Phá vỡ "vùng an toàn" khi chọn nghề freelancer
Người trẻ đánh đổi nhiều thứ khi chọn nghề freelancer |
Để tự do, phải tự lo
Khi bắt đầu làm các công việc freelance vào cuối năm 2020, Đức Nhân (27 tuổi, sống tại quận Long Biên, Hà Nội) bị mê hoặc bởi những lời ca tụng về sự tự do, thu nhập cao, tự do tài chính. Dù vậy, chỉ sau một thời gian ngắn làm công việc tự do, chàng trai trẻ thấy mọi kỳ vọng tan biến vì nghề khắc nghiệt hơn mình tưởng.
“Ban đầu, mình kỳ vọng rất nhiều về mức thu nhập có thể đạt được để ổn định cuộc sống. Nhưng thực tế, mình nhanh chóng vỡ mộng vì bị khách hàng ép giá, không thể cạnh tranh với những người làm freelancer khác do không có mối quan hệ cũng như thương hiệu cá nhân”, Đức Nhân nói.
Sau vài tháng bám trụ với công việc mới, Đức Nhân phải tạm dừng con đường freelance. Anh quay trở lại vào đầu năm 2022, khi đã tự tin hơn về quy trình, nhân lực, mối quan hệ. Hiện tại, chàng trai dẫn dắt nhóm 5 người chuyên về lĩnh vực làm nội dung về du lịch, ẩm thực và làm khối lượng công việc của 10 cá nhân cộng lại.
Đức Nhân không phải người duy nhất vỡ mộng khi làm freelancer. Theo anh, đây là điều sẽ xuất hiện với đa sống người dấn thân vào con đường này. Với chàng trai 27 tuổi, nghề freelancer có nhiều góc tối vì càng tiềm năng thì thử thách càng lớn. “Thực chất, tự do là phải tự lo”, Đức Nhân mô tả.
Đức Nhân từng vỡ mộng khi bắt đầu theo đuổi công việc freelancer |
Lý do khiến Đức Nhân tiếp tục gắn bó với công việc này là cơ hội trong lĩnh vực mà anh đang hoạt động khi nhu cầu rất lớn nhưng nguồn cung freelancer thật sự chất lượng còn chưa nhiều.
Vừa chuyển sang làm freelance sau khi nghỉ việc văn phòng vào cuối năm ngoái, hiện tại, Phạm Minh Anh (25 tuổi) đang làm hai công việc cùng lúc là giáo viên tự do và người sáng tạo nội dung.
“Thật ra, mình chưa hiểu biết nhiều về nghề freelancer. Một phần lúc đó, mình chán cảnh sáng nào cũng thức dậy, bon chen trên đường phố để đến công ty ngồi làm việc. Mình cảm thấy cần khoảng thời gian để refresh lại bản thân. Cùng với đó, gia đình có một số biến động, việc làm freelance giúp mình có nhiều thời gian lo liệu hơn”, Minh Anh cho biết.
Theo cô gái 25 tuổi, công việc này có cái hay là chủ động về thời gian. Ngày trước làm văn phòng, việc ngủ đến 9h là điều xa xỉ, còn khi làm freelancer, cô có thể chọn khung giờ làm việc và thay đổi linh hoạt. Nhờ đó, Minh Anh có nhiều chuyến đi trải nghiệm hay dễ dàng về thăm gia đình.
Cuối năm 2023, Minh Anh quyết định dọn về quê tại Lào Cai để sinh sống. Trong thời gian chuyển giao này, cô vẫn duy trì được công việc và nguồn thu nhập.
“Làm việc freelance mang đến cho mình làn gió mới. Mình cảm thấy thoải mái hơn, học thêm nhiều kỹ năng mới mà công việc yêu cầu. Mình cũng học được cách quản lý thời gian hiệu quả”, Minh Anh nói.
Tuy nhiên, cô gái trẻ cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề, trong đó có sự phản đối từ gia đình. Với bố mẹ cô, việc làm tự do đi ngược lại quan niệm truyền thống về thành công. Khi mọi người hỏi đến, cô gái trẻ cũng khó giải thích bản thân đang làm gì. Vì vậy, trong mắt họ, cô là người lông bông, không chức vị, không thuộc về công ty hay tổ chức nào.
Làm freelancer cũng không dễ như Minh Anh tưởng tượng. Nhiều lúc, cô hoang mang về lựa chọn này khi cô không kỷ luật như mình tự đánh giá. Trước khi làm freelance, cô tưởng tượng ra cảnh sáng dậy sớm uống ly cà phê, tối làm việc đến tận khuya. Thực tế, khi không có ai giám sát và nhắc nhở, cô rơi vào trạng thái thả lỏng, ăn uống, nghỉ ngơi không theo giờ giấc, làm việc theo tâm trạng. Có những ngày chán nản, Minh Anh không làm gì và thường tốn thời gian lướt mạng xã hội. Điều đó ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của cô.
Làm freelancer cũng không dễ như Minh Anh tưởng tượng |
Thêm một điều nữa, Minh Anh cảm thấy làm freelance khá buồn, nhất là với người hướng ngoại, thích giao lưu. Hơn nữa, không ai thấy cô cố gắng thế nào, mà bản thân phải tự khích lệ để tiếp tục làm việc. Cô gái trẻ cũng phải chủ động rất nhiều từ quản lý thời gian, tìm kiếm và làm việc với khách hàng, quản lý chất lượng công việc đến tìm tòi học hỏi kỹ năng mới. Không ai giao nhiệm vụ hay cầm tay chỉ việc nên đôi khi, cô mất phương hướng dẫn đến chán nản và nghi ngờ về bản thân.
Đối với cô gái trẻ, vấn đề lớn nhất khi làm freelance chính là tài chính, Minh Anh không tốn kém chi phí xăng xe, trang phục đi làm, đồ makeup vì chủ yếu làm việc tại nhà. Đổi lại, cô có thu nhập không ổn định. Thời gian đầu, thu nhập của Minh Anh chưa đến 5 triệu đồng/tháng, rất khó khăn để duy trì cuộc sống ở thành phố lớn. Việc kiếm hàng chục hay hàng trăm triệu đồng như những bài viết trên mạng không phải ai cũng làm được.
“Sau hơn 6 tháng làm freelancer, thu nhập của mình cao hơn so với công việc văn phòng trước đây, có thể chi trả các khoản sinh hoạt phí nhưng chưa đạt được mức mình mong muốn. Có lẽ mình chưa biết cách hoặc cần thêm thời gian. Mình vẫn đang cố gắng từng ngày để tăng thêm thu nhập”, Minh Anh chia sẻ.
Chuẩn bị thật kỹ càng
Trong 6 năm làm freelancer mảng sáng tạo nội dung, Trần Hà Ly (27 tuổi, sống tại quận Đống Đa, Hà Nội) cũng nhiều lần rơi vào cảnh vỡ mộng.
Về thu nhập, cô từng nghĩ “làm nhiều ăn nhiều, làm ít ăn ít” nhưng thực tế, việc tìm job không hề dễ dàng khi chưa có kinh nghiệm. Tiếp đó, thời gian và không gian làm việc không tự do như Ly từng nghĩ. Khi làm cho agency, cô phải ngồi máy tính cả cuối tuần hoặc tới 1-2h sáng.
Khi chuyển sang làm freelance business, tức dùng kỹ năng để sáng tạo và kinh doanh sản phẩm số (ebook, biểu mẫu hướng dẫn, chương trình tư vấn 1-1...), cô gái trẻ lại có sự vỡ mộng khác. Đó là tạo ra sản phẩm số khá đơn giản, nhưng việc xây dựng thương hiệu cá nhân đủ mạnh để có thể kinh doanh và mang về doanh thu tốt lại là chuyện khác. Điều này đòi hỏi cô phải học thêm nhiều kiến thức về kinh doanh, truyền thông, tiếp thị.
Với Hà Ly, bắt đầu công việc freelance không khó, nhưng để theo đuổi được lâu dài cần nhiều yếu tố. Điều đầu tiên và quan trọng nhất là tự kỷ luật bản thân. Người làm freelance phải tự giám sát thời gian biểu và công việc của mình. Nếu lười biếng, họ sẽ bị thả trôi, trễ deadline, không đạt KPI, không kiếm đủ khách hàng dẫn đến thu nhập thấp.
Hà Ly cho rằng trải nghiệm thực tế sẽ trở thành chất liệu tốt để chuyển sang công việc freelancer |
Tiếp theo, kỹ năng tự học là yếu tố tiên quyết. Cô gái 27 tuổi cho rằng freelancer chỉ nên chi tiền cho các khóa học bên ngoài khi đã tự tìm hiểu đủ nhiều nhưng chưa làm được và cần người hỗ trợ, đồng hành. Ngoài ra, không nên ôm đồm học quá nhiều kỹ năng cùng một lượt dẫn đến hiệu quả thấp. Freelancer cũng cần có sự chủ động trong công việc, tiếp cận khách hàng, tạo ra sản phẩm, dịch vụ, thiết kế quy trình làm việc giữa mình với khách hàng và đối tác. Khi có những yếu tố như vậy, bước tiến trong công việc tự do mới dài và xa.
Hiện tại, Hà Ly nhận thấy không ít người ôm mộng quá nhiều về công việc freelance. Để không vỡ mộng, cô cho rằng mọi người nên nhìn cả vào mặt trái của nghề, chuẩn bị tài chính có thể lo liệu trong 6 tháng đến một năm không tạo ra thu nhập.
“Mọi người nên trau dồi ở môi trường công sở vì sẽ học được các kỹ năng làm việc chuyên nghiệp. Trải nghiệm thực tế đôi khi sẽ trở thành chất liệu tốt để chuyển sang công việc freelancer”, Hà Ly cho biết.
Các bước để trở thành freelancer, theo kinh nghiệm cá nhân của Hà Ly, là xác định kỹ năng chuyên môn; tìm hiểu thị trường đang có nhu cầu ở mảng này không; học hỏi từ trang web, theo dõi những người đi trước... Tất cả nên được thực hiện trong thời gian ngắn, có thể là một tháng. Sau khi tìm công việc, mọi người có thể vừa làm, vừa đào sâu học hỏi thêm từ chính khách hàng của mình.
“Hãy tìm cho mình lý do đủ lớn để bắt đầu. Đặc biệt, nếu có thể, nên làm song song 2 công việc đến khi nguồn thu có thể trang trải cho các nhu cầu sống hiện tại mới cân nhắc nghỉ việc để tránh rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Điều rất quan trọng là sự kỷ luật, kiên trì và nhất quán”, Hà Ly chia sẻ thêm.