Những làng quê… thay “áo mới”
“Quả ngọt” từ xây dựng nông thôn mới
Đặc biệt, trong 5 năm (2015-2020) vừa qua, các huyện ngoại thành Hà Nội đã có sự phát triển vượt bậc về nhiều mặt. Kinh tế, xã hội cũng đạt được nhiều kết quả tích cực, đời sống người dân được nâng cao hơn cả về vật chất và tinh thần.
Có thể thấy rõ diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, hiện đại hơn, có nhiều công trình, dự án kinh tế được triển khai xây dựng. Kết quả này có được là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt, sự đồng lòng, nhất trí của toàn Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân thành phố Hà Nội.
Những con đường về quê khang trang sạch đẹp tại huyện Thanh Oai |
Là một huyện của vùng đồng bằng Bắc Bộ, mảnh đất Thanh Oai anh hùng rất giàu truyền thống lịch sử văn hóa và tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội cũng rất lớn. Do đó, huyện Thanh Oai đã sớm “cán đích” đủ các điều kiện để được xem xét công nhận là Huyện nông thôn mới.
Về huyện Thanh Oai những ngày này, khách phương xa sẽ yêu mến vùng quê tươi đẹp, yên bình với hình ảnh những ngôi nhà mới khang trang, hiện đại nép sau hàng rào, hàng cây xanh ngát dọc theo những con đường thảm bê tông sạch đẹp, nối liền từng xóm, ấp.
Đó là kết quả của cả hệ thống chính trị đồng lòng “xắn tay” vào việc với quyết tâm cao, đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân và doanh nghiệp, từ đó huy động được sức người, sức của tham gia vào “công việc chung”.
Là một trong những xã còn nhiều khó khăn của huyện Thanh Oai, diện mạo xã Mỹ Hưng hôm nay đã có nhiều đổi mới, đường phố khang trang, xanh, sạch, đẹp.
Đảng ủy, UBND xã đã làm tốt công tác tuyên truyền vị trí, vai trò và ý nghĩa của việc xây dựng nông thôn mới, tạo sự đoàn kết, đồng lòng, thống nhất cao giữa người dân và địa phương. Mô hình trồng hoa lan công nghệ cao tại xã Mỹ Hưng cũng đem lại thu nhập cao cho người dân.
Nhìn vào những sự thay đổi, từ cơ sở vật chất đến đời sống của người dân ở vùng nông thôn xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, không ai không cảm thấy vui mừng, tự hào.
Hòa cùng niềm vui cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân chào mừng Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, chị Ngô Thị Hoài (Xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai) hồ hởi chia sẻ: “Gần mười năm qua từ khi bắt tay xây dựng nông thôn mới, làng quê “thay da đổi thịt”, cơ sở hạ tầng khang trang hơn, tình hình an ninh trật tự ngày càng tốt hơn, bà con nơi đây yên tâm lao động sản xuất, đời sống khấm khá hơn, nên bà con cũng tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, góp sức cho quê mình…
Để góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, nhân dân trong xã đã ủng hộ tôn tạo, bảo tồn di tích, xây dựng đường làng ngõ xóm hang chục tỷ đồng, hiến đất làm đường giao thông nội đồng”.
Sống ở quê “sướng” như ở phố
Có mặt tại xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, mới cảm nhận hết những chuyển biến tích cực từ quyết tâm xây dựng môi trường sống trong lành của người dân nơi đây.
Những năm gần đây, hàng loạt những chương trình chung sức của người dân và chính quyền như “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh” của Đoàn Thanh niên; “Xanh - sạch - đẹp” trong các trường học, “Năm không, ba sạch” của Hội Phụ nữ, đã từng bước cải thiện chất lượng môi trường xã.
Người dân đã vớt hàng nghìn mét khối rác thải, khơi thông dòng chảy cho sông Nhuệ và trồng được hơn hàng nghìn vườn hoa, cây cảnh trong cụm dân cư, góp phần tạo cảnh quan và không khí trong lành cho người dân.
Ngoài khơi thông dòng chảy cho sông Nhuệ, tạo cảnh quan môi trường sống, trong năm 2018, xã tiến hành giải tỏa được hai chợ cóc vốn là điểm nóng gây mất mỹ quan đô thị kéo dài trong nhiều năm, góp phần giải quyết triệt để tình trạng xả rác, nước thải bừa bãi gây ách tắc giao thông trên tuyến đường 70 chạy qua địa bàn xã.
Người dân xã Tả Thanh Oai ứng dụng ứng dụng công nghệ mạ khay, máy cấy |
Cùng với đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu, các cấp chính quyền cũng đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao đời sống người dân vùng nông thôn.
Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp để tạo bước đột phá về sức cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, góp phần tăng thu nhập và xóa đói giảm nghèo.
Nếu như trước đây, người dân ở các vùng nông thôn có xu hướng lên thành phố để tìm kiếm việc làm, lao động chân tay vất vả mưu sinh thì nay nhiều người dân đã trở về quê để làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Người dân đã từng bước đổi mới tư duy phát triển kinh tế, biết phát huy lợi thế địa phương để đa dạng hóa sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống.
Vừa treo cờ đỏ trước cửa nhà để chào mừng Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Phúc Vinh, người dân xã Tả Thanh Oai phấn khởi: “Cuộc sống của người dân được cải thiện, đường làng, ngõ xóm khang trang, sạch đẹp...
Ngoài đường đã đẹp, bà con cũng bắt đầu sơn sửa, trang trí nhà cửa khang trang, tươm tất hơn… Cuộc sống ở quê giờ “sướng”không kém ở phố.
Vui hơn hết là internet đã phủ sóng khắp xã với tốc độ cao giúp bà con biết truy cập internet đọc tin thời sự, học hỏi cách làm nông, tìm mua cây, con giống tốt, học cách buôn bán, tìm khách hàng.
Con tôi sau khi tốt nghiệp ĐH cũng quyết định về quê lập nghiệp. Người dân trong xã đều phấn khởi chào đón sự kiện chính trị lớn này với niềm tin sâu sắc và kỳ vọng về một đại hội có nhiều đổi mới, tiếp tục đưa Thủ đô vững bước phát triển”.
Trong không khí đang diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XVII, nhân dân thành phố đều có chung niềm vui, sự hân hoan và kỳ vọng vào những định hướng, quyết sách đúng đắn, sáng tạo, hiệu quả tạo đột phá cho sự phát triển của Thủ đô trong nhiệm kỳ mới (2020-2025).
Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương |