Phát động chiến dịch “Thanh niên Việt Nam nói không với thuốc lá và thuốc lá điện tử”
Xây dựng lối sống lành mạnh cùng môi trường không khói thuốc
PGS. TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) chia sẻ về những tác hại của thuốc lá tại lễ phát động |
Chiến dịch có ý nghĩa vô cùng quan trọng và cấp thiết trong bối cảnh các tập đoàn thuốc lá đang thúc đẩy việc tiêu thụ các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đặc biệt nhằm vào thanh thiếu niên.
Trên thế giới, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử đang gia tăng trong giới trẻ. Ở Mỹ tăng từ 11,7% năm 2017 lên 27% năm 2019; 2/3 số người hút thuốc lá điện tử là thanh, thiếu niên.
Nghiên cứu tại 13 quốc gia Đông Âu: 2,6% thanh thiếu niên không hút thuốc lá đã từng thử hút ENDS ít nhất 3 lần. Tại Việt Nam, theo Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), tính đến năm 2019, có khoảng 2,6% thanh, thiếu niên trong độ tuổi từ 13 - 17 đang sử dụng thuốc lá điện tử.
Thuốc lá nói chung và thuốc lá điện tử nói riêng đều chứa chất nicotine gây nghiện, có thể gây nguy hại đến hệ hô hấp và tim mạch của chính người hút và cả những người xung quanh.
Trước tình trạng hút thuốc lá ở giới trẻ ngày càng tăng cao, chiến dịch “Thanh niên Việt Nam nói không với thuốc lá và thuốc lá điện tử” được phát động nhằm nâng cao nhận thức của đoàn viên, thanh niên về tác hại của thuốc lá; Phát huy vai trò xung kích của cán bộ, đoàn viên, thanh niên trong công cuộc tham gia phòng, chống tác hại của thuốc lá; Xây dựng lối sống lành mạnh cùng môi trường không khói thuốc trong thanh niên Việt Nam.
Lễ phát động chiến dịch“Thanh niên Việt Nam nói không với thuốc lá và thuốc lá điện tử” được đông đảo đoàn viên, thanh niên Học viện Báo chí và Tuyên truyền hưởng ứng |
Sự kiện còn là hoạt động thức tỉnh thế hệ trẻ về những tác hại của các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đối với người dân Việt Nam, qua đó kêu gọi các bạn trẻ thực hiện cam kết không sử dụng thuốc lá và thuốc lá điện tử.
Tham dự lễ phát động có sự hiện diện của đại diện lãnh đạo một số ban Trung ương Đoàn, lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đoàn; Lãnh đạo Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế); Đại diện Tổ chức Y tế toàn cầu Vital Strategies cùng gần 1.000 cán bộ, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Thông qua lễ phát động, Trung ương Đoàn và Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá mong muốn kêu gọi đoàn viên, thanh niên cả nước cùng hưởng ứng chiến dịch “Thanh niên Việt Nam nói không với thuốc lá và thuốc lá điện tử”.
Thuốc lá điện tử không phải là sản phẩm ít hại hơn thuốc lá điếu thông thườngĐa phần thuốc lá điện tử có chứa nicotine, là chất gây nghiện cao, độc hại, gây bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, ngộ độc và gây ung thư. Trong dung dịch thuốc lá điện tử còn có: Glycerin, propylene glycol và hương liệu. Propylene glycol (mặc dù được coi là an toàn trong thực phẩm nhưng không phải để hít) có thể tạo thành propylene oxide, một chất gây ung thư khi được đun nóng và hóa hơi. Glycerin/Glycerin gốc thực vật: Khi được đun nóng và hóa hơi, tạo thành acrolein, gây kích ứng đường hô hấp trên. Bên cạnh đó, khoảng 15.500 loại hương liệu được sử dụng trong các sản phẩm thuốc lá điện t với rất nhiều hương liệu được xem là các chất độc và chưa được đánh giá toàn diện về mức độ gây hại đối với sức khỏe. |
Gần 1.000 sinh viên tham dự Lễ phát động sẽ cùng kí cam kết online “Thanh niên Việt Nam nói không với thuốc lá và thuốc lá điện tử”. Chỉ với thao tác đơn giản quét mã QR-Code trên điện thoại thông minh, các bạn thanh, thiếu niên sẽ được kết nối đến trang vn0khoithuoc - trang web chính thức của chiến dịch; Sau đó, điền các thông tin cá nhân theo các hạng mục cho sẵn và ấn gửi để hoàn thành ký cam kết.
Tiếp nối sự kiện phát động, Trung ương Đoàn sẽ tiếp tục duy trì và đẩy mạnh việc truyền thông trên các trang thông tin điện tử của các Tỉnh, Thành đoàn cả nước; Trên fanpage “Việt Nam Không Khói Thuốc - vn0khoithuoc” với nhiều hình thức hấp dẫn; Tổ chức “mini game” dự đoán số lượt người tham gia kí cam kết nhằm thu hút đông đảo sự quan tâm của các đoàn viên, thanh niên.
Tại lễ phát động, đông đảo các bạn đoàn viên, thanh niên đã được nghe anh Nguyễn Bình Minh - UVBTV, Chánh Văn phòng Trung ương Đoàn chia sẻ về những chương trình lớn của Trung ương Đoàn trong đó có chiến dịch “Thanh niên Việt Nam nói không với thuốc lá và thuốc lá điện tử”.
Qua chương trình, vai trò của những người trẻ, đoàn viên, thanh niên trong việc lan tỏa thông điệp về tác hại của thuốc lá truyền thống và thuốc lá điện tử càng được thể hiện rõ nét. Chính người trẻ sẽ là những "chiến sĩ tiên phong trên mặt trận đặc biệt quan trọng" này, vì một tương lai không khói thuốc.
Toàn cảnh lễ phát động chiến dịch "Thanh niên Việt Nam nói không với thuốc lá và thuốc lá điện tử” |
Chia sẻ tại lễ phát động chiến dịch "Thanh niên Việt Nam nói không với thuốc lá và thuốc lá điện tử”, PGS. TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã thông tin về những tác hại đặc biệt nghiêm trọng của thuốc lá đối với sức khỏe con người. Thuốc lá truyền thống, thuốc lá điện tử là tác nhân của rất nhiều bệnh không lây nhiễm. Mỗi năm, khói thuốc đã cướp đi sinh mạng của hàng chục triệu người trên toàn thế giới. Vì thế, các bạn trẻ cần nói không với thuốc lá, thuốc lá điện tử trước khi quá muộn.
Hưởng ứng chiến dịch, đoàn viên, thanh niên Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã được nghe rất nhiều thông tin về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe từ các chuyên gia. Đồng thời, các bạn trẻ cũng trực tiếp tham gia mini game hiểu biết về tác hại của thuốc lá. Tại lễ phát động, hơn 82 nghìn người trẻ trên toàn quốc đã tham gia ký cam kết nói không với thuốc lá qua hình thức điện tử.
Thuốc lá điện tử không có công dụng cai nghiện thuốc lá điếu thông thường
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thế giới chưa có bằng chứng cho thấy thuốc lá điện tử giúp cai thuốc mà ngược lại bằng chứng cho thấy người sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng sẽ có nguy cơ sử dụng thuốc lá thông thường. Thậm chí, nhiều người có thể sử dụng đồng thời cả hai loại thuốc lá điện tử và thuốc lá điếu.
Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử của thanh thiếu niên lứa tuổi 13-15 ở các nước thu nhập thấp và trung bình tăng so với sử dụng thuốc lá điếu, trong đó Guam 34,6%, Ba Lan 23,4%, Ucraina 18,4%, Lào 4,3% và Campuchia 2,3%.
Tính đến tháng 2/2020, có 41 quốc gia đã ra lệnh cấm buôn bán thuốc lá điện tử, trong đó có nhiều quốc gia thuộc khu vực Châu Á như: Lào, Thái Lan, Cam-pu-chia, Sing-ga-po, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Bru-nây...
Cũng trong tháng 5/2020, có tới 100 quốc gia đã ban hành luật nội địa quy định đối với thuốc lá điện tử, trong đó có các quy định về độ tuổi tối thiểu được phép mua bán thuốc lá; Quảng cáo, khuyến mại, tài trợ, đóng gói bao bì, các quy định về sản phẩm, phân loại thuốc lá điện tử...
Tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử tăng lên 2,6% vào năm 2019 và có xu hướng ngày càng gia tăng.