“Nhà máy thông minh và robot với trí tuệ nhân tạo 2018”
Ông Yoshitaka Kumagai, đại diện Bộ phận sản xuất robot, Quản lý Trung tâm kỹ thuật robot, Tập đoàn Mitsubishi Electric, trao đổi về robot AI với người tham dự
Bài liên quan
Ngành điện Thủ đô tiên phong áp dụng Trí tuệ nhân tạo trong Chăm sóc khách hàng
SenseTime Group - Startup trí tuệ nhân tạo đắt giá nhất thế giới
Bạn trẻ Việt tham gia phát hiện ung thư bằng trí tuệ nhân tạo
Facebook dùng trí tuệ nhân tạo ngăn nạn tự tử
Chương trình là dịp để giới thiệu và trình diễn giải pháp nhà máy thông minh, e-F@ctory, cùng giải pháp ứng dụng robot với trí tuệ nhân tạo (Robot – AI) của hãng. Trong buổi hội thảo, công ty cũng đã trao giải thưởng cho các cá nhân xuất sắc trong cuộc thi “Chuyên viên lập trình điều khiển với PLC Mitsubishi Electric”.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã có những tác động mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất. Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh ngày càng khắc nghiệt, thị hiếu của người tiêu dùng cũng đa dạng hơn đòi hỏi các nhà sản xuất phải có những quy trình sản xuất tự động, linh hoạt, đa dạng sản phẩm đồng thời nâng cao chất lượng và giảm chi phí, giá thành sản phẩm.
Ông Yoshitaka Kumagai, đại diện Bộ phận sản xuất robot, Quản lý Trung tâm kỹ thuật robot, Tập đoàn Mitsubishi Electric, trao đổi về robot AI với người tham dự |
Nắm bắt xu thế đó, Công ty TNHH Mitsubishi Electric Việt Nam đã tiên phong trong công nghệ nhà máy thông minh e-F@ctory và giới thiệu đến thị trường nhiều mẫu thiết bị tự động hóa công nghiệp tiên tiến. Với công nghệ điều khiển các vật bằng mạng lưới (Internet of Things), e-F@ctory của Mitsubishi Electric đem đến giải pháp quản lý sản xuất hiện đại nhất.
Ông Yoshitaka Kumagai, đại diện Bộ phận sản xuất robot, Quản lý Trung tâm kỹ thuật robot, Tập đoàn Mitsubishi Electric cho biết: “Chúng tôi luôn đi trước thời đại và nỗ lực trong sáng tạo công nghệ. Việc tùy biến cao trong giải pháp nhà máy thông minh cho phép các công ty sản xuất đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường một cách linh hoạt với nhiều mặt hàng, sản phẩm”.
Các cá nhân thắng giải cuộc thi “Chuyên viên lập trình điều khiển với PLC Mitsubishi Electric” |
Ông cũng khẳng định, tuy các nhà máy thông minh có thể tự động sản xuất, nhưng không thể thiếu sự có mặt của con người: “e-F@ctory của Mitsubishi Electric là sự kết hợp hài hòa giữa con người, robot và hệ thống trí tuệ nhân tạo”.
Hệ thống robot với trí tuệ nhân tạo của Mitsubishi Electric hiện bao gồm các robot cảm biến lực và cảm biến hình ảnh. Robot trang bị cảm biến lực cho phép hiện thực hoá các quy trình sản xuất phức tạp, đồng thời liên tục thu thập lại kết quả để đo lường và cải tiến dây chuyền sản xuất. Ngoài ra, robot còn trang bị cảm biến hình ảnh với camera quan sát giúp tiết kiệm thời gian lắp đặt robot vào dây chuyển sản xuất lớn, đem lại sự chính xác cao và giảm thời gian cấu hình đến 16 lần. Đặc biệt, khi robot kết nối với dữ liệu đám mây, robot cho phép sản xuất sản phẩm tuỳ biến theo nhu cầu cá nhân trong thời gian thực.
Với hệ thống mạng lưới internet tích hợp trong e-F@ctory cùng trung tâm máy tính có nhiệm vụ phân tích và phản hồi, các nhà sản xuất có thể điều khiển, kiểm soát nhà máy từ xa thông qua chiếc điện thoại thông minh, máy tính bảng hoặc máy tính xách tay. Quan trọng hơn hết, robot còn đảm bảo tính an toàn cho con người và cơ sở sản xuất. Cụ thể, robot có thể nhận biết sự xuất hiện của con người để tạm dừng hoạt động cho đến khi con người ra đến khu vực an toàn.
Các bạn trẻ tham gia cuộc thi lập trình điều khiển hệ thống tự động |
Tại sự kiện, Mitsubishi Electric Việt Nam cũng giới thiệu cánh tay robot mới với nhiều cải tiến trong công nghệ cảm biến và điều khiển. Cánh tay robot này có thể được áp dụng trong các công đoạn từ đơn giản cho đến phức tạp như: lắp ráp, kiểm tra sản phẩm, theo dõi sản phẩm trên băng chuyền … đáp ứng nhu cầu về nhân lực trong nhà máy. Bên cạnh đó, công ty còn giới thiệu về ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong nhà máy thông minh cho phép học hỏi nhằm tối ưu hoá hiệu năng của quy trình sản xuất, kết hợp robot giúp sản xuất tự động, giúp giảm thiểu tối đa lỗi trong quá trình sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Khái niệm e-F@ctory đã được Mitsubishi Electric giới thiệu từ năm 2003 và triển khai cộng tác với hơn 610 đối tác trên toàn thế giới cũng như áp dụng cho hơn 7.700 dây chuyền sản xuất. Phòng thí nghiệm và thực hành e-F@ctory cũng được Mitsubishi Electric Việt Nam đặt tại Trung tâm đào tạo và chuyển giao công nghệ Việt - Nhật, thuộc Trung tâm Đào tạo Khu Công nghệ cao TP HCM.
Công ty đã phối hợp với Trung tâm Đào tạo Khu Công nghệ cao TP HCM tổ chức cuộc thi “Chuyên viên lập trình điều khiển với PLC Mitsubishi Electric” dành cho các bạn sinh viên, kỹ thuật viên, những người đam mê lập trình điều khiển hệ thống tự động. Cuộc thi giúp nâng cao các kiến thức và kỹ năng lập trình điều khiển trên phần mềm; đồng thời giới thiệu, phổ biến kỹ năng lập trình điều khiển với PLC Mitsubishi đến với cộng đồng.
Chính thức có mặt tại Việt Nam vào năm 2011 với trụ sở đặt tại TP HCM, Hà Nội và Đà Nẵng, Mitsubishi Electric Việt Nam tập trung vào lĩnh vực điều hòa không khí dự án, hệ thống thang máy, thang cuốn, hàng thiết bị gia dụng và tự động hóa công nghiệp. Công ty hướng đến các mục tiêu cải thiện đời sống của người dân Việt Nam, tạo ra môi trường “xanh” hơn thông qua các hoạt động kinh doanh và những đóng góp cho cộng đồng xã hội. Đặc biệt, thông qua các khái niệm về nhà máy thông minh và robot trí tuệ nhân tạo, Mitsubishi Electric sẽ tiếp tục hợp tác và phát triển ngành công nghiệp sản xuất, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội bền vững tại Việt Nam.