Nhiều người hùng phim ảnh gây cách hiểu lệch lạc cho thanh, thiếu niên
Đại biểu Quốc hội đề nghị kiểm soát phát hành phim trên không gian mạng Phim điện ảnh cổ trang “Kiều” chính thức công chiếu tại Mỹ |
Hạn chế mức thấp nhất các hình tượng người hùng, "soái ca"
Thảo luận Luật Điện ảnh (sửa đổi) chiều 28/10, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) đánh giá cao việc dự luật lần đầu tiên đưa khái niệm “công nghiệp điện ảnh”, trong đó có đề cập thị trường điện ảnh.
Tuy nhiên, việc đưa khái niệm vào luật cần quy định tương ứng và cụ thể để phát triển công nghiệp điện ảnh trong thị trường cạnh tranh, minh bạch; Bảo vệ doanh nghiệp điện ảnh nội địa một cách công khai, theo các cam kết quốc tế; Bên cạnh sự quan tâm cơ chế ưu đãi thuế, đầu tư, cần quan tâm cơ chế Nhà nước đặt hàng.
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) |
Về phổ biến phim trên không gian mạng, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Mai Thị Phương Hoa đồng tình quan điểm chỉ có thể là một trong hai phương án hoặc tiền kiểm hoặc hậu kiểm, chứ khó lựa chọn phương án trung dung.
Bày tỏ nhất trí với phương án hậu kiểm, bà Hoa cho rằng cùng với quy định này, cần xây dựng tiêu chí phân loại phim; Quy định trách nhiệm của đơn vị phát hành, phổ biến phim; Quy định cụ thể các hành vi vi phạm và tăng cường kiểm tra, giám sát.
Theo bà Hoa, điện ảnh là sáng tạo, tác giả có thể dùng thủ pháp nghệ thuật để chuyển tải nội dung muốn hướng tới. Đây là điều cần nhận diện, đánh giá chính xác, không nên ngăn cấm tràn lan, hơn nữa các nền điện ảnh tiên tiến thế giới cũng thể hiện quan điểm này.
Đáng chú ý, nữ đại biểu của đoàn Nam Định đề nghị hạn chế mức thấp nhất trong các tác phẩm điện ảnh thể hiện nhân vật là những người thành đạt trong xã hội, những người hùng, “soái ca”…
"Những người này là thần tượng của bộ phận thanh thiếu niên, thể hiện những cảnh hút thuốc lá hoặc uống rượu trong các phim gây cách hiểu lệch lạc trong thanh, thiếu niên, gián tiếp cổ xuý cho hành vi uống rượu, hút thuốc lá", bà Hoa nói.
Cũng theo đại biểu, ban soạn thảo cần nghiêm túc rà soát các nội dung, hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh để quy định chi tiết hết trong luật này, tránh quy định chung chung. Bởi nếu quy định không rõ ràng sẽ dẫn đến tùy tiện trong áp dụng, đồng thời các cơ quan, tổ chức cũng không biết để tránh vi phạm.
Kiểm soát trẻ em xem phim trên không gian mạng
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) đề nghị ngành Văn hoá có cơ chế "quy đổi" độ tuổi người xem các phim nhập khẩu chiếu trên không gian mạng có tính tương đồng hay có thể so sánh được giữa các tiêu chí phân loại phim theo độ tuổi ở Việt Nam.
Đại biểu lấy ví dụ như các loại phim chính kịch của Thái Lan quy định 16+ thì Việt Nam cũng cho phép chiếu 16+, phim lãng mạn Pháp quy định 16+ thì Việt Nam cho tăng 1 cấp là 18+. Đơn vị phổ biến phim vẫn có quyền phân loại lại độ tuổi theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Góp ý về nội dung phổ biến phim trên không gian mạng, đại biểu Cảnh nhất trí việc ưu tiên hậu kiểm đối với phim phổ biến trên không gian mạng, bởi số lượng phim hàng ngày, hàng giờ được phát hành trên mạng có số lượng rất lớn.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) |
Tuy nhiên, đại biểu cũng phân vân việc làm thế nào để kiểm soát trẻ em xem phim trên không gian mạng phù hợp với độ tuổi của mình. Đại biểu kiến nghị các tổ chức phổ biến phim trên không gian mạng cần thiết lập hệ thống kiểm soát trẻ em để người lớn quản lý được phim nào trẻ em được vào xem phù hợp với lứa tuổi của các em thì được áp dụng ưu tiên hậu kiểm, tổ chức nào chưa có hệ thống kiểm soát trẻ em thì áp dụng tiền kiểm. Nội dung này, đại biểu cho rằng nên giao cho Chính phủ quy định chi tiết.
Về phân loại phim, đại biểu đề nghị bổ sung thêm nhóm tuổi từ 21 tuổi trở lên cho người xem. Đại biểu cho rằng, thanh niên nhiều nước phương Tây 18 tuổi đã sống độc lập thì phân loại phim theo độ tuổi cao nhất là 18 thì hợp lý, còn ở Việt Nam hầu hết 18 tuổi còn sống với gia đình, chưa hoàn toàn độc lập về nhiều mặt.
Việc phân thêm loại phim 21 tuổi sẽ tạo điều kiện để các nhà làm phim khai thác ý tưởng rộng hơn để phát triển thị trường phim trong nước và xuất khẩu; Số lượng phim nhập khẩu được phép chiếu cũng nhiều hơn, người từ 21 tuổi trở lên được tiếp cận nhiều hơn các giá trị của phim thế giới.
Về loại phim đưa ra đấu thầu, đại biểu cũng đề nghị quan tâm đến văn hóa truyền thống, tâm lý thanh thiếu niên, các vấn đề đương đại; Xây dựng những bộ phim dài tập từ những năm 80 đến những năm đầu thế kỷ 21 thể hiện các sự kiện chính trị, văn hoá, ngoại giao, kinh tế, thể thao, xây dựng hình ảnh về bữa cơm gia đình truyền thống, tấm lòng thấy cô, tình cảm trong sáng tuổi học trò, khoảng cách thế hệ, lối sống văn minh... để giới trẻ cảm nhận được những thành quả hôm nay là cả quá trình nỗ lực.
Về nội dung cơ quan Nhà nước có thẩm quyền yêu cầu dừng hoạt động phổ biến phim bằng văn bản đối với một trong các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 31, đại biểu đề nghị cần quy định thêm các cơ quan quản lý nhà nước tại nơi chiếu phim có quyền dừng chiếu ngay trong một số trường hợp như phát hiện có sai phạm rõ ràng về chủ quyền Quốc gia, có hoạt động tình dục đối với phim chiếu cho trẻ em.