Những thành tựu của Việt Nam trong việc thực hiện và thúc đẩy quyền con người
Người dân luôn được hỗ trợ để bảo đảm đời sống |
Bảo đảm quyền con người trong điều kiện hội nhập quốc tế
Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, Nhà nước ta đã nỗ lực xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quyền con người, tạo ra những thay đổi tích cực trong hoạt động xây dựng và hoạch định chính sách, pháp luật.
Phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người đặt con người vào “vị trí trung tâm”, “mọi mục tiêu, động lực của sự phát triển là vì con người, do con người”, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của con người đã trở thành một nguyên tắc trong hoạch định chính sách, pháp luật của nhà nước.
Nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng và bảo vệ quyền con người, minh bạch hóa trách nhiệm nhà nước đã được thẩm thấu vào trong quy trình xây dựng luật pháp và chính sách về quyền con người, góp phần vào sự phát triển kinh tế, ổn định xã hội, tiền đề quan trọng cho việc bảo đảm quyền con người.
Việc ghi nhận các quyền mới của con người trong Hiến pháp năm 1992 và năm 2013 đã phản ánh xu thế hội nhập của đất nước, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc bảo đảm nhân quyền ở Việt Nam.
Điều này cũng thể hiện những nỗ lực của Nhà nước Việt Nam trong việc tôn trọng và thừa nhận quyền con người phổ biến được ghi nhận trong pháp luật quốc tế, là sự năng động, nhạy bén của Nhà nước trong việc xử lý mối quan hệ biện chứng giữa quyền con người phổ biến với đặc thù về lịch sử, văn hóa, kinh tế, chính trị của các quốc gia, giữa luật quốc tế và pháp luật quốc gia trong quá trình xây dựng và thực thi pháp luật để vừa bảo đảm lợi ích quốc gia, vừa tuân thủ những quy định và cam kết quốc tế, bảo đảm tốt hơn các quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Bên cạnh việc nâng cao số lượng và chất lượng quyền con người trong Hiến pháp, Nhà nước chú trọng nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, ban hành các văn bản luật với các quy định cụ thể, dễ thực hiện, giảm dần các luật, pháp lệnh chỉ dừng lại ở các nguyên tắc chung nhằm giảm bớt việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành.
Nhiều bộ luật được sửa đổi và ban hành mới đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, bảo đảm tốt hơn các quyền của người dân như: Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật về Trách nhiệm bồi thường của nhà nước, Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Luật Người cao tuổi...
Hỗ trợ người dân bị thiệt hai do mưa lũ |
Nhà nước ta đã đạt được những thành quả to lớn về quyền con người
Những kết quả đạt được trong việc ban hành chính sách, pháp luật về quyền con người của Nhà nước ta những năm qua là một bước tiến lớn trong quá trình hoàn thiện chính sách, pháp luật về quyền con người, phù hợp với thực tiễn đòi hỏi trong nước cũng như đáp ứng các yêu cầu của quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế.
Các nguyên tắc, tiêu chuẩn về quyền con người trong luật Nhân quyền quốc tế đã được quán triệt và trở thành nội dung quan trọng của văn bản pháp luật Việt Nam về quyền con người, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho các hoạt động bảo vệ và thực thi quyền con người
Đáng chú ý, trong nội dung sửa đổi và trong những bộ luật mới đã thể hiện những nhận thức, quan điểm mới của Nhà nước ta trên lĩnh vực quyền con người. Chẳng hạn, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (năm 2016) không chỉ đơn giản hóa các thủ tục cấp phép cho các hoạt động thực hành giáo lý, giáo luật, lễ nghi tôn giáo, mà còn bảo đảm quyền cho tất cả người có đạo - cho dù họ là công dân Việt Nam hay người nước ngoài, cho dù họ là người tự do hay đang thi hành án.
Mục 5 (Điều 5) quy định: “Người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, … bắt buộc có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo”.
Điều 8, quy định: “ Người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”. Hiện nay, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta diễn ra bình thường, nếu không nói là sôi động.
Nghị định của Chính phủ về “Quản lý, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng”, xác định chính sách của Đảng và Nhà nước ta là tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho nhân dân ở các vùng khó khăn có thể sử dụng dịch vụ này.
Điều 4 quy định: “Thúc đẩy việc sử dụng Internet trong mọi hoạt động kinh tế, xã hội đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế,…; Phát triển hạ tầng Internet băng rộng đến trường học, bệnh viện, viện nghiên cứu, thư viện, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, các điểm truy nhập internet công cộng và hộ gia đình. Chú trọng việc phổ cập dịch vụ internet ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”.