Những cô nàng thủ khoa, đa tài "trường Nhân văn"
Thủ khoa kì thi tốt nghiệp THPT toàn quốc 2023 thích làm công tác Đoàn Đạt thủ khoa không phải do may mắn |
Hiểu rõ bản thân là “chìa khoá” để thành công
Trần Thị Phương Thảo (sinh năm 2001) tốt nghiệp thủ khoa chuyên ngành Báo chí chất lượng cao, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Thảo cho rằng, việc hiểu rõ bản thân chính là “chìa khóa” đem đến sự tự tin và thành công cho mình.
4 năm học tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Thảo rất tự hào vì nơi đây có những thầy, cô giáo giỏi, dày kinh nghiệm và tâm huyết. Cô nàng thích nghiên cứu chuyên sâu về báo chí truyền thông. Thảo chia sẻ: “Mình cảm thấy rất thú vị và tò mò trước các giả thuyết được đặt ra, cũng như mong muốn tìm ra đáp án tương đối cho chúng. Năm cuối đại học mình mới đăng ký tham gia thực hiện nghiên cứu khoa học. Mặc dù đạt được giải Nhất nhưng nếu như mình đầu tư tìm hiểu từ năm nhất có lẽ sẽ có nền móng vững chắc và được va chạm nhiều, tạo được nền tảng chắc chắn hơn trong dự định theo đuổi học thuật của mình”.
Nữ thủ khoa Trần Thị Phương Thảo |
Thảo từng là thực tập sinh với vai trò biên tập viên ở Trung tâm Phim Tài liệu và Phóng sự Đài Truyền hình Việt Nam VTV và vị trí Nhân viên Phát triển Cộng đồng (Community Executive) tại công ty TiredCity. Từ công việc này, cô nàng trở nên dạn dĩ và khéo léo hơn.
Theo Thảo, việc hiểu rõ bản thân là điều cực kỳ quan trọng. Khi đã hiểu rõ bản thân, điểm mạnh điểm yếu - sở trường, sở đoản của mình, chúng ta sẽ quyết đoán hơn trong việc khẳng định mình, không cần phải chạy theo tiêu chuẩn nào.
Cô gái trẻ còn tích cực tham gia các hoạt động vì cộng đồng. Mỗi khi nhận được học bổng hay tiền khen thưởng, Thảo đều trích một phần để ủng hộ các quỹ như: Nuôi em, Green Life, Trạm cứu hộ chó mèo Hà Nội…
Trong những năm trên giảng đường đại học, Trần Thị Phương Thảo đã đạt được nhiều thành tích đáng ngưỡng mộ, với điểm trung bình trung học tập GPA: 3.75/4.0; Học bổng khuyến khích học tập trong suốt 6 học kỳ; Học bổng BIDV năm học 2019 - 2020; Học bổng Tinh tú Jeon Jungkook 2022.
Cô gái giành nhiều giải cao trong hoạt động nghiên cứu khoa học: Giải Nhất cuộc thi sinh viên Nghiên cứu khoa học cấp viện năm 2023; Giải Nhất cuộc thi sinh viên Nghiên cứu khoa học cấp trường năm 2023; Có bài báo khoa học đăng trên Tạp chí Khoa học Học viện Phụ nữ Việt Nam.
Thảo từng được tuyên dương là “Gương mặt trẻ tiêu biểu cấp cơ sở” năm 2022; Sinh viên có kết quả học tập cao nhất trong nhiều năm học; “Sinh viên 5 tốt” cấp trường năm học 2020 - 2021; Cán bộ lớp có đóng góp trong công tác tập thể năm học 2019 - 2020.
Cô nàng còn nhận được giải Thiết kế đẹp nhất trong cuộc thi Thiết kế “Sạp Lì Xì” - Phố Xuân SJC của tuổi trẻ Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông năm 2022; Giành giải Bài viết xuất sắc nhất trong cuộc thi viết “Our Golden Dream” của blog Dreamwork năm 2021.
“Thủ khoa kép” ngành Tâm lý học
Trương Thị Phương Thanh (sinh năm 2001) tốt nghiệp thủ khoa ngành Tâm lý học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, với kết quả học tập loại xuất sắc 3.69/4.0. Năm 2019, cô nàng là thủ khoa đầu vào khối D01 của trường.
Nữ thủ khoa Trương Thị Phương Thanh |
Phương Thanh là người thích tìm tòi, đặt câu hỏi và tìm cách trả lời. Bạn bè thường tham khảo ý kiến của cô trước mỗi vấn đề nào đó cần sự trợ giúp. Cô nàng có ước mơ theo đuổi ngành Tâm lý từ khi còn là học sinh cấp 2. Phương Thanh thấy để nắm bắt được các vấn đề đời sống tinh thần, tâm lý của con người thật phức tạp nên muốn thử thách bản thân, rồi đăng ký vào trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và trúng tuyển.
Chọn lựa ngành theo đam mê, khát vọng vượt lên chính mình, Phương Thanh cũng tìm ra phương pháp học tập phù hợp và không khó để đạt điểm cao. Cô nàng thủ khoa chia sẻ: “Điều quan trọng nhất là học phải đi kèm mục đích và mục tiêu. Nếu học trong trạng thái mông lung, cho qua môn, hoặc nghĩ kiến thức này sẽ không có trong đề thi nên không học thì rất khó để tiếp thu”.
Với những buổi học kéo dài, lượng kiến thức nhiều, cô xem qua giáo trình, điểm ý chính của bài và đánh dấu các vấn đề muốn hỏi thêm trước khi lên lớp. Trong giờ học, cô luôn cố gắng tương tác với giảng viên, ghi chép lại những ví dụ hay nội dung mà giảng viên đã lưu ý cho bài thi giữa kỳ, cuối kỳ.
Cố gắng rồi gặt hái nhiều quả ngọt, cô gái đạt nhiều kỳ học bổng khuyến khích học tập của trường, nhận học bổng Shinnyo Nhật Bản trong cả 4 năm học, đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp trường năm học 2019 - 2020. Ngoài ra, cô hăng hái tham gia phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học và Câu lạc bộ Hoa đá Nhân văn. Bên cạnh đó, cô cũng dành thời gian trải nghiệm qua các hoạt động tình nguyện, làm thêm…
Phương Thanh chọn đi làm sớm bởi hai mục đích chính là muốn tích lũy kinh nghiệm làm việc, làm quen môi trường và các vấn đề có thể gặp; Do định hướng “Nam tiến” nên cô chọn những công ty có cả văn phòng ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để có thể chủ động hơn trong công việc. Nhờ vậy, cô cũng học thêm được nhiều điều ngoài phạm vi nhà trường.
Hiện tại, cô nàng thủ khoa đang làm việc trong lĩnh vực nhân sự và học hỏi thêm kiến thức về tư vấn hướng nghiệp. Cô dự định sẽ tích lũy thêm kinh nghiệm làm việc trước khi nộp học bổng du học thạc sĩ.