Những bước chuyển mạnh mẽ về an sinh, an dân tại Thủ đô
Nhiều cơ hội hội nhập quốc tế trong lĩnh vực an sinh xã hội “Thêm con chữ, bớt đói nghèo” HĐND TP xem xét các nội dung đảm bảo an sinh xã hội |
Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện
Với dân số khoảng 10 triệu người, thành phố Hà Nội là một trong những đô thị có mật độ dân số lớn hàng đầu cả nước. Là Thủ đô, trung tâm về chính trị, kinh tế, hành chính, xã hội, lượng người từ các tỉnh dồn về đây sinh sống, học tập và lao động ngày càng đông. Vì vậy, thành phố luôn phải đối mặt với nhiều vấn đề an sinh xã hội, lao động, việc làm, an ninh trật tự, tệ nạn xã hội…
Khám sức khỏe cho người có công tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 1 Hà Nội |
Thực tế, nhiều lao động ở Thủ đô còn thiếu việc làm, đời sống vật chất, tinh thần thiếu thốn, có người phải sinh sống trong khu trọ lụp sụp, không đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, tệ nạn xã hội, trộm cắp, cướp giật, lừa đảo luôn có nguy cơ rình rập. Chất lượng cuộc sống, đời sống của người dân còn chưa đồng đều.
Trước thực trạng trên, để nâng cao đời sống người dân, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình 08 về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô".
Thông tin về kết quả thực hiện Chương trình 08-CTr/TU, ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội (cơ quan Thường trực chương trình) cho biết, thời gian qua chương trình đã được chỉ đạo triển khai quyết liệt, thực chất, hiệu quả, tác động lan tỏa. Nhiều cơ chế, chính sách đặc thù của thành phố được ban hành, có tác động tích cực đến đời sống, được người dân đồng tình, hưởng ứng.
Kết quả đến nay có 19/26 chỉ tiêu đã hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch năm 2024 (đạt 73,08%), trong đó có 17/26 chỉ tiêu đã hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch giai đoạn 2021-2025, chiếm 56,38%; có 6/26 chỉ tiêu dự kiến sẽ hoàn thành kế hoạch năm 2024; 1/26 chỉ tiêu không hoàn thành kế hoạch năm 2024 và ước đến cuối nhiệm kỳ sẽ hoàn thành là tỷ lệ người dân được quản lý sức khỏe. Ban chỉ đạo đã cơ bản hoàn thành việc ban hành các văn bản theo kế hoạch tại Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy và Kế hoạch số 207/KH-UBND của UBND TP Hà Nội.
Nhà văn hóa tổ dân phố số 2 thị trấn Đông Anh, được đầu tư xây dựng với quy mô hơn 4.000m2, là một trong những công trình phục vụ sinh hoạt cộng đồng của huyện Đông Anh |
Cụ thể, 17 chỉ tiêu đã hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch giai đoạn 2021-2025. Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2023 còn 0,03%, cơ bản không còn hộ nghèo; có 18/30 quận, huyện không còn hộ nghèo, có 5 quận không còn hộ cận nghèo. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp đến tháng 6/2024 còn 2,01%; tỷ lệ số giường bệnh/vạn dân đến tháng 6/2024 đạt 36,5 giường bệnh/vạn dân (đạt 125,86% kế hoạch năm 2024 và dự kiến đạt 121,67% kế hoạch đến cuối nhiệm kỳ).
Các chỉ tiêu đã hoàn thành và được duy trì 100% từ năm 2021 đến nay như: Tỷ lệ người thuộc diện bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp hàng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định; tỷ lệ cá nhân, hộ gia đình gặp rủi ro do thiên tai, hỏa hoạn hoặc các lý do bất khả kháng khác được trợ giúp đột xuất kịp thời; học sinh khuyết tật, học sinh là đối tượng bảo trợ xã hội, học sinh thuộc hộ nghèo được miễn học phí; người có công với cách mạng, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo được miễn tiền vé khi sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn của thành phố...
Tỷ lệ xã, phường, thị trấn xây dựng mô hình quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng đạt 91% với 543 mô hình (đạt 130% kế hoạch năm 2024 và đạt 91% kế hoạch đến cuối nhiệm kỳ)...
Dành nguồn lực lớn chăm lo đời sống Nhân dân
Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình 08 khẳng định, Thành ủy Hà Nội luôn xác định chăm lo đời sống Nhân dân là nhiệm vụ quan trọng. Đây cũng là lĩnh vực rất lớn, phạm vi rộng và có nhiều công việc cần thực hiện vì liên quan đến đời sống vật chất, tinh thần của hàng triệu người dân Thủ đô. Vì vậy, Thành ủy Hà Nội đã đặt ra nhiều mục tiêu, giải pháp, biện pháp rất cụ thể để triển khai và đạt nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, thành phố dành nhiều nguồn lực để thực hiện chương trình này.
Đại diện cơ quan chức năng hỗ trợ người dân mở tài khoản chi trả ưu đãi an sinh xã hội không dùng tiền mặt tại quận Long Biên |
Thời gian tới, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị các ngành rà soát lại toàn bộ các chỉ tiêu, nhiệm vụ, cơ chế chính sách liên quan để cập nhật kịp thời, đầy đủ vào chương trình. Trong đó, các đơn vị cần tập trung kết nối với một số chỉ tiêu như nước sạch, môi trường… là những chỉ tiêu liên quan trực tiếp đến chất lượng sống của người dân.
Với chỉ tiêu “quản lý sức khoẻ điện tử” và những chỉ tiêu liên quan đến lĩnh vực y tế, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn giao UBND TP Hà Nội tập trung chỉ đạo các quận, huyện, thị xã rà soát, tháo gỡ khó khăn để quyết tâm đạt được chỉ tiêu khi hết nhiệm kỳ.
Cùng với đó, Luật Thủ đô vừa được Quốc hội thông qua, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội cho biết, sẽ có rất nhiều nhiệm vụ cần triển khai, vì thế các cấp, ngành phải chủ động ngay, cố gắng thực hiện sớm, hiệu quả. Trong đó, HĐND TP Hà Nội sẽ tổ chức họp kỳ chuyên đề để quyết nghị các cơ chế chính sách cụ thể hóa Luật Thủ đô, sớm đưa Luật đi vào cuộc sống, nâng cao chất lượng sống của người dân Thủ đô.