Nhiều kết quả nổi bật sau 2 năm thí điểm xây dựng huyện Nông thôn mới kiểu mẫu
Nhiều thành tựu nổi bật
Sau hai năm triển khai thực hiện đề án thí điểm xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị công bố, triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án xây dựng NTM kiểu mẫu huyện Nam Đàn (viết tắt là Quyết định 17/QĐ- TTg).
Đối với 3 huyện còn lại (Hải Hậu, Đơn Dương, Xuân Lộc), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao Văn phòng Điều phối NTM Trung ương phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ tham gia các hội nghị triển khai Đề án của các địa phương.
Sau 2 năm thực hiện thí điểm xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu, huyện Hải Hậu (Nam Định) có nhiều đổi thay tích cực |
Nhìn chung các địa phương đã chủ động trong việc triển khai các Đề án, gắn với kế hoạch, lộ trình cụ thể, xây dựng thí điểm Bộ tiêu chí huyện NTM kiểu mẫu, phù hợp với điều kiện nổi trội, đặc thù của từng địa phương. Chú trọng đến công tác thông tin, tuyên truyền, huy động sự tham gia của hệ thống chính trị và người dân trong thực hiện Đề án.
Đối với huyện Nam Đàn, các Bộ, ngành Trung ương đã triển khai một số hoạt động theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 17/QĐ-TTg, như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ huyện lập Đề án phát triển sản phẩm OCOP gắn với các mô hình du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng; Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản hướng dẫn tỉnh Nghệ An phân bổ vốn trung hạn thuộc Chương trình MTQG xây dựng NTM để ưu tiên bố trí cho Nam Đàn để triển khai Đề án...
UBND các tỉnh Nghệ An và Đồng Nai đã ban hành Kế hoạch triển khai Đề án của huyện Nam Đàn và Xuân Lộc, tỉnh Nam Định và Lâm Đồng đã giao cho 2 huyện Hải Hậu và Đơn Dương chủ động ban hành Kế hoạch triển khai Đề án. Cùng với đó, 4 huyện đã ban hành Nghị quyết của Huyện ủy về thực hiện Đề án thí điểm huyện NTM kiểu mẫu, đặc biệt là tiếp tục đưa nội dung xây dựng NTM kiểu mẫu vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020- 2025.
Mô hình xử lý rác thải gia đình tại huyện Hải Hậu (Nam Định) |
Theo đại diện UBND tỉnh Đồng Nai đến tháng 8/2020, huyện có 7/14 xã đạt nông thôn mới nâng cao gồm: Xuân Định, Xuân Thọ, Xuân Hiệp, Suối Cát, Xuân Phú, Bảo Hòa, Lang Minh.
Dự kiến đến cuối năm 2020, huyện phấn đấu có thêm 2 xã đạt nông thôn mới nâng cao là Suối Cao và Xuân Tâm, nâng tổng số xã hoàn thành nông thôn mới nâng cao toàn huyện là 9/14, đạt so với mục tiêu của Đề án.
Tại Huyện Xuân Lộc đã hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp tập trung qui mô lớn với các nhóm sản phẩm chủ lực của địa phương, bao gồm các sản phẩm trái cây, rau và chăn nuôi; Triển khai thí điểm 6 dự án liên kết sản xuất, áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm cho một số cây trồng chủ lực của huyện,như: Hồ tiêu, xoài, chôm chôm, sầu riêng, rau xanh; Nâng cao tỷ lệ cơ giới hoá các khâu...
Theo đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An: Huyện Nam Đàn đã hình thành được một số mô hình du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm nông thôn, như: Mô hình vườn thực nghiệm sinh thái tại xã Nam Giang; mô hình sinh thái, trải nghiệm Nam Nghĩa; Trang trại hoa gắn với du lịch trải nghiệm tại xã Kim Liên; Làng nghề tương Nam Đàn...
Làng quê ngày càng khang trang,sạch đẹp nhờ mô hình nông thôn mới kiểu mẫu |
Còn huyện Hải Hậu đã xây dựng được 4 tuyến đường kiểu mẫu cấp huyện (có bồn hoa, trồng cây bóng mát đồng chủng loại, có hệ thống điện chiếu sáng bằng cột đúc, đèn led, dây diện ngầm), 27 mô hình tuyến đường kiểu mẫu khu trung tâm cấp xã và 133/546 xóm, tổ dân phố hoàn thành xây dựng tuyến đường kiểu mẫu cấp thôn ...
Huyện Đơn Dương đã có 2 vùng nông nghiệp công nghệ cao được công nhận, gần 90% diện tích đất sản xuất rau, hoa và chăn nuôi bò sữa được ứng dụng công nghệ cao, xây dựng được 35 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, 30% sản lượng nông sản trên địa bàn huyện được tiêu thụ thông qua hợp đồng. Hình thành một số mô hình ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh như: doanh nghiệp, trang trại sản xuất...
Tập trung hoàn thiện các nhiệm vụ trọng tâm
PGS.TS Đào Thế Anh, Phó giám đốc Viện KHNNVN (VAAS) cho biết: Hiện trạng của chuỗi giá trị nông sản ở Việt nam còn hạn chế về hiệu quả. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2020, cả nước hiện có khoảng 1.600 chuỗi giá trị được chứng nhận là chuỗi cung ứng nông sản an toàn, nhưng chỉ khoảng 50% chuỗi hoạt động có hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường |
Các chuỗi nông sản hoạt động có hiệu quả thấp là do chi phí giao dịch cao, thiếu liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể, công nghệ sau thu hoạch và chế biến thấp, chưa áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất do hợp tác trong sản xuất còn hạn chế.
Trong thời gian qua đã có nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp do các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại ứng dụng thành công, tuy nhiên cũng có nhiều thất bại do lựa chọn sai công nghệ hay công nghệ không phù hợp.
Vì thế, một số định hướng nghiên cứu ứng dụng công nghệ cần ưu tiên như nghiên cứu và ứng dụng công nghệ để bảo đảm an ninh lương thực, dinh dưỡng và an toàn thực phẩm; Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ về sản xuất rau quả; Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ về sản xuất thủy sản; Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ về sản xuất dược liệu, thực phẩm chức năng; Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ về công nghệ sau thu hoạch...
Tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện các Đề án thí điểm xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu và định hướng xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết: Nếu như chỉ có xã đạt chuẩn NTM thì phương tiện sản xuất hay phương tiện liên vùng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất phục vụ đời sống vì thế yêu cầu đặt ra là làm thí điểm xây dựng NTM kiểu mẫu.
Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện các Đề án thí điểm xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu và định hướng xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu |
Hai năm vừa qua 4 huyện mẫu NTM trên cơ sở đó hoàn thiện thiết chế hạ tầng, định dạng từng vùng với nét đặc trưng thế mạnh của mình, tập trung sản xuất theo hướng tập trung, khai thác đúng lợi thế địa phương mà tôn chỉ mục đích cuối cùng đó là sản xuất phát triển; kinh tế nông thôn phát triển; Thiết chế hạ tầng đồng bộ; Đảm bảo môi trường; Đảm bảo an sinh, nâng cao thu nhập cho bà con nhân dân và xóa nghèo.
“Qua hai năm tổ chức thực hiện một điều đáng mừng đó là 4 huyện của 4 tỉnh đại diện cho 4 vùng khác nhau tập trung tiến hành xây dựng huyện mẫu NTM. Mặc dù thời gian còn ngắn nhưng chúng ta đã có được những kết quả rất nổi bật như: Sản xuất các khu vực này đều tăng trưởng nhanh; Thu nhập cao tăng rất cao như ở Xuân Lộc (Đồng Nai) đến 66 triệu/người/năm (trong khi bình quân đầu người của chúng ta 43 triệu/người/năm).
Từng huyện đã biết khai thác lợi thế để tập trung vào khai thác lợi thế của mình về cây, về con, về gắn với du lịch; Giảm nghèo tích cực như: Xuân Lộc (Đồng Nai) không còn hộ nghèo; Nam Đan (Nghệ An) tỷ lệ hộ nghèo hcir 1,46%; Hải Hậu chỉ còn 0,05%. Thông qua việc xác định 4 huyện mẫu, đây là bài học rút ra khá tốt”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Mặc dù là thời gian triển khai các đề án ngắn, nhưng các tỉnh đã tập trung xây dựng được đề án, gắn với bộ tiêu chí phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Nội dung của các đề án đều xác định rõ 2 nhiệm vụ trọng tâm là: Nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM ở cấp xã, cấp huyện; Xây dựng huyện NTM kiểu mẫu.