"Ông lớn" ngành bia Sabeco lãi kỷ lục
SABECO góp phần vào thành công chung của các đội tuyển bóng đá Việt Nam Trung ương Đoàn và SABECO khởi động dự án “Thắp sáng đường quê” và “Nâng bước thể thao” |
Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã CK: SAB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 cho thấy tình hình kinh doanh rất tích cực của công ty.
Theo đó, doanh thu thuần quý II/2022 của Sabeco đạt hơn 9.008 tỷ đồng, tăng 25% so cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn hàng bán tăng 19% so cùng kỳ, mức tăng chậm hơn doanh thu khiến lợi nhuận gộp tăng 36% lên gần 3.086 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 31,3% lên 34,3%.
Trong quý II/2022, doanh thu tài chính của Sabeco chuyển từ âm 7,3 tỷ đồng cùng kỳ lên hơn 26,5 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí lãi vay và chi phí bán hàng đều giảm lần lượt 20% và 8% so cùng kỳ, lần lượt ở mức 10 tỷ đồng và 1.011 tỷ đồng.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế của Sabeco quý II/2022 đạt gần 1.800 tỷ đồng, tăng 67% so cùng kỳ; Lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ cũng tăng 67%, lên gần 1.668 tỷ đồng.
Bia Saigon Gold |
Theo lý giải của ban lãnh đạo Sabeco, doanh thu và lợi nhuận của công ty cải thiện nhờ Việt Nam đã thoát khỏi tình trạng phong toả với việc mở cửa trở lại cho du lịch quốc tế và nhu cầu tiêu dùng hồi phục. Trong khi năm ngoái bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng thứ 4 của đại dịch COVID-19.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, Sabeco ghi nhận doanh thu xấp xỉ 16.315 tỷ đồng và lãi sau thuế xấp xỉ 3.030 tỷ đồng, lần lượt tăng 25% và 47% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán bia đạt hơn 14.481 tỷ đồng, tăng 24% và doanh thu bán nguyên liệu đạt 1.747 tỷ đồng, tăng 32%; Doanh thu bán nước giải khát đạt gần 100 tỷ đồng, tăng 13,5% so cùng kỳ năm ngoái.
Theo ban lãnh đạo Sabeco, trong nửa đầu năm 2022, doanh thu và lợi nhuận của công ty cải thiện và cao hơn so với năm ngoái là do cả nước thoát khỏi tình trạng đóng cửa, cùng với việc thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi người tiêu dùng. Công ty đã nâng cao hiệu quả sản xuất và thực hiện các biện pháp tiết kiệm chi phí, giúp giảm thiểu tác động của việc tăng chi phí đầu vào.
Năm 2022, Sabeco đặt chỉ tiêu doanh thu gần 35.000 tỷ đồng và lợi nhuận gần 4.600 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 tháng, đại gia ngành bia đã hoàn thành gần 50% kế hoạch doanh số và đạt 65% mục tiêu lợi nhuận.
Không chỉ công ty mẹ mà nhiều công ty bia thành viên cũng báo lãi tăng mạnh. Trong đó, Bia Sài Gòn - Miền Trung (SMB) báo lợi nhuận nửa đầu năm tăng 40% lên 109 tỷ đồng, Bia Sài Gòn - Quảng Ngãi (BSQ ), Bia Sài Gòn - Hà Nội (BSH ), Bia Hà Nội - Hải Dương (HAD)... thậm chí tăng gấp đôi lợi nhuận nhờ giá bán sản phẩm, tiêu thụ tăng (bù đắp chi phí nguyên liệu tăng và tiết kiệm trong tất cả các khâu sản xuất, kinh doanh).
Trong báo cáo mới đây, bộ phận phân tích của Công ty Chứng khoán SSI đánh giá, tỷ suất lợi nhuận gộp của Sabeco vẫn ổn định trong bối cảnh lạm phát, nhờ công ty đã ký hợp đồng mua dài hạn cho các nguyên vật liệu chính và giá bán bình quân đã tăng thêm gần 10%.
Chuyên gia của SSI cũng nhấn mạnh triển vọng thời gian tới, khi ngành thực phẩm đồ uống là một lựa chọn đầu tư trong bối cảnh lạm phát tăng cao. Nhu cầu sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong nửa cuối năm 2022 (do giãn cách xã hội chặt chẽ trong quý III/2021) và bình thường hóa từ nửa cuối năm 2023.
Ngoài ra, giá các nguyên vật liệu đầu vào chính có xu hưởng điều chỉnh giảm trong các quý tới giúp tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp thực phẩm đồ uống có cơ hội tăng lên hoặc duy trì khả năng phục hồi vào năm 2023.
Một điểm thuận lợi khác với Sabeco, theo phân tích của công ty chứng khoán, là phân khúc bia phổ thông vẫn tăng trưởng tốt trong hai năm đại dịch vừa qua trong khi phân khúc cao cấp suy giảm thị phần. Nhờ đó, thị phần của Sabeco vẫn tăng trong giai đoạn dịch, làm tiền đề giúp công ty tiếp tục tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu SAB của Sabeco đóng cửa ngày 29/7 ở mức 180.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, từ đầu năm đến nay, cổ phiếu của Sabeco tăng gần 22%, đi ngược thị trường chung của chứng khoán Việt Nam.