OCOP nâng tầm giá trị sản phẩm nông nghiệp, làng nghề của huyện Quốc Oai
Nâng cao giá trị sản phẩm OCOP
Quốc Oai là một huyện nằm trong vùng chuyển tiếp giữa miền núi và đồng bằng, có hai tuyến giao thông trọng yếu chạy qua là đường Láng - Hòa Lạc và đường Hồ Chí Minh nên có nhiều lợi thế phát triển đô thị và công nghiệp.
Với truyền thống và lợi thế sẵn có của địa phương, huyện Quốc Oai có 101 làng nghề, trong đó có 17 làng nghề truyền thống. Năm 2019, thực hiện kế hoạch triển khai thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, huyện đã có 11 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP của 4 chủ thể, gồm có 5 sản phẩm đạt 4 sao, 6 sản phẩm đạt 3 sao.
Năm 2020, có 37 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP của 11 chủ thể tham gia, gồm có 28 sản phẩm đạt 4 sao, 9 sản phẩm đạt 3 sao. Năm 2021, có 31 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP của 11 chủ thể tham gia, gồm có 25 sản phẩm đạt 4 sao, 6 sản phẩm đạt 3 sao. 8 tháng năm 2022, huyện có 24 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP của 15 chủ thể tham gia đánh giá, phân hạng.
Sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ của huyện Quốc Oai được đánh giá OCOP 4 sao |
Ông Nguyễn Quang Thắm, Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai cho biết: Việc đánh giá các sản phẩm được địa phương thực hiện trên cơ sở bảo đảm tính công bằng, khách quan, chính xác theo đúng các tiêu chí quy định tại Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.
Là đơn vị được thành phố chấm điểm sản phẩm OCOP đạt 4 sao, ông Hoàng Doãn Hòa, Chủ tịch Hội làng nghề Mộc ở thôn Yên Quán (xã Tân Phú) cho biết, nhờ được tham gia chương trình OCOP, doanh thu của đơn vị đạt hàng tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 10 lao động trên địa bàn với mức thu nhập 6 - 7 triệu đồng/lao động.
Các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ của gia đình ông Hòa làm ra, bao gồm: Tranh tứ quý, hoành phi câu đối, bàn thờ ô sa, ngai thờ, cuốn thư, bàn ghế trường kỷ… đều đạt chất lượng cả về mỹ thuật và giá trị kinh tế, thu hút nhiều đơn đặt hàng của du khách.
Từ khi được công nhận sản phẩm OCOP, sản phẩm thịt lợn sinh học của Hợp tác xã Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tâm đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, được nhiều siêu thị, cửa hàng trên địa bàn thành phố ký kết hợp đồng tiêu thụ.
Theo ông Nguyễn Đình Tường, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tâm, với mục tiêu tiếp tục nâng cao giá trị sản phẩm OCOP, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, hợp tác xã luôn duy trì chăn nuôi lợn theo chuỗi khép kín từ khâu chọn con giống đến giết mổ, sơ chế, đóng gói. Hiện, mỗi tháng, hợp tác xã cung ứng cho thị trường 13 - 15 tấn thịt lợn sinh học và sản phẩm chế biến từ thịt lợn như xúc xích, giò chả; doanh thu đạt hàng chục tỷ đồng/năm.
Tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các chủ thể OCOP
Để đạt được kết quả như trên là một sự nỗ lực rất nhiều của cá nhân, tập thể, các tổ chức, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã và đang đồng hành cùng chương trình để đạt được kết quả tốt nhất.
Ông Nguyễn Quang Thắm, Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai cho biết: Những năm qua, phòng Kinh tế huyện đã hỗ trợ các cơ sở tham gia chương trình OCOP hoàn thiện sản phẩm như: Hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc (QR code) cho các đơn vị tham gia chương trình OCOP; Tư vấn cho các cơ sở tham gia chương trình OCOP hoàn thiện mẫu mã bao bì nhãn mác, website và logo cho sản phẩm.
Huyện Quốc Oai đã mở hai địa điểm giới thiệu, quảng bá, kết nối và bán các sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng OCOP trên địa bàn huyện |
Cùng với đó, huyện cũng phối hợp với Văn phòng Điều phối chương trình nông thôn mới thành phố Hà Nội hỗ trợ 100% kinh phí kiểm nghiệm các mẫu sản phẩm cho các cơ sở có sản phẩm tham gia chương trình OCOP; Hỗ trợ, tổ chức cho các chủ thể có sản phẩm OCOP và tiềm năng OCOP trên địa bàn huyện tham gia triển lãm bán hàng tại các hội chợ. Hỗ trợ tham gia chương trình ngày hội livestream Đặc sản OCOP Hà Nội do Văn phòng điều phối Nông thôn thành phố Hà Nội tổ chức.
Ngoài ra, huyện còn phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội tổ chức Diễn đàn Khuyến nông liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tạo điều kiện cho sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng OCOP được liên kết với các nhà phân phối trên cả nước để tiêu thụ sản phẩm.
Đặc biệt, huyện Quốc Oai đã phối hợp với Sở Công thương rà soát, lựa chọn điểm giới thiệu và bán hàng sản phẩm OCOP thành phố. Qua đó đã lựa chọn được hai địa điểm để giới thiệu và bán sản phẩm OCOP là cửa hàng thực phẩm sạch Phủ Quốc Oai, địa chỉ tại 127 tổ dân phố Phố Huyện (thị trấn Quốc Oai, Hà Nội). Cửa hàng kinh doanh thực phẩm Hợi Thương ở thôn Thụy Khuê, xã Sài Sơn. Đến thời điểm hiện nay cả hai cửa hàng đều đang hoạt động rất có hiệu quả.
Đây cũng là địa điểm giới thiệu, quảng bá, kết nối và bán các sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng OCOP trên địa bàn huyện, thành phố và các tỉnh, thành trên cả nước. Với nhiều mặt hàng, mẫu mã đa dạng, chất lượng được kiểm định an toàn thực phẩm.
Để nâng tầm sản phẩm nông nghiệp, làng nghề, huyện Quốc Oai đã xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025. Trong đó, huyện đang xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng thương hiệu hàng hóa và liên kết sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP ra các tỉnh, thành phố, đồng thời hướng tới xuất khẩu.
Trang thông tin có sự phố hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội |