Nhiều siêu thị, chợ dân sinh mở cửa trở lại, người dân nâng cao ý thức phòng dịch
Hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định
Ngay từ sáng mùng 2 Tết, một số trung tâm thương mại, siêu thị mở cửa trở lại như Big C, Co.opmart, Aeon, MM Mega Market... Bên cạnh đó, tiểu thương tại một số chợ lớn cũng bắt đầu bán hàng trở lại phục vụ người dân, chủ yếu tập trung vào mặt hàng rau, củ, quả, thực phẩm tươi sống.
Do đã chuẩn bị nguồn hàng dự trữ lớn từ trong năm nên giá một số hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm trong những ngày đầu năm mới tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi có mở cửa xuyên Tết như Circle K, Family Mart… ổn định, không có biến động so với ngày 30 Tết, cũng như những ngày trước đó.
Hệ thống các siêu thị Co.opmart chỉ nghỉ ngày mùng 1 Tết, ngày mùng 2 Tết bắt đầu mở cửa trở lại. Các cửa hàng Co.op Food sẽ mở cửa từ mùng 4 Tết. Hệ thống siêu thị Big C cũng chỉ tạm nghỉ ngày mùng 1 Tết và mở cửa trở lại từ ngày mùng 2 Tết. Các điểm dịch vụ ăn uống, giải khát của Công ty cổ phần Thủy Tạ mở cửa phục vụ qua đêm Giao thừa và mở lại vào chiều mùng 2 Tết.
Từ sáng mùng 2 Tết, một số siêu thị, cửa hàng thực phẩm, chợ dân sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội đã kinh doanh trở lại |
Từ ngày mùng 4 Tết, hệ thống bán lẻ và dịch vụ của Hapro sẽ đồng loạt mở cửa bán hàng bình thường. Hệ thống thương mại MM Mega Market, Vinmart/Vinmart+, sẽ mở cửa từ ngày mùng 4 Tết.
Vừa lựa chọn được một số loại thực phẩm trong siêu thị, chị Nguyễn Thị Hạnh (ở Long Biên, Hà Nội) cho biết: "Do siêu thị AEON mở cửa bán hàng xuyên Tết nên gia đình tôi không tích trữ nhiều thực phẩm. Hôm nay, mặc dù tôi đến siêu thị từ rất sớm nhưng ở đây nhiều loại rau, củ, quả đều có, thực phẩm tươi cũng khá đầy đủ, giá cả vẫn ổn định như ngày thường. Với sự tiện lợi như này sẽ góp phần thay đổi thói quen tích trữ thực phẩm ngày Tết của người dân".
Để bảo đảm nguồn cung, ngay trong dịp Tết, một số hệ thống siêu thị đã dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân sau Tết. Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc phụ trách siêu thị Co.opmart Hà Đông (quận Hà Đông) cho biết: "Để chuẩn bị lượng hàng đầu năm, Saigon Co.op đã có những kho lạnh, kho mát để bảo quản. Riêng về thịt thì chúng tôi làm việc với nhà cung cấp phải có hàng để bán cho khách hàng".
Dù mở cửa bán hàng trở lại khá sớm, hàng hóa của các siêu thị vẫn phong phú. Không những mở cửa bán hàng sớm, hệ thống siêu thị còn áp dụng nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi và lì xì cho khách liên tục.
Theo đại diện các trung tâm thương mại, siêu thị và các chợ, các đơn vị này tiếp tục duy trì quy định về an toàn phòng, chống dịch, thực hiện đúng quy định về khoảng cách an toàn, yêu cầu đeo khẩu trang, bố trí nước xịt tay sát khuẩn, thực hiện đo nhiệt độ… để bảo đảm phòng, chống dịch triệt để, tạo điều kiện để khách hàng yên tâm mua sắm.
Một số chợ dân sinh trên địa bàn thành phố cũng hoạt động trở lại ngay từ mùng 2, mùng 3 Tết |
Không chỉ có các siêu thị mở cửa bán hàng sớm mà ngay tại các chợ dân sinh trên địa bàn thành phố cũng hoạt động trở lại ngay từ ngày mùng 2, mùng 3 Tết.
Tại chợ Ngọc Hà (phường Đội Cấn, quận Ba Đình), một tiểu thương cho biết: “Tết năm nay, thời tiết ấm, nên giá các loại rau, củ quả không tăng nhiều. Nếu như ngày thường, giá rau bắp cải là 10.000 đồng/kg thì nay là 12.000 đồng/kg; giá rau muống 10.000 đồng/mớ, không tăng so với ngày thường; giá chanh vẫn duy trì 10.000 đồng/3 quả...”.
Chợ Xuân La (phường Xuân La, quận Tây Hồ) đã có một số cửa hàng thực phẩm mở bán trở lại. Theo chia sẻ của một số tiểu thương nơi đây, lượng khách mua không nhiều. Giá các loại rau không tăng nhiều như mọi năm. Có nhiều cơ sở sản xuất bún, phở chưa hoạt động, nên giá bán có tăng hơn so với trước.
Nhìn chung, nguồn cung và giá cả các mặt hàng khá ổn định, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Giá cả một số hàng hoá thiết yếu có tăng nhẹ phù hợp với quy luật cung cầu thị trường, song không có đột biến.
Các quán ăn tăng giá nhẹ ngày đầu năm
Cũng trong ngày mùng 2 Tết, một số hàng ăn như bún, miến, phở, quán cà phê đã mở cửa để phục vụ người dân đi du xuân, đi lễ đầu năm. Tuy nhiên, do là thời gian nghỉ Tết, các loại hình dịch vụ phải thuê mướn lao động ngoài giờ, trả lương cao nên giá cả một số dịch vụ, quán ăn… có tăng lên.
Một số hàng quán đã có ý thức phòng chống dịch bệnh Covid-19, như ngăn vách kính giữa 2 người ngôi ăn trên 1 bàn |
Cụ thể, bún riêu cua, bún ốc, phở bò, phở gà, bánh đa cua… có giá 50.000 - 60.000 đồng/bát. Một số quán cà phê cũng mở cửa nhưng giá các loại trà, cà phê, nước trái cây giữ nguyên như những ngày trước Tết, không tăng giá.
Đặc biệt, một số hàng quán đã có ý thức phòng chống dịch bệnh Covid-19, như ngăn vách kính giữa 2 người ngôi ăn trên 1 bàn. Đồng thời đặt các chai nước khử khuẩn trước cửa cho khách hàng sử dụng.
Để đảm bảo nhu cầu mua sắm của người dân, các địa phương cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường, giá cả để có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp nhất là đối với mặt hàng thực phẩm tươi sống như: Thịt lợn, thịt gia cầm, thủy hải sản; Các dịch vụ trông giữ xe, giải trí, ăn uống, đi lại phục vụ dịp lễ, Tết.
Đồng thời, tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các địa điểm tập trung đông người như: Chợ, trung tâm thương mại, các khu vực thờ cúng… do lượng người đi du xuân đang có xu hướng tăng hơn các ngày trước cùng với tâm lý chủ quan với dịch của người dân tại một số khu vực.