TTTĐ - Hà Nội được xem là nơi có nhiều lễ hội nhất với hơn 1.000 trong tổng số gần 8.000 lễ hội trên cả nước. Các hoạt động chủ yếu diễn ra vào những tháng mùa xuân với nhiều nét đặc sắc, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa.
Những nét xưa lưu dấu
Lễ hội truyền thống làng Triều Khúc đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia khi vẫn giữ được nét đẹp lễ hội truyền thống, mang cốt cách, nét đẹp tâm linh của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
 |
Những nét xưa lưu dấu trong lễ hội truyền thống của Hà Nội |
Lễ hội làng Triều Khúc diễn ra từ mùng 9 đến 12 tháng Giêng hàng năm nhằm tưởng nhớ đến vị anh hùng dân tộc Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng. Tương truyền, trước đây Triều Khúc là nơi Phùng Hưng (Bố Cái Đại Vương) luyện quân để giao chiến với tướng giặc. Đây không phải là quê của Phùng Hưng nhưng sau khi chiến thắng lên ngôi vua, dân làng Triều Khúc thờ Phùng Hưng và suy tôn ngài thành Thánh.
 |
Lễ rước đặc sắc |
Lễ hội làng Triều Khúc với lễ rước sắc Phùng Hưng mang ý nghĩa mời thánh nhân về ngự tại đại đình, mừng Ngài đăng quang, tạ ơn ngài đã ban cho dân làng một cuộc sống ấm no, an lành. Sau nghi lễ rước kiệu là những điệu múa lân, múa rồng tạo nên không khí của ngày lễ hội đầu năm.
 |
Màn múa rồng hoành tráng |
Điểm nhấn của lễ hội là màn nam thanh niên giả gái, đeo trống đánh bồng (hay còn gọi là múa "con đĩ đánh bồng"). Đây là 1 trong 10 điệu múa dân gian xưa của đất Thăng Long. Theo lời kể của các bậc cao nhân của làng Triều Khúc, trong mỗi lần hội làng phải ít nhất phải có 6 “con đĩ” nhảy điệu múa bồng. Đây đều phải là trai tân chưa vợ, mặt mũi khôi ngô, tuấn tú, tươi tắn, ngoan ngoãn, con nhà gia giáo.
 |
Điệu múa dân gian vui tươi, khỏe khoắn |
Điệu múa đánh bồng cực phóng khoáng, dứt khoát mạnh mẽ, nhưng cũng rất mềm mại, linh hoạt.
Diễn ra trong 3 ngày (mùng 4, 5 và 6 tháng Giêng hằng năm), hội vật cầu làng Thúy Lĩnh (Hoàng Mai, Hà Nội) là một nét văn hóa truyền thống đặc trưng của người dân Kinh kỳ tưởng nhớ tới công lao của Linh Lang Đại vương và khích lệ tinh thần thượng võ dân tộc, đồng thời lưu giữ một nét độc đáo trong bức tranh văn hóa đa sắc màu đất Thủ đô ngàn năm văn hiến.
 |
Màn trống hội trong lễ hội Vật cầu Thúy Lĩnh |
Theo các nhà sử học, Lễ hội Vật cầu làng Thúy Lĩnh có từ thời vua Lý Thánh Tông (1054 - 1072), gắn với huyền tích về thái tử Linh Lang, con trai thứ Tư của vua Lý Thánh Tông. Tương truyền, ông thường tổ chức hội vật cầu để quân sĩ vui chơi dịp Tết đến xuân về và rèn luyện sức khỏe.
Để tưởng nhớ tới công lao của Linh Lang Đại vương và thể hiện truyền thống thượng võ, hằng năm nhân dân địa phương lại tổ chức hội Vật cầu tại sân đình làng Thúy Lĩnh.
8 tổ dân phố ngoài đê sông Hồng thuộc phường Lĩnh Nam tổ chức thành 8 đội tranh tài tại 2 bảng đấu, (mỗi bảng đấu sẽ có 4 đội tham gia), tại 2 nội dung thi đấu giành cho lứa tuổi thiếu niên, thanh niên và lứa tuổi trung niên.
 |
Trận đấu kịch tính, mang tinh thần thượng võ |
Trận đấu vật cầu có 4 đội canh 4 hố, hình thức thi đấu được mô phỏng theo hình thức luyện quân của thái tử Linh Lang Đại Vương. Quả cầu bằng gỗ mít, nặng tới 25kg nên đây được xem môn thể thao rèn luyện thể lực, trí lực, đòi hỏi người thi đấu mưu trí, nhanh nhẹn, có tư duy phán đoán nhanh nhậy, sự phối hợp chiến thuật với các thành viên trong của đội mình thật tốt để đưa được quả cầu về hố của đội mình.
Chủ tịch UBND phường Lĩnh Nam Tạ Việt Dũng cho biết: "Đây là lễ hội truyền thống của địa phương, diễn ra vào dịp đầu năm mới. Thông qua việc tổ chức lễ hội, Đảng ủy, UBND phường mong muốn duy trì và phát triển những phong tục tập quán tốt đẹp của địa phương, phù hợp với thuần phong mỹ tục và các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Ngoài việc, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, lễ hội còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và phát triển du lịch trên địa bàn phường".
Nâng cao ý thức, giữ gìn văn hóa đặc sắc
Mùa lễ hội năm nay tại Hà Nội được diễn ra trong không khí vui tươi, phấn khởi, mừng xuân, kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025) nên càng tưng bừng, rộn rã.
Ghi nhận công tác chuẩn bị cũng như tổ chức lễ hội chu đáo của các địa phương, Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Phạm Xuân Tài - Trưởng đoàn kiểm tra của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội mong muốn các địa phương tiếp tục cố gắng bảo tồn, gìn giữ những nét đẹp truyền thống trong lễ hội. Bên cạnh đó lưu ý việc tổ chức lễ hội cần chuẩn chỉnh, góp phần tôn vinh, phát huy giá trị di tích và bản sắc văn hóa truyền thống.
 |
Để lễ hội được diễn ra thành công, ý nghĩa thì người dân cũng phải nâng cao ý thức, góp phần giữ gìn những nét đặc sắc của truyền thống Thăng Long - Hà Nội |
"Mỗi địa phương cần có những biện pháp kiểm soát văn hóa ứng xử, văn minh của người tham gia lễ hội, khi vào di tích. Đối với quy trình thực hiện các nghi lễ cần đảm bảo an toàn, đúng nghi lễ truyền thống, các trò chơi dân gian, hoạt động văn hóa - thể thao diễn ra vui tươi, lành mạnh, không có cờ bạc trá hình. Đặc biệt, cần kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các hàng quán, đảm bảo hàng hóa rõ nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường…" - đồng chí Phạm Xuân Tài nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, để mùa lễ hội được diễn ra lành mạnh, vui tươi, văn minh và thân thiện cũng rất cần ý thức của chính những người dân tham dự những hoạt động này. Thành tâm, hoan hỉ với phần lễ, ứng xử văn minh, có chừng mực tại phần hội, giữ gìn vệ sinh, có hành vi, cử chỉ và trang phục phù hợp... chính là chúng ta đang góp phần để lễ hội thành công và diễn ra ý nghĩa, lưu giữ những bản sắc quý giá của lễ hội trong đời sống người Hà Nội.