Nguyễn Văn Học - Cất tiếng nói cho những vùng ký ức
Nguyễn Văn Học và những cuốn sách trăn trở với đời |
Sách do NXB Dân trí ấn hành. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhà văn Nguyễn Văn Học xung quanh cuốn sách và dòng văn chương về Hà Nội.
Đúng 10 năm trước anh đã cho ra mắt cuốn sách “Hoa thở” để đón chào Hà Nội 1000 năm và sau 10 năm khi Hà Nội chuẩn bị bước vào tuổi 1010 anh lại “gói ghém” tình yêu với mảnh đất này bằng tập ký “Hà Nội thênh thang ký ức”. Chắc có lẽ ý tưởng này đã được anh chuẩn bị từ khá lâu rồi?
- Đã là người viết được sinh ra ở Hà Nội thì thường có một khao khát viết về Thủ đô. Tuy nhiên có người viết nhiều, người không viết được và có người thành công hoặc không. Hàng trăm năm qua, Hà Nội vẫn luôn là một siêu đề tài, thu hút nhiều người viết, tạo dựng thành dòng văn chương ẩm thực về Hà Nội, lịch sử Hà Nội, đô thị Hà Nội lúc chuyển giao và hiện đại.
Tôi yêu Hà Nội, từ đó tỉ mỉ lắng nghe cuộc sống, phố phường, cây cối, con ngõ, mái ngói, sự chuyển dịch của bốn mùa… thậm chí quan tâm vào những khoảng khắc, những điều rất đỗi nhỏ bé và bình dị của Hà Nội. Vì thế tôi nghĩ rằng, ở mỗi mốc thời gian quan trọng đều có kỷ niệm. Nên tôi sẽ chuẩn bị đề tài để phù hợp và in thành sách, từ những gì mình đã viết được. Tất nhiên, phải chuẩn bị tâm thế. 10 năm trước một cuốn và năm nay là “Hà Nội thênh thang ký ức”. Mỗi cuốn sách đều kể về Hà Nội theo cách riêng nhưng luôn hiện diện một tình yêu và cả nỗi trăn trở về thành phố nghìn năm văn hiến.
Bìa cuốn sách "Hà Nội thênh thang kí ức" của nhà văn Nguyễn Văn Học |
Đọc 22 ký của anh trong tập sách “Hà Nội thênh thang ký ức”, tôi thấy đó là 22 nỗi niềm, tâm tư, sự trăn trở về những vấn đề nổi cộm trên mảnh đất ngoại thành Hà Nội và càng đọc nó tôi càng thấy anh phải là người đi thật nhiều, tìm hiểu thật nhiều mới có thể “vun vén”, chắt lọc, gọt rũa tỉ mẩn trong những ký sự hấp dẫn này?
- “Hà Nội thênh thang ký ức” viết chung về mảnh đất Hà Nội nhưng tập trung sâu và nhiều hơn về các vùng ven đô - vốn xưa kia là làng cổ, làng văn hóa, các làng ngoại thành.
Để có thông tin viết, tôi phải dành nhiều thời gian tìm hiểu, lấy thông tin, gặp gỡ nhân chứng, chính quyền cơ sở… Bởi đây không phải là cuốn sách khảo cứu. Một phần yếu tố về lịch sử, văn hóa vùng đất được đưa vào chỉ nhằm làm nổi bật vẻ đẹp của vùng đất đó. Mối quan tâm chính của tôi vẫn là hơi thở cuộc sống đương đại, với những làng cổ, làng nghề, vùng quê đã thay da đổi thịt, bị đô thị hóa, nhiều nét đẹp còn giữ được nhưng cũng không ít vẻ đẹp đã bị mai một theo thời gian.
Bản thân anh cũng là người được sinh ra, lớn lên tại mảnh đất ngoại thành Hà Nội và tôi tin rằng những giá trị văn hóa được nhắc đến trong tập sách đã không còn xa lạ với cậu bé Nguyễn Văn Học từ mấy chục năm trước. Viết về những giá trị thân thuộc, gần gũi ấy, hẳn anh rất có nhiều lợi thế?
- Hà Nội nói chung hay vùng Phú Xuyên là quê hương tôi. Viết về quê hương thì chắc chắn là lợi thế rồi. Lợi thế hơn nữa là tôi chịu đi, chịu quan sát, từ 20 năm qua đã len lỏi vào những nếp làng cổ, những ngả đường quê để tìm hiểu, hòa quyện và xúc động trước đất và người. Lợi thế nữa là tôi là nhà văn, lại biết làm thơ, nên khi diễn tả một nếp làng, một vẻ đẹp đang bị vơi dần, con chữ sẽ đầy day trở. Do dung lượng của sách có hạn nên tôi không thể đưa hết một số bài khác, nên sẽ dành để in cuốn sau.
Con người là đối tượng hưởng thụ giá trị văn hóa đồng thời cũng quyết định sự tồn tại lâu hay chóng của các giá trị ấy. Hà thành có nhiều di sản văn hóa, vật thể và phi vật thể, có một kho tàng văn hóa dân gian, hệ thống di tích lịch sử, di tích văn hóa. Thậm chí có những vùng quê có rất nhiều di tích. Tất cả đều là khối tài sản vô vàn tuyệt vời.
Giếng làng cũng là một di sản, một vẻ đẹp làng quê mà ngày xưa giá trị sử dụng rất lớn. Có làng đào cả hệ thống giếng để cung cấp nước sinh hoạt cho xóm, làng. Song, do quá trình đô thị hóa, nhiều giếng bị lấp, không được sử dụng, bị ô nhiễm. Qua thực tế, nhiều giếng nói riêng, hệ thống di tích nói chung bị mất đi, xuống cấp là lỗi của con người. Nên trong mỗi bài viết, thông điệp “cùng bảo vệ” rất rõ.
Dù lớn hay nhỏ, thì mỗi khối tài sản đều cần có cách để bảo vệ, bởi có những thứ mất đi rồi mới thấy tiếc. Có những chiếc giếng bị lấp đi rồi nhưng do tiếc quá nên người ta lại khơi lại. Xét đến cùng, những khối tài sản ấy đều được cha ông chúng ta gây dựng, gìn giữ và mong muốn thế hệ sau giữ lấy, tiếp nối và trao truyền. Hà cớ gì chúng ta, mỗi người dân, cán bộ không có trách nhiệm bảo tồn?
Nhà văn Nguyễn Văn Học đi thực tế tìm hiểu làng Cựu, xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội |
Là người có nhiều năm trăn trở với mảnh đất ngoại thành, anh có nhận xét gì về các tác phẩm văn chương viết về khu vực này hiện nay?
- Thật ra, vùng ngoại thành Hà Nội cũng được coi như vùng nông thôn, giống như bao vùng nông thôn nói chung khác. Văn chương viết về nông thôn đang rất thiếu, bởi nhà văn đa số đều định cư ở đô thị. Ở Hà Nội, như đã chia sẻ, chục năm qua có rất nhiều nhà văn khai thác, thậm chí viết cả chục cuốn nhưng đa số khai thác ở mảng đô thị, có thể gọi là nội thành. Một số nhà văn khác thì viết khảo cứu, đa số của ở đô thị. Thật sự vùng trầm tích ngoại thành đang thiếu các cây bút chạm tới.
Tôi thấy thế này, để viết tốt về ngoại thành thì phải đi thực tế, phải đến làng, đến quê, quan sát, xúc động, tìm hiểu thì mới ra vấn đề. Điều đó rất mất thời gian, công sức. Nó không giống làm khảo cứu. Khảo cứu có thể đọc sách, tra cứu, đến thư viện hoặc làm ở nhà. Viết tản mạn về nội thành thì cứ la cà quán xá, ngõ ngách, cà phê… và rất tiện. Ai cũng có thể làm được. Tôi biết, để vươn tay và rong ruổi ngoại thành, bất cứ người phóng viên, người cầm bút nào cũng phải đổ mồ hôi. Tôi tự thấy tình yêu của mình với Hà Nội là tình yêu phải đổ mồ hôi để có sản phẩm, sẽ chẳng bao giờ là thứ tình cảm nói suông.
Xin cảm ơn anh!
Nhà văn Nguyễn Văn Học gửi gắm suy nghiệm gì trong “Nhạc cây”? |
Con sông, ký ức và môi trường trong Nguyễn Văn Học |