Người trẻ và câu chuyện “nhảy việc”
Người trẻ chia sẻ cách "giữ lửa ấm” gia đình Người trẻ và xu hướng chọn học nghề Nhiều người trẻ chọn xe đạp để đi làm |
Ý thức hay liều lĩnh?
Trong cuộc khảo sát của Deloitte Global năm 2022, 40% Gen Z (19-24 tuổi) và 24% Millennial (28-39 tuổi) muốn rời bỏ công việc trong vòng hai năm qua. Deloitte cho rằng đây sẽ tiếp tục là "một vấn đề lớn đối với các nhà tuyển dụng", vì khoảng 46% Gen Z và 45% Millennial được khảo sát cho biết họ cảm thấy kiệt sức do môi trường làm việc.
Nếu trước đây các thế hệ đi trước chỉ thích ổn định, dễ hài lòng với công việc và mức lương vừa tầm thì gen Z lại khác. Dưới sức ép của các chi phí cao, họ hiểu hơn về giá trị lao động và chủ động để tìm kiếm cơ hội “đổi đời” hơn. Họ chính là những người trẻ không ngại nhảy việc, không sợ thử sức khi ứng tuyển vào các công ty lớn.
Nhân lực hiện nay của tập đoàn FPT đa số là các thanh niên thế hệ gen Z đầy năng động và sáng tạo |
Nhận định về xu hướng “nhảy việc” của Gen Z, anh Chu Quang Huy, Giám đốc nhân sự, Tập đoàn FPT cho biết: “Trước đây, điều đó là không tốt, sẽ bị doanh nghiệp đánh giá về sự trung thành. Còn ở hiện tại, với Gen Z, nhảy việc nhiều tương ứng với có nhiều trải nghiệm.”.
Dưới góc nhìn của Giám đốc nhân sự 9x này, trong suốt quá trình làm việc, chắc chắn sẽ có lúc người làm việc cảm thấy khó khăn, chán nản. Nếu ở thế hệ cũ, suy nghĩ “hết tình thì còn nghĩa" sẽ luôn giữ nhân viên đó tiếp tục ở lại với công ty thì với Gen Z sẽ là “Chia tay sớm bớt đau khổ". Nếu chán nản, cảm thấy bản thân không phù hợp, không thể dung hòa, các bạn trẻ sẵn sàng nộp đơn nghỉ việc ngay trong ngày mai.
Có rất nhiều lý do khiến giới trẻ quyết định nhảy việc. Có thể vì áp lực, văn hóa không phù hợp, lương không như ý… Nhiều cánh cửa chào đón, không áp lực về gia đình nên "nhảy việc" liên tục với tần suất cao cũng là điều dễ hiểu của gen Z.
Nhiều ý kiến cho rằng, áp lực công việc đặt lên thế hệ gen Z khá lớn (ảnh minh hoạ) |
Trong suy nghĩ của nhiều người trẻ, họ muốn được tự do, thoải mái, làm điều mình thích chứ không muốn bị gò ép, định hướng của phụ huynh. Họ nghĩ rằng bản thân có nhiều thời gian và cơ hội để thử cho đến khi thực sự chọn được một nơi phù hợp, chọn được hướng đi cho sự nghiệp.
Cái “giá” nhận về
Nhảy việc không phải là việc xấu, tuy nhiên cũng nên suy xét kỹ. Trên thực tế, đã có không ít nhà tuyển dụng có ấn tượng xấu với người hay nhảy việc. Họ sẽ cho rằng những người trẻ thiếu nghiêm túc, mang trong mình suy nghĩ “núi này trông núi nọ”. Nhiều doanh nghiệp coi trọng tính chuyên nghiệp và gắn bó không thích điều này.
Bên cạnh đó, nhảy việc có thể mang đến nhiều rủi ro tiềm ẩn cho các bạn trẻ. Nguồn thu nhập của bản thân sẽ bị gián đoạn trong 1 đến vài tháng. Bên cạnh đó, bạn cũng phải thích nghi với môi trường văn hóa mới, thậm chí là cả nơi ở mới. Rất nhiều thay đổi diễn ra sẽ tác động không ít đến đời sống tinh thần và vật chất của bạn.
Không thể phủ nhận, Gen Z đang sở hữu tư duy của một thế hệ hội nhập cả trong và ngoài nước. Các bạn trẻ hiện nay có những suy nghĩ riêng và không ngại tìm cách thể thực hiện những suy nghĩ hoặc ý tưởng đó. Họ ngày càng trở nên bản lĩnh, đa năng, dám nghĩ dám làm và độ tuổi thành công cũng vì thế mà ngày càng trẻ hóa.
Minh Huyền cùng những đồng nghiệp trẻ tuổi tại công ty |
Bởi vậy, gen Z không đáng bị đánh đồng với văn hóa nghỉ việc kém văn minh. Ở thế hệ nào cũng sẽ có những cá nhân thế này và những cá nhân thế khác. Phạm Minh Huyền (26 tuổi, đang làm việc tại một nền tảng thương mại điện tử) chia sẻ: “Đôi khi họ không phù hợp với văn hóa một doanh nghiệp quá già nua, không phù hợp giới trẻ. Cũng có thể do người quản lý chưa kịp hiểu về gen Z để có cách quản trị hiệu quả hơn.”
Quan trọng hơn cả, mỗi người trẻ ứng xử văn minh, có kỷ luật, có trách nhiệm là tôn trọng người tuyển dụng, công ty, đồng nghiệp và cũng chính là tôn trọng chính uy tín của bản thân.