Nhật Bản đối mặt thực tế già hoá dân số
Tại sao phần lớn học sinh Nhật Bản kém tiếng Anh? Nở rộ dịch vụ xin nghỉ việc hộ ở Nhật Bản Gần 40% doanh nghiệp tại Nhật thuê lao động trên 70 tuổi |
Quốc gia của những người già
Một người phụ nữ lớn tuổi ngó qua khung cửa sổ và nhìn xuống con đường chính với những tòa nhà bằng gỗ thấp kiểu truyền thống. Một người khác di chuyển thận trọng dọc theo con đường hẹp. Vài phút sau, hai chiếc xe tải nhỏ lao tới và dừng lại.
Khu vực này bỗng đột nhiên trở nên sôi động. Năm nhân viên mặc áo cam xuất hiện và hối hả dựng cọc tiêu giao thông, phát giỏ đựng hàng. Họ chuyển hàng hóa từ chiếc xe tải đầu tiên sang chiếc thứ hai, biến chiếc xe này thành một cửa hàng thu nhỏ với những chiếc kệ gấp và mái hiên màu đỏ.
Phía bên trái là khu trữ đồ lạnh như cá, thịt, sữa chua, trứng và các đồ dễ hỏng khác; đồ ăn nhẹ và bánh quy giòn ở phía sau, các hàng hoá khác thì ở phía bên phải. Những người đến mua hàng chủ yếu đều là phụ nữ lớn tuổi, di chuyển chậm rãi quanh chiếc xe tải.
Cụ ông Chikayoshi Gonda, 97 tuổi và cụ bà Harumi Okubo, 80 tuổi đang làm việc tại 1 nhà hàng ở Ogawa, Nhật Bản (Ảnh: National Geographic) |
Cụ bà Miwako Kawakami, 87 tuổi đưa cây gậy của mình cho một nhân viên và lấy một chiếc giỏ nhỏ. Bà mua tỏi tây, cà rốt, ba củ hành tây và một hộp sữa. Cụ Kawakami sống một mình đằng sau một ngôi chùa gần đó.
“Trước đây có rất nhiều cửa hàng ở đây nhưng tất cả đều không còn nữa. Hàng rau, quầy bán cá - tất cả đều đóng cửa khoảng năm năm trước”, bà kể.
Iwase hiện nay đã trở nên vô cùng vắng vẻ. Những người trẻ tuổi rời đi còn những người ở lại thì ngày một già đi. Tình trạng này không chỉ diễn ra ở Iwase mà trên khắp Nhật Bản khi tỷ lệ sinh tiếp tục giảm trong nhiều thập kỷ.
Dân số nước này đạt đỉnh điểm vào năm 2010, ở mức 128 triệu người. Hiện nay con số này chưa tới 125 triệu và được dự đoán sẽ tiếp tục giảm trong bốn thập kỷ tới.
Với gần 30% dân số từ 65 tuổi trở lên, Nhật Bản có dân số già nhất trên Trái đất (ngoại trừ Công quốc Monaco nhỏ bé). Độ tuổi trung bình của đất nước mặt trời mọc này là 48,7, vượt xa độ tuổi trung bình của thế giới, ở mức 30,2.
Những ngôi nhà bỏ hoang và cuộc sống cô độc
Sự thiếu cân đối khi càng nhiều người cao tuổi và ngày càng ít người trẻ đang làm thay đổi mọi khía cạnh của cuộc sống ở Nhật Bản, từ diện mạo đến các chính sách xã hội, từ chiến lược kinh doanh đến thị trường lao động, từ không gian công cộng đến nhà riêng. Nhật Bản đang trở thành một đất nước của người già.
Agoro là một ngôi làng đặc biệt Nhật Bản. Vì thiếu vắng âm thanh của trẻ em, một cư dân trong làng đã tạo ra những con búp bê trẻ em để tái hiện lại cuộc sống ngày xưa (Ảnh: National Geographic) |
Lão hóa xuất hiện ở khắp mọi nơi, đi vào từng ngõ ngách trên đất nước Nhật Bản. Tại một số sân ga, nhiều người sẽ ngạc nhiên bởi sự xuất hiện của một chiếc rãnh bên cạnh mỗi chân ghế. Đó thực ra là nơi để những người già chống gậy.
Những ngôi nhà bị bỏ hoang là cảnh không chỉ thường thấy ở những cộng đồng hoang vắng như Iwase mà còn ở các khu vực lân cận thành phố lớn.
Dân số ngày càng giảm và cuộc di cư từ các thị trấn nông thôn đến các thành phố lớn chính là nguyên nhân khiến nhiều bất động sản bị bỏ hoang xuất hiện trên khắp đất nước.
Một cuộc khảo sát do Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản thực hiện vào năm 2019 cho thấy khoảng 13,6% số ngôi nhà ở Nhật Bản bị bỏ trống và con số này đã tăng lên tới 20% ở một số tỉnh. Những con số này sẽ có thể ngày một tăng lên.
Dân số lão hóa nhanh tại Nhật Bản khiến ngày càng có nhiều người già chết cô độc.
Ở Nhật Bản, ước tính mỗi năm có khoảng 30.000 trường hợp chết một mình tại nhà, không được phát hiện trong vài ngày hoặc nhiều tuần.
Tình trạng này còn có thể trở nên phố biến hơn vì tại Nhật Bản, cứ 5 người trên 65 tuổi thì có 1 người mắc chứng mất trí nhớ và cứ 4 người lớn từ 65 tuổi trở lên thì có hơn 1 người sống một mình.
Khu Kotobukicho, Yokohama có khoảng 3.000 người trên 65 tuổi sống đơn độc 1 mình (Ảnh: National Geographic) |
Bác sĩ Osamu Yamanaka là một trong những người đang thực hiện sứ mệnh ngăn chặn những cái chết cô đơn. Vài lần một tuần, vị bác sĩ 67 tuổi rời phòng khám ở Yokohama để đi thăm những người hưu trí sống một mình trong những căn hộ chỉ có một phòng xiêu vẹo ở Kotobukicho.
Tại một trong những điểm dừng chân của mình, bác sĩ Yamanaka đến thăm ông Seiji Yamazaki, 83 tuổi, một cựu công nhân xây dựng. Cụ ông Yamazaki nằm trên giường với một tay luôn nắm chặt. Ngoài chiếc giường, căn phòng hẹp còn có một tủ lạnh nhỏ, lò vi sóng, bộ sưu tập gấu Winnie the Pooh nhồi bông và một số thứ nhỏ nhặt khác.
“Tôi chóng mặt. Huyết áp của tôi thế nào?”, cụ Yamazaki hỏi. Ngoài bác sĩ Yamanaka đến thăm khám, các nhân viên y tế cũng đến hàng ngày để mang thức ăn, cho thuốc và thay tã lót cho cụ.
Hệ thống bảo hiểm chăm sóc dài hạn của Nhật Bản là 1 trong số những hệ thống hào phóng nhất thế giới. Chương trình trợ cấp từ 70 đến 100% chi phí chăm sóc người cao tuổi, tùy thuộc vào thu nhập.
Tuy nhiên, hệ thống này đang trong tình trạng căng thẳng. Nhật Bản đang thiếu nhân viên chăm sóc bệnh nhân và người cao tuổi. Ước tính Nhật Bản sẽ cần thêm 700.000 lao động ngành này vào năm 2040.
Trong khi đó, chi phí phúc lợi đang leo thang. Chi phí an sinh xã hội, bao gồm chăm sóc sức khỏe cộng đồng, chăm sóc dài hạn và lương hưu, đã tăng gấp ba lần từ năm 1990 đến 2022.