Nguy cơ dịch bệnh còn tiềm ẩn, nếu chủ quan mọi thành quả sẽ "đổ sông, đổ bể"
Ngày đầu nới lỏng, người dân rủ nhau đi chợ từ sớm
Hôm nay, nhiều dịch vụ được nới lỏng, lại đúng ngày rằm tháng Tám nên ngay từ sáng sớm, khá đông người dân Thủ đô đổ tới các khu chợ để mua sắm.
Từ 5h sáng, tại khu vực chợ Thạch Bàn (ở quận Long Biên, Hà Nội) nhiều người dậy sớm tranh thủ đi chợ mua sắm đồ về cúng rằm. Các quầy hàng bán hoa quả tươi, giò chả, xôi chè, bánh chưng... đều mở cửa sớm và thu hút khá đông người dân.
Chị Phạm Hoàng Linh (Thạch Bàn, Long Biên) cho biết: "Tôi đi sớm vì không muốn gặp cảnh đông đúc nhưng không ngờ ai cũng tranh thủ đi chợ sớm giống mình. Cũng may là tôi đã trang bị đầy đủ kính chống giọt bắn, khẩu trang. Tôi mang cả nước rửa tay sát khẩu và hạn chế giao tiếp nhất có thể. Mua xong ra khỏi chợ là tôi sát khuẩn. Tôi thấy đa số người dân cũng có ý thức, tuy nhiên chợ buổi sáng khá đông nên mọi người đứng san sát nhau”.
Tương tự, tại khu vực chợ Kim Giang (phường Kim Giang, quận Thanh Xuân) cũng rất đông người dân đã dậy sớm tranh thủ đi chợ.
Tại khu vực chợ Kim Giang (phường Kim Giang, quận Thanh Xuân) rất đông người dân đã dậy sớm tranh thủ đi chợ |
Ngoài các chợ, dịch vụ cắt tóc gội đầu được mở cửa trở lại cũng hút khách. Trên phố Thái Thịnh sáng 21/9, hơn 20 thợ cắt tóc đang phục vụ gần 50 khách. Nhiều người ngồi chờ tới lượt. Cơ sở cắt tóc trên đường Nguyễn Trãi, từ 8h30 sáng đã rất đông khách. Để đảo bảo phòng chống dịch, cơ sở này chỉ nhận khách có hẹn trước.
Chị Hoàng Minh, chủ salon tóc ở Triều Khúc (quận Thanh Xuân) chia sẻ, chị mong từng ngày được nới lỏng giãn cách, mãi đến khuya mới nhận được thông tin. Tuy hơi muộn và hồi hộp nhưng cũng rất mừng.
Cũng trong ngày hôm nay, lượng phương tiện lưu thông trên nhiều tuyến đường phố tăng cao như tại cầu vượt Ngã Tư Sở, đường Trường Chinh, đường Nguyễn Trãi, đường Láng...
Đường Nguyễn Trãi hướng vào nội thành lúc 8h30 sáng ngày 21/9, lượng người và phương tiện khá đông đúc |
Đừng vội chủ quan, nguy cơ bùng phát dịch còn cao
Như lãnh đạo TP Hà Nội khẳng định, mặc dù đạt được kết quả bước đầu nhưng Hà Nội vẫn có nguy cơ bùng phát dịch trở lại bởi hiện nay vẫn còn F0 trong cộng đồng. Theo Bộ Y tế, thành phố vẫn chưa đạt được tiêu chí để trở lại trạng thái bình thường mới (ít nhất tiêm phủ 70% mũi 1 và 20% mũi 2). Hà Nội mới đạt 12% người được tiêm mũi 2. Do đó, dù việc nới lỏng là mong mỏi chính đáng của người dân và doanh nghiệp nhưng không thể chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch.
Theo đánh giá của các chuyên gia, ngay cả trong “vùng xanh” thì nguy cơ dịch bệnh vẫn luôn tiềm ẩn. Điển hình như sau nhiều ngày không ghi nhận ca F0 trong cộng đồng, quận “vùng xanh” Long Biên đã ghi nhận 1 ca dương tính ở phường Việt Hưng và sau đó đã xuất hiện thêm nhiều ca bệnh nữa. Ranh giới giữa các vùng rất mong manh, nếu không cẩn trọng và mất cảnh giác, mọi thành quả phòng, chống dịch trong thời gian qua sẽ “đổ xuống sông xuống bể”.
Tất cả người dân tỉnh ngoài vào Hà Nội đều được kiểm tra y tế |
Chính vì thế, khi TP nới lỏng giãn cách xã hội thì càng phải quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng dịch. Chỉ cần một vài người “thả lỏng” quá mức, thiếu cảnh giác, lơ là chủ quan, rất có thể dịch bệnh sẽ bùng phát trở lại bất kỳ lúc nào.
Chị Hoài Anh, chủ hiệu tóc ở thị trấn Văn Điển, Thanh Trì, cho biết, đợt mở cửa trở lại này, chị phần thấy vui mừng, phần có chút lo lắng: “Nếu mở cửa được lâu thì tốt nhưng tôi thấy nhiều người vẫn chủ quan. Mới giãn cách mà đường phố đông đúc, tôi nghĩ cần phải tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân hơn nữa, nếu không nguy cơ dịch bùng phát rất cao, tôi lại phải đóng cửa”.
Không phải từ hôm nay mà gần một tuần qua, khi TP cho phép nới lỏng một số cơ sở kinh doanh, dịch vụ, lượng người và phương tiện trên các đường phố tấp nập hơn rất nhiều. Điển hình như tình trạng người dân xếp hàng dài chen chúc nhau chờ mua bánh Trung thu, không thực hiện việc giữ khoảng cách, lại có hàng quán treo biển chỉ bán mang về nhưng vẫn có người vô tư ngồi uống cà phê, trà đá… Lại có trường hợp một số người dân đã có tâm lý chủ quan, thoải mái đi lại, mua bán, tập thể dục…
Tại một số tuyến phố bắt đầu xuất hiện tình trạng tắc đường, kẹt xe. Rõ ràng tất cả những hoạt động đó của một bộ phận người dân Thủ đô đều tiềm ẩn nguy cơ bùng dịch bệnh cao.
Theo các chuyên gia y tế, chuyện nới lỏng giãn cách là điều kiện cần thiết để người dân Thủ đô dần quay lại cuộc sống bình thường trong trạng thái mới. Tuy nhiên, mỗi người dân đều phải nghiêm túc thực hiện 5K, nhất là ở những nơi có mật độ dân tập trung cao, đi lại đông, lao động sản xuất, cửa hàng, cửa hiệu, những nơi xếp hàng mua sắm... đều có thể bùng, phát dịch.
Như nhiều lần lãnh đạo TP đã nhấn mạnh, mặc dù kết quả phòng, chống dịch của Hà Nội đã có bước tiến mới nhưng các ca F0 trong cộng đồng vẫn còn. Do đó, tinh thần chỉ đạo chung là tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; Tiếp tục coi phòng, chống dịch là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu; Bảo vệ sức khỏe và an toàn tính mạng của người dân là trên hết, trước hết.