Phải báo cáo hoạt động cho vay với tài sản bảo đảm bằng cổ phiếu
Chuyển sở hữu "chui" hàng trăm triệu cổ phiếu, Công ty Cơ điện lạnh (REE) thông tin gì? Cổ phiếu nào tăng giá mạnh nhất tháng 7/2022 trên sàn HNX? |
Có ý kiến cho rằng tình trạng cho vay trên tài sản đảm bảo có giá trị thiếu ổn định, dễ bị chi phối do lũng đoạn chứng khoán thời gian qua như cổ phiếu, trái phiếu… dễ gây nợ xấu, chưa có những giải pháp hữu hiệu.
Nói về nội dung này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, về nguyên tắc, theo quy định của pháp luật hiện hành, tổ chức tín dụng được cho vay có tài sản hoặc không có tài sản bảo đảm để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức của hệ thống ngân hàng.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, Thông tư số 11/2021/TT-NHNN ngày 30/7/2021 về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng, quy định: Quy định nội bộ (của tổ chức tín dụng) về cấp tín dụng, quản lý nợ phải “có quy định về định giá tài sản bảo đảm, bao gồm nguyên tắc, định kỳ, phương pháp, quy trình và trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân có liên quan đến việc định giá tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật để đảm bảo giá trị tài sản bảo đảm phù hợp với giá trị thị trường khi tính số tiền trích lập dự phòng cụ thể theo quy định tại Thông tư này”.
Ảnh minh họa |
Căn cứ các điều khoản tại quy định nội bộ, tổ chức tín dụng sẽ thực hiện định giá lại tài sản bảo đảm để làm cơ sở trích lập dự phòng rủi ro theo quy định pháp luật, góp phần đánh giá trình trạng khoản vay và hạn chế rủi ro.
Trong thời gian gần đây, trước những biến động của thị trường chứng khoán, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng định kỳ hàng tháng báo cáo tình hình cấp tín dụng cho khách hàng có tài sản bảo đảm là cổ phiếu nhằm tăng cường giám sát đối với các khoản cấp tín dụng này, góp phần hạn chế rủi ro và đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng giám sát chặt chẽ chất lượng các khoản cấp tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (bao gồm bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp...), tăng cường công tác thẩm định, thực hiện định giá tài sản bảo đảm là bất động sản, nhất là bất động sản tại các khu vực đang có hiện tượng sốt đất đảm bảo phản ánh đúng giá trị thực, khách quan, minh bạch, đúng quy định pháp luật...
Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình cấp tín dụng cho khách hàng có tài sản bảo đảm là cổ phiếu để kịp thời phát hiện dấu hiệu rủi ro, vi phạm pháp luật và có biện pháp phòng ngừa, xử lý phù hợp; Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng giám sát chặt chẽ tình hình khoản vay, thực hiện thẩm định/định giá tài sản bảo đảm sát với giá trị thực, đúng quy định pháp luật.