Nông dân thời 4.0 cùng nhau trồng rau củ sạch làm giàu
Người nông dân sở hữu “thung lũng dược liệu triệu đô” Nông dân nhanh nhậy làm nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu |
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng với măng tây, ngô ngọt
Chị Lê Thị Mai là Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Ngọc Mai, tại thôn Lai Cách, xã Xuân Giang, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội. Hiện nay HTX có hai sản phẩm OCOP 3 sao là ngô ngọt và măng tây. HTX thuê của các hộ dân và tập hợp diện tích cùng một khu để chuyển đổi cây trồng nhưng vẫn còn gặp khó khăn về thủ tục hành chính.
Chị Lê Thị Mai |
Là Giám đốc, chị Lê Thị Mai cùng luôn nỗ lực cố gắng để phát triển mở rộng diện tích, chăm sóc nâng cao chất lượng sản phẩm cây trồng. Chị Mai cho biết, trước đây, nhận thấy cần phải tận dụng đất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, quá quá trình thử nghiệm các giống cây trồng, HTX Dịch vụ tổng hợp Ngọc Mai đã nghiên cứu, trồng măng tây và ngô tại địa phương và bắt tay vào mua giống, cải tạo đất, phân bón, hệ thống phun nước, nhân công… Nhờ nghiên cứu, nắm chắc kỹ thuật, hiểu được đặc tính của cây măng tây, những luống măng của HTX đã sinh trưởng, phát triển tốt và được thu hoạch. Sản phẩm măng tây của Ngọc Mai được nhiều người ưa chuộng.
Việc trồng măng tây theo hướng nông nghiệp hữu cơ không chỉ cho sản phẩm bán ra đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dùng, mà còn khiến măng tây khi đến kỳ thu hoạch đẹp về mẫu mã với màu xanh đậm, sau khi chế biến có độ giòn, vị ngọt đặc trưng. Cứ khoảng 4 tháng là người nông dân ở đây được thu hoạch măng tây. Cùng với măng tây, cây ngô ngọt đã “ghi điểm” với xã viên HTX Ngọc Mai, bởi công đoạn làm đất nhàn hơn so với việc trồng trọt nhiều giống cây trồng khác. Tham gia mô hình, các hộ dân được hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật từ các khâu làm đất, gieo hạt, bón phân, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại.
Măng tây và ngô ngọt của HTX Ngọc Mai |
Qua theo dõi, đánh giá cho thấy, giống ngô ngọt được gieo trồng tại HTX Ngọc Mai sinh trưởng phát triển tốt, bắp to đẫy, hạt chắc đều. Thời gian từ khi trồng đến lúc thu hoạch khoảng 3 tháng, có thể trồng nhiều vụ trong năm. Ngô ngọt có hàm lượng dinh dưỡng cao, ăn giòn, ngọt, bắp có thể sử dụng để ăn tươi và chế biến, được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Với măng tây và ngô ngọt HTX Ngọc Mai luôn đảm bảo đầu ra.
Mở rộng sản xuất nông nghiệp hữu cơ
HTX Dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp Trung Giã bắt tay với người nông dân phát triển vùng canh tác rau hữu cơ và theo tiêu chuẩn Viet GAP. Mô hình mang lại giá trị kinh tế cao và thu nhập ổn định cho thành viên; Nay được đánh giá là một trong những điểm sáng trong phong trào sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Thủ đô.
HTX Trung Giã được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2018 với 15 thành viên. Trong đó, có một nhóm sản xuất rau hữu cơ là 7 thành viên, HTX chuyên sản xuất các loại rau, củ quả hữu cơ để cung cấp ra thị trường trong và ngoài thành phố. Với phương châm sản xuất của HTX là phải được tuân thủ chặt chẽ 5 nguyên tắc “vàng”: Không dùng phân bón hóa học, không dùng thuốc trừ sâu độc hại, không sử dụng chất kích thích tăng trưởng và không sử dụng thuốc diệt cỏ.
Các sản phẩm của HTX Trung Giã |
Các sản phẩm làm ra thân thiện với môi trường, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng. Đến nay, Trung Giã đã tạo dựng được niềm tin với người tiêu dùng. Rau sạch sản xuất tại đây được trồng và canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ sạch từ đồng ruộng đến bàn ăn, với 4 loại được đánh giá là sản phẩm OCOP 3 sao của nông nghiệp Hà Nội: Rau muống, dưa chuột, cải xanh, cải ngọt.
Anh Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp Trung Giã cho biết: “Để nâng cao chất lượng sản phẩm cung ứng ra thị trường, đơn vị đã đầu tư tiền tỷ xây dựng nhà sơ chế, đóng gói, bảo quản rau hữu cơ, rau Viet GAP. Mỗi sản phẩm rau an toàn của hợp tác xã đều có truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Trước nhu cầu sử dụng rau an toàn trong các trường học, khách sạn, nhà hàng, người dân ngày càng tăng, bà con xã viên của Trung Giã mong muốn chính quyền, các ngành chức năng tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để các hộ mở rộng diện tích; Tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, hỗ trợ về phân bón, giống, đầu tư khu nhà sơ chế, chế biến, kho lạnh, nhằm đảm bảo đầy đủ và kịp thời nguồn nông sản thực phẩm an toàn, cung ứng vào nội đô Hà Nội”.
Có thể khẳng định, sản xuất hữu cơ tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng; Chất lượng dinh dưỡng tốt hơn, lợi nhuận của người sản xuất cũng được nâng lên. Việc mở rộng sản xuất nông nghiệp hữu cơ là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần cân bằng hệ sinh thái, tăng thu nhập cho nông dân.