Người Việt dùng hàng Việt góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế Thủ đô
Chiều 28/1, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo đánh giá kết quả thực hiện cuộc vận động năm 2020, thống nhất kế hoạch thực hiện năm 2021.
Dự cuộc họp có các đồng chí: Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương; Phạm Thanh Học, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; Đàm Văn Huân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội.
Thực hiện chương trình đưa hàng Việt đến người tiêu dùng, đẩy mạnh phát triển thương mại, bình ổn thị trường, trong thời gian qua, thành phố đã tập trung đẩy mạnh triển khai các dự án hạ tầng thương mại trên địa bàn.
Đồng chí Phạm Thanh Học, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội trao tặng Bằng khen của UBND TP cho các tập thể |
Cụ thể, Sở Công thương phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư lập danh mục 5 chợ đầu mối, 5 trung tâm mua sắm, bán buôn và 1 trung tâm logistics kêu gọi đầu tư tại “Hội nghị xúc tiến đầu tư thành phố năm 2020”. Đến nay, thành phố có 142 siêu thị, 28 trung tâm thương mại, khoảng 1.800 cửa hàng tiện lợi, 455 chợ đang hoạt động.
Lũy kế, đến thời điểm hiện tại đã có 11.382 website/ứng dụng thương mại điện tử của tổ chức, cá nhân được tiếp nhận và chấp thuận thông báo/đăng ký hoạt động trên địa bàn thành phố.
Thực hiện kế hoạch kích cầu nội địa, tăng mức bán lẻ hàng hóa, thành phố đã tổ chức hội chợ đồ gỗ và trang trí nội thất năm 2020 với 300 gian hàng; Khai trương 14 điểm giới thiệu quảng bá sản phẩm theo chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”; Tổ chức chương trình khuyến mại tập trung thành phố; Phối hợp với các tỉnh, thành phố, các kênh phân phối, đơn vị liên quan kết nối, tiêu thụ trên 10.000 tấn nông sản thực phẩm dư cung do mùa vụ, dịch Covid-19 làm ảnh hưởng tới thị trường tiêu thụ, xuất khẩu.
Ban chỉ đạo các quận, huyện, thị xã đã phối hợp các sở, ban, ngành, các doanh nghiệp tổ chức các hội chợ hàng Việt, phiên chợ hàng Việt, các chuyến đưa hàng về vùng xa trung tâm. Đối với Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”, năm 2020 đã có 103 doanh nghiệp với 189 sản phẩm, dịch vụ thuộc 12 ngành hàng đạt đủ tiêu chí tham gia chương trình.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tế triển khai Cuộc vận động cho thấy, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc xây dựng, bảo vệ thương hiệu nhãn mác của sản phẩm, hàng hóa; Chưa quan tâm đến việc thực hiện Cuộc vận động.
Đồng chí Đàm Văn Huân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội trao tặng Bằng khen cho các tập thể |
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chưa có sự liên kết chặt chẽ với người tiêu dùng, do đó, việc tạo uy tín, chỗ đứng của hàng hóa Việt trong lòng người tiêu dùng chưa cao. Bản thân các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn do tình trạng hàng giả, hàng nhái thương hiệu Việt chưa được kiểm soát triệt để làm giảm lòng tin của một bộ phận người tiêu dùng.
Nhằm giải quyết những khó khăn, bất cập mà doanh nghiệp gặp phải trong quá trình triển khai Cuộc vận động, trong năm 2021, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó, chú trọng tuyên truyền, giới thiệu, tôn vinh sản phẩm, hàng hóa Việt Nam chất lượng cao, nhất là các sản phẩm dịch vụ được bình chọn, công nhận “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”; Đồng thời lên án, đấu tranh với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng;
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu, quảng bá hàng Việt Nam chất lượng cao đến người tiêu dùng, các hoạt động thương mại, xúc tiến thương mại, bình ổn thị trường; Tổ chức các chương trình bán hàng Việt, đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng; Triển khai các hội chợ, chương trình khuyến mại, giảm giá, chương trình kích cầu nội địa, kết nối giao thương, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng thành phố Hà Nội;
Đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ, xây dựng chợ, trung tâm thương mại, siêu thị... phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi để người dân kinh doanh, mua sắm.
Phát biểu tại chương trình, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết: Trong năm 2020, thị trường trong nước là cứu cánh cho cả nền kinh tế. Trong bối cảnh dịch Covid-19 làm đứt gãy nguồn cung, xuất khẩu gặp khó khăn, đã cho thấy rõ ý nghĩa của cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội trao tặng Bằng khen của UBND TP cho cá nhân |
Sở Công thương Hà Nội đã tham mưu Ban chỉ đạo xây dựng chương trình kích cầu, tăng trưởng kinh tế, ngơi dịch lúc nào thì triển khai lúc đó. Các doanh nghiệp Việt đã cố gắng nỗ lực, xoay chuyển tình thế để sản xuất kinh doanh. Điển hình như ngành may mặc xoay sang sản xuất khẩu trang, cải tiến mẫu mã bán tại thị trường trong nước.
Thành tựu đạt được như vậy một phần nhờ tinh thần người Việt dùng hàng Việt và sự đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng mà thành phố đã đề ra, trong bối cảnh dịch lại bùng phát, nhiều sự kiện thương mại có thể tạm dừng, bà Lan cho rằng, vai trò cuộc vận động càng phải phát huy mạnh mẽ hơn; Đồng thời, cần có nhiều giải pháp mới trong triển khai thực hiện…
Phát biểu tại chương trình, đồng chí Phạm Thanh Học - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đề nghị Ban chỉ đạo Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thành phố Hà Nội thực hiện tốt các giải pháp để duy trì phát triển kinh tế Thủ đô;
Tập trung khắc phục những hạn chế tồn tại; Tăng cường vai trò chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện cuộc vận động
Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động quảng bá hàng Việt Nam đến người tiêu dùng, tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, kích cầu, kết nối các tỉnh thành.
Tại chương trình, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam đã trao bằng khen của UBND cho 10 tập thể và 10 cá nhân. MTTQ Việt Nam TP Hà Nội cũng đã tặng bằng khen cho các tập thể xuất sắc.