Nhiều sinh viên Y giấu gia đình vào "điểm nóng" Đà Nẵng chống dịch Covid-19
Giấu bố mẹ đi làm tình nguyện vì sợ mọi người lo lắng
Gần 11h trưa 3/8, trời Đà Nẵng nóng bức, hơn 20 người trong căn phòng tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Đà Nẵng vẫn đang miệt mài làm việc. Hai dãy bàn được kê gọn gàng là gần 20 sinh viên đang ngồi cặm cụi bên chiếc máy vi tính với chi chít con số.
Các thành viên trong tổ tình nguyện nhập số liệu từ địa bàn gửi về (Ảnh: Bộ Y tế) |
Các thành viên trong tổ tình nguyện nhập số liệu từ địa bàn gửi về (Ảnh: Bộ Y tế) |
Chị Hoàng Thị Minh Hiền, Khoa truyền thông CDC Đà Nẵng giới thiệu: “Đây là tổ ghi chép việc giám sát cộng đồng với 7 thành viên. Mỗi người phụ trách một quận, huyện. Khi có các ca bị nhiễm Covid-19 ở các địa bàn, các tình nguyện viên dưới đó sẽ điều tra dịch tễ rồi gửi các tài liệu lên đây. Các tình nguyện viên ở đây kiểm đếm, ghi chép rồi báo cáo lại cho tôi để tổng hợp danh sách những người liên quan".
Trong khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại Đà Nẵng, mọi người hạn chế ra đường, hạn chế tiếp xúc để phòng bệnh thì những bạn trẻ này đã tình nguyện đi vào "tâm dịch".
Lơ Mu K’Nhi là sinh viên vừa tốt nghiệp Khoa Y tế Công cộng, trường ĐH Kỹ thuật Y – Dược Đà Nẵng. Thi tốt nghiệp xong, nhiều bạn bè lên đường đi du lịch hoặc về quê thư giãn chờ ngày lấy bằng để đi xin việc. Khi đang ở phòng trọ để dọn dẹp đồ đạc về Lâm Đồng giúp bố mẹ việc đồng áng, K’Nhin nhận được thông báo của nhà trường tuyển sinh viên tình nguyện hỗ trợ lực lượng chức năng phòng, chống dịch Covid-19.
Không chút đắn đó, K’Nhi lập tức đến trường đăng ký ngay vào đội Tình nguyện cộng đồng. “Đến giờ em giấu bố mẹ đi làm tình nguyện vì sợ mọi người lo lắng cho em. Suốt ngày mẹ em gọi điện dặn dò dịch bệnh phức tạp phải ở nguyên trong phòng trọ em cứ dạ vâng để mẹ yên lòng”, K’Nhi chia sẻ.
Tân cử nhân Nguyễn Thanh Vũ cũng vừa tốt nghiệp cùng khoa với Nhi cho biết, khi dịch bệnh xảy ra, bố mẹ động viên ở lại để giúp đỡ mọi người vì mình học trong lĩnh vực ngành Y: “Bố mẹ em dặn cả nước đang gồng mình chống dịch. Là một cử nhân Y tế Công cộng em phải giúp đỡ mọi người phòng, chống dịch thế là em đăng ký tình nguyện vào Đội tình nguyện cộng đồng”.
Sợ lây nhiễm, sợ bản thân mình sẽ mắc bệnh từ những người nhiễm Covid-19 nhưng hơn ai hết, họ tự tin vào kiến thức y tế đã học trong trường, kiến thức phòng chống nhiễm khuẩn.
Do được học trong nhà trường các kiến thức về dịch tễ, nên khi tiếp nhận công việc và được sự hướng dẫn tận tình của các y, bác sĩ, Vũ và các thành viên nắm bắt rất nhanh công việc cần làm và được mọi người đánh giá cao.
“Việc làm của em tuy nhỏ, không thể so được với hàng chục ngàn y, bác sĩ nhưng đó là công sức và trí tuệ mình bỏ ra nên ai cũng tự hào. Mọi người trong đội hứa với nhau sẽ cố gắng hết sức mình cho đến ngày dịch Covid-19 được dập tắt”, Nguyễn Thanh Vũ nhấn mạnh.
Đội tình nguyện cộng đồng miệt mài với công việc điều tra dịch tễ
Đội tình nguyện cộng đồng được thành lập khi dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn Đà Nẵng. Để dịch được khống chế, công việc điều tra dịch tễ liên quan đến các ca lây nhiễm trong cộng đồng hết sức khẩn trương và phức tạp.
Theo đó 343 sinh viên vừa tốt nghiệp trường Đại học Kỹ thuật Y – Dược Đà Nẵng được huy động để tình nguyện lăn lộn vào cộng đồng điều tra dịch tễ và truy vết.
Bên cạnh đó, hàng nghìn sinh viên khác của ĐH Kinh tế Y Dược Đà Nẵng cũng có mặt tại các khu cách ly, điểm chốt trực (Ảnh: Bộ Y tế) |
“Đội được chia thành nhiều tổ phụ trách tại các quận, huyện trên địa bàn. Tại CDC có một tổ riêng, khi các tổ phụ trách địa bàn báo cáo về, các thành viên tại đây sẽ sàng lọc lại rồi lập danh sách báo cáo cho chúng tôi”, bác sĩ Trương Tấn Nam, Trưởng phòng Kế hoạch Nghiệp vụ Y – CDC Đà Nẵng cho biết.
Do các sinh viên chủ yếu đang ở trọ và ký túc xá nên CDC Đà Nẵng bố trí ăn uống hằng ngày cho các thành viên.
“Công việc tình nguyện nhưng các em làm việc hăng say như một nhân viên thực thụ. Có nhiều đêm khi có kết quả xét nghiệm, các tình nguyện viên ở địa bàn lại lao vào màn đêm gõ cửa từng nhà để điều tra dịch tễ. Nguy hiểm cận kề nhưng các em không chút than vãn, kêu ca”, bác sĩ Trương Tấn Nam cho biết.
Với tinh thần nhiệt huyết và sức trẻ, những kiến thức y tế đã nắm vững, những bạn trẻ này đã thể hiện tinh thần đoàn kết, vượt qua hiểm nguy chiến thắng dịch bệnh của nhân dân Việt Nam.