không hào hứng.
Văn Quân thường "né" các bữa tiệc tất niên do không uống được bia, rượu |
“Cảm xúc của mình thật sự khó tả. Mọi người nhộn nhịp, vui vẻ còn mình chỉ muốn nhanh chóng về nhà. Từ chối tham gia thì không được, nhưng tiệc tất niên năm nào cũng là nỗi sợ của mình. Lúc xem văn nghệ hay ăn thì mình vẫn ngồi chung, trò chuyện được cùng mọi người. Còn đến phần 2, mình chỉ ngồi một góc. Cũng không dám đứng lên về trước vì sợ mọi người dị nghị nên đành cố gắng đến cuối tiệc thôi”, Quân chia sẻ thêm.
Lạc lõng, khó hòa hợp
Nguyễn Lâm Oanh (24 tuổi, kế toán) thừa nhận bản thân là người hướng nội, không thích tham gia các hoạt động của công ty. Mùa hè vừa rồi, cô cho biết đã “né” thành công teambuilding nhưng đối với tiệc tất niên e rằng sẽ khó vì đây gần giống như buổi lễ tổng kết, sẽ đếm số người tham dự và đôi khi phải lên sân khấu để nhận thành tích cùng đồng nghiệp.
Ngoài việc là một người ngại giao tiếp, Lâm Oanh còn không phải người quá chưng diện hay đặt nhiều sự quan trọng vào vẻ bề ngoài. Đây cũng là lý do khiến cô cảm thấy khác biệt, lạc lõng khi tham dự tiệc cùng công ty.
“Những bữa tiệc cuối năm giống như là một nơi mà các tiêu chuẩn được đặt cao hơn. Chẳng hạn, quy định mặc định là mọi người sẽ lộng lẫy hơn, diện những bộ cánh lấp lánh. Các bạn nam sẽ mặc suit còn các bạn nữ sẽ mặc váy lễ hội xinh xắn. Chưa kể, mọi người còn đầu tư thuê trang điểm, làm tóc, làm móng để bản thân hoàn hảo nhất có thể. Trông ai cũng rất xinh đẹp, do vậy mình khá lạc lõng, thậm chí trở nên khá kỳ quặn trong bữa tiệc.
Lâm Oanh cảm thấy mình không thể hòa nhập cùng đồng nghiệp trong các buổi tiệc cuối năm |
Mình không thấy có điều gì sai, nhưng vì mình không thích và không có tâm sức để trở nên lộng lẫy, do vậy mình mặc nhiên sẽ trở nên khác biệt nếu không làm vậy. Còn nếu cố gắng để trở nên lộng lẫy hơn, mình cảm thấy rất tốn tiền và khá phiền phức. Khá nhiều vấn đề khó để giải quyết ổn thoả ở đây”, Lâm Oanh nói.
Theo cô gái 24 tuổi, ai cũng có những sở thích và tính cách riêng nhưng khi đi làm, mình có thể không hòa tan nhưng vẫn phải hòa nhập. Dù không thích, cô vẫn cố gắng tham dự và chăm chút bản thân hơn khi đi tiệc cuối năm. Đương nhiên, cô vẫn mặc đúng với yêu cầu quy định trang phục nhưng so với đồng nghiệp vẫn có phần không lộng lẫy bằng. Cô cho hay nếu ai đó có đồng nghiệp không quá thân thiện, họ còn bàn tán và xì xào về trang phục của những người diện đồ đơn giản, bình thường.
“Trong môi trường làm việc, xã giao cũng là một phần cần có, không thể vì không thích là không làm được. Mình sẽ có mặt tại tiệc tất niên nhưng sẽ xin về sớm hơn chứ không ở lại đến hết chương trình”, Lâm Oanh chia sẻ.