Nhiều quốc gia Châu Á trải qua sóng nhiệt tháng 4 tồi tệ nhất lịch sử
Ảo ảnh xuất hiện trên đường Kartavya tại New Delhi, Ấn Độ, do nắng nóng dữ dội (Ảnh: Raj K Raj/Hindustan Times) |
Ngày 23/4, nhiệt độ ở thủ đô của Thái Lan lên tới 42 độ C và chỉ số nóng bức lên tới 54 độ C. Nắng nóng khiến giới chức nước này khuyến cáo người dân ở Bangkok và các khu vực khác nên ở nhà để tránh nguy hiểm do nhiệt.
Tại Philippines, nắng nóng trở thành thách thức đặc biệt do lịch học thay đổi trong thời kì đại dịch, tức học sinh đang đi học trong những tháng nóng nhất trong năm.
Hàng trăm trường học ở Philippines đã chuyển sang hình thức đào tạo từ xa để đảm bảo sức khỏe cho học sinh, trong khi các nhóm giáo viên kêu gọi rút ngắn thời gian dạy học và giảm quy mô lớp học
Trời nóng như thiêu đốt cũng lan rộng khắp Trung Quốc. Ngày 18/4, nhiệt độ đo được ở hơn 100 trạm thời tiết của 12 tỉnh đã phá vỡ kỷ lục tháng 4. Tại Nguyên Dương nhiệt độ lên tới 42,4 độ C, chỉ cách 0,3 độ C so với kỷ lục toàn quốc về nhiệt độ trong tháng 4.
Tại Nam Á, tình hình nắng nóng cũng rất nghiêm trọng. Tại Ấn Độ, 48 trạm thời tiết đã ghi nhận mức nhiệt trên 42 độ C hôm 18/4, với mức nhiệt cao nhất 44,2 độ C ở bang Odisha, phía Đông Ấn Độ.
Đường phố Bangkok (Thái Lan) trong ngày 21/4, thời điểm nhiệt độ lên tới 45,4 độ C (Ảnh: Reuters) |
Đặc biệt, nắng nóng nghiêm trọng cũng đã khiến ít nhất 13 người chết và hơn 40 người phải nhập viện do sốc nhiệt sau khi tham dự một sự kiện ngoài trời tại bang Maharashtra phía Tây, Ấn Độ. Ít nhất hai bang Tripura ở phía Đông Bắc và Tây Bengal ở miền Đông Ấn Độ đã ra lệnh đóng cửa các trường học trong tuần này do nhiệt độ tăng hơn 5 độ C so với bình thường.
Theo các chuyên gia khí tượng, có một số nguyên nhân dẫn tới hiện tượng thời tiết cực đoan như vậy ở khu vực Châu Á. Nguyên nhân thứ nhất được cho là do sự xuất hiện của một khối khí nóng và dải áp suất cao kéo dài từ vịnh Bengal đến biển Philippines, tạo ra một mái vòm nhiệt, giữ không khí nóng ở thấp dưới mặt đất, đẩy nhiệt độ bề mặt lên cao.
Nguyên nhân thứ hai là hiệu ứng đô thị. Đáng chú ý, giới chức Thái Lan cảnh báo hiệu ứng đô thị, ánh nắng mặt trời chiếu xuống làm nóng các bề mặt tường, bê tông, mặt đường. Sau khi thu nhận bức xạ lớn từ Mặt trời, nó sẽ chuyển đổi lại thành năng lượng nhiệt tỏa lại môi trường, làm gia tăng nhiệt độ. Hiệu ứng đô thị khiến cho cảm giác nắng nóng tại Bangkok lên tới mức 54 độ C, cảm giác nóng như thiêu đốt, mức nhiệt cực kỳ nguy hiểm đối với sức khỏe con người.
Ông Matthew Capucci - nhà khí tượng học, cho biết: “Sẽ có những năm thời tiết mát hơn, có năm thời tiết oi nóng hơn. Tuy nhiên trong những năm trở lại đây, các đợt nắng nóng đang xảy sớm hơn và nghiêm trọng hơn do hoạt động của con người thúc đẩy quá trình biến đổi khí hậu”.
Các nhà nghiên cứu khí tượng cũng cảnh báo, tình hình nắng nóng có thể còn diễn biến nghiêm trọng hơn nữa do sự trở lại của hiện tượng El Nino, khiến nhiệt độ năm 2023 hoặc năm 2024 tăng lên mức cao nhất từng được ghi nhận.
Hiện tượng "sóng nhiệt đại dương" khiến nhiệt độ nước biển tăng cao Theo một nghiên cứu do Viện Khoa học biển Tây Ban Nha thực hiện, các đợt nắng nóng cũng diễn ra tại Địa Trung Hải ... |
Nắng nóng khắc nghiệt đồng loạt tấn công các nền kinh tế lớn nhất thế giới TTTĐ - Nắng nóng và hạn hán khắc nghiệt đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc. ... |
Người dân Châu Âu tìm đủ cách tiết kiệm năng lượng TTTĐ - Các quốc gia Liên minh Châu Âu (EU) bắt đầu thực hiện kế hoạch giảm 15% lượng khí đốt tiêu thụ trong ... |