Phát Đạt (PDR): Nợ chồng chất, vay vốn trái phiếu và bài học lừa đảo từ Tân Hoàng Minh
Phát Đạt (PDR): Lãi cao nhưng nợ lớn và âm dòng tiền kinh doanh Mua căn hộ của Phát Đạt, 6 năm bị tranh chấp sân vườn Ngập trong nợ nần, Phát Đạt (PDR) cấp tập vay nợ cả nghìn tỷ từ trái phiếu |
Thiếu hụt dòng tiền, nợ nần chồng chất
Theo báo cáo tài chính hợp nhất của Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã CK: PDR), quý I/2022, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 625,4 tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái, phần lớn doanh thu đến từ việc chuyển nhượng đất (622,4 tỷ đồng).
Trong khi đó, giá vốn hàng bán của Phát Đạt lại giảm đến hơn một nửa, chỉ ở mức 99,3 tỷ đồng, dẫn đến lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt hơn 526 tỷ đồng, tăng 36,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong quý I/2022, Phát Đạt chỉ ghi nhận vỏn vẹn 537 triệu đồng khoản thu từ tài chính nhưng chi phí tài chính lại ghi nhận đến hơn 106 tỷ đồng, tăng cao gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước, trong đó chủ yếu là chi phí lãi vay, điều này cho thấy sức ép trả lãi vay của công ty là rất lớn.
Kết quả, quý I/2022, Phát Đạt ghi nhận lợi nhuận sau thuế 279,4 tỷ đồng, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng nói, mặc dù lợi nhuận tăng nhưng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Phát Đạt lại âm tới 994 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức âm 82 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái, nguyên nhân là do các khoản phải thu tăng mạnh thêm 833 tỷ đồng. Tương tự, dòng tiền hoạt động đầu tư cũng âm tới 533,8 tỷ đồng.
Các chuyên gia tài chính cho rằng, dòng tiền kinh doanh của doanh nghiệp biểu thị cho việc hoạt động kinh doanh có thu được tiền về không. Nếu dòng tiền âm có nghĩa rằng công ty chỉ ghi nhận lãi trên sổ sách mà không thu được tiền về. Do đó, để bù đắp, doanh nghiệp có nhiều lựa chọn hoặc giảm chi đầu tư, thanh lý tài sản hay tăng cường đi vay.
Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) |
Cũng theo các chuyên gia, trong các báo cáo tài chính thì báo cáo lưu chuyển tiền tệ là quan trọng nhất. Nguyên nhân là do báo cáo này chỉ ra được xu hướng dòng tiền của doanh nghiệp, tại sao làm ăn có lãi mà thiếu tiền, trên cơ sở đó giúp đánh giá về khả năng trang trải công nợ, chi trả cổ tức trong tương lai của doanh nghiệp.
"Có những trường hợp công ty có lợi nhuận nhưng hoạt động kinh doanh không tạo ra dòng tiền dương, bị chôn vốn, nguồn tiền thu về chậm, dẫn tới sự nguy hiểm trong tình hình tài chính, gặp khó khăn trong thanh toán công nợ, cũng như không thể chi trả cổ tức cho cổ đông", một chuyên gia phân tích.
Mặt khác, chất lượng tài sản của Phát Đạt cũng có những vấn đề đáng bàn. Trong tổng số 21.536 tỷ đồng tổng tài sản tính tới cuối tháng 3/2022, có tới 5.415 tỷ đồng là các khoản phải thu ngắn và dài hạn; Hàng tồn kho cũng chiếm tới 12.225 tỷ đồng.
Ngoài ra, cơ cấu nguồn vốn của Phát Đạt cũng chủ yếu là nợ vay, tính đến cuối quý I/2022, tổng nợ phải trả của công ty hơn 13.147 tỷ đồng, trong đó dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn gần 1.223 tỷ đồng (tăng gần 416 tỷ đồng so với đầu kỳ) và dư vay nợ thuê tài chính dài hạn hơn 3.593tỷ đồng (tăng 973 tỷ đồng so với đầu kỳ).
Trong khi đó, vốn chủ hữu của Phát Đạt chỉ ở mức 8.388 tỷ đồng. Như vậy, nợ phải trả đã gấp 1,56 lần vốn chủ sở hữu của công ty, càng gây áp lực trả nợ cho Phát Đạt mỗi khi đến hạn.
Dồn dập vay nợ qua kênh trái phiếu để bù đắp dòng tiền
Trong bối cảnh thiếu hụt dòng tiền kinh doanh, nợ phải trả ngày càng tăng cao, Phát Đạt phải sử dụng mạnh mẽ đòn bẩy tài chính, trong đó phát hành trái phiếu doanh nghiệp là phương án ưa thích của doanh nghiệp này.
Trong quý I/2022, Phát Đạt đã thu về 1.391 tỷ đồng từ đi vay, trong khi chỉ trả nợ 7,5 tỷ đồng, dẫn đến lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính là 1.384 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 278 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến cuối quý I/2022, số dư phát hành trái phiếu là 3.046 tỷ đồng, chiếm 63% cơ cấu vay nợ thuê tài chính của Phát Đạt. Các lô trái phiếu của Phát Đạt trong năm 2021 có lãi suất cao hàng đầu thị trường, từ 12 - 13%/năm, cao hơn khá nhiều so với mặt bằng chung là 8-10%/năm trên thị trường.
Giá trị cổ phiếu PDR của Phát Đạt giảm mạnh trong thời gian qua, cho thấy tài sản đảm bảo là cổ phiếu là rất rủi ro |
Tất cả các lô trái phiếu của công ty đều được đảm bảo bằng tài sản duy nhất là cổ phiếu PDR thuộc sở hữu của cổ đông, với tổng cộng 90,945 triệu đơn vị, thời điểm đáo hạn phần lớn trong năm 2023.
Đáng nói, tài sản đảm bảo là cổ phiếu sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư trái phiếu, bởi sẽ phụ thuộc theo diễn biến thị trường.
Một trong những động thái minh chứng cho điều này là mới đây Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) thông báo Phát Đạt phải bổ sung 1,7 triệu cổ phiếu PDR làm tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu phát hành vào cuối tháng 12/2021.
Việc bổ sung tài sản đảm bảo diễn ra sau khi giá trị tài sản đảm bảo gốc bị suy giảm xuống dưới mức cho phép theo điều khoản và điều kiện của đợt phát hành trái phiếu.
Cụ thể, khi phát hành đợt trái phiếu trị giá 500 tỷ đồng bên trên, Phát Đạt đã sử dụng khoảng 10 triệu cổ phiếu PDR do ông Nguyễn Văn Đạt - Chủ tịch Hội đồng quản trị của Phát Đạt sở hữu làm tài sản bảo đảm. Giá thị trường của cổ phiếu PDR khi đó dao động quanh ngưỡng 90.000 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên, giá cổ phiếu PDR đã giảm mạnh trong thời gần đây theo đà giảm chung của thị trường. Chốt phiên giao dịch ngày 25/5, PDR có giá 52.800 đồng/cổ phiếu, giảm 27% so với mức 72.000 đồng/cổ phiếu (giá điều chỉnh sau khi PDR phát hành cổ phiếu trả cổ tức và tăng vốn).
Sự suy giảm của cổ phiếu dẫn đến tài sản đảm bảo bị thiếu hụt. Do vậy, việc bổ sung thêm tài sản đảm bảo là việc cần làm.
Tại ngày 19/5, giá trị của lô tài sản đảm bảo của PDR chỉ còn 823 tỷ đồng, điều này khiến tài sản đảm bảo/dư nợ rớt xuống 164%.
Theo quy định của điều kiện phát hành trái phiếu, trong vòng 2 ngày làm việc Phát Đạt phải bổ sung tài sản bảo đảm để đạt tỷ lệ 180%. Trong trường hợp Phát Đạt không thực hiện, đơn vị quản lý tài sản bảo đảm sẽ có quyền bán tài sản bảo đảm nhằm thu hồi một phần/toàn bộ nghĩa vụ trái phiếu.
Sau khi bổ sung 1,7 triệu cổ phiếu PDR, tổng giá trị tài sản bảo đảm/ dự nợ trái phiếu đã tăng lên 183%. Tuy nhiên, nếu giá cổ phiếu PDR tiếp tục giảm khiến tỷ lệ này thấp hơn 180%, công ty chứng khoán có thể sẽ tiếp tục yêu cầu Phát Đạt bổ sung tài sản bảo đảm.
Mặt khác, về hình thức huy động vốn qua phát hành trái phiếu, thời gian qua, nhiều công ty bất động sản đã dùng phương án này nhằm huy động tiền vay, trong bối cảnh việc vay vốn tín dụng ngày càng khó khăn do các yêu cầu về hồ sơ, thủ tục. Đặc biệt, các ngân hàng đang kiểm soát chặt dòng vốn vào bất động sản do đây là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Nhiều cơ quan quản lý, trong đó có Bộ Tài chính đã rất nhiều lần lên tiếng cảnh báo và chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp để đảm bảo thị trường trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, hiệu quả và hạn chế tối đa rủi ro cho nhà đầu tư.
Thậm chí, sau khi vào cuộc điều tra, làm rõ, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện một số doanh nghiệp phát hành trái quy định như Tập đoàn VsetGroup, đặc biệt Bộ Công an cũng đã vào cuộc điều tra và khởi tố vụ án và bị can về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan đến các vi phạm trong hoạt động chào bán, huy động vốn bằng trái phiếu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh gây rúng động dư luận mới đây.
Sau khi cơ quan điều tra hủy bỏ việc phát hành và khởi tố vụ án, nhiều nhà đầu tư đã căng băng rôn, biểu ngữ yêu cầu Tập đoàn Tân Hoàng Minh hoàn tiền nhưng đến nay vẫn chưa thể đòi lại được tiền. Thậm chí, nhà đầu tư phải lên hệ với Bộ Công an để giải quyết việc hoàn tiền này.
Nói như vậy không có nghĩa là việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp của Phát Đạt là "có vấn đề" hay công ty không trả được nợ. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, nhà đầu tư cũng có cơ sở để lo ngại về những rủi ro, đặc biệt là dòng tiền kinh doanh của công ty âm nặng có thể dẫn đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp bị ảnh hưởng.