Phát huy sáng kiến, tạo ra sản phẩm văn hóa đặc trưng của người lao động
Bài 1: Đặc sản văn hóa thành “nam châm” hút khách Ra quân cao điểm tuyên truyền trật tự đô thị gắn với xây dựng nếp sống văn hóa |
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến phát biểu kết luận |
Ngày 13/10, Đoàn giám sát số 1 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến làm Trưởng đoàn làm việc với Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” và Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Cùng dự có Ủy viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hoàng Trọng Quyết; Lãnh đạo các Sở, ngành.
Nâng cao đời sống văn hóa cho người lao động
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội Nguyễn Huy Khánh cho biết, hai năm qua, các cấp Công đoàn Thủ đô đã nỗ lực triển khai có hiệu quả Chương trình 06-CTr/TU và Nghị quyết số 09-NQ/TU.
Trong công tác tuyên truyền, đã đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) Thủ đô về vị trí, vai trò của sự nghiệp phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh.
Đảng đoàn LĐLĐ thành phố đã chỉ đạo các cấp Công đoàn Thủ đô tăng cường và nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong CNVCLĐ, góp phần xây dựng đời sống văn hoá tinh thần cho người lao động; Bồi dưỡng hạt nhân văn hóa cơ sở; Thúc đẩy và phát huy tính sáng tạo; Góp phần nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần và lành mạnh hóa lối sống của đội ngũ CNVCLĐ Thủ đô, nhất là thế hệ trẻ; Đẩy lùi các tệ nạn xã hội.
Hằng năm, LĐLĐ thành phố đã chỉ đạo tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đoàn viên, người lao động. Ngoài ra, LĐLĐ thành phố đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao tại nơi làm việc, khu nhà ở, khu vực có đông CNLĐ cư trú. Hiện, trên địa bàn thành phố có 92 tổ tự quản các khu nhà trọ công nhân; 61 điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, 35 cụm văn hóa thể thao, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đội ngũ CNVCLĐ.
Các cấp Công đoàn cũng đã tích cực vận động đoàn viên, người lao động đăng ký công nhận sáng kiến trong lao động sản xuất, nhằm khích lệ sự sáng tạo trong đoàn viên, người lao động. Năm 2021, có 17.207 sáng kiến với giá trị làm lợi trên 260 tỷ đồng; Năm 2022, có 18.395 sáng kiến với giá trị làm lợi trên 240 tỷ đồng. Các cấp Công đoàn Thủ đô cũng đã phối hợp với chính quyền và các đơn vị liên quan tổ chức hiệu quả Hội thi thợ giỏi nhằm nâng cao kỹ năng, tay nghề, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn kiểm tra đã trao đổi nhiều ý kiến nhằm nâng chất lượng triển khai Chương trình số 06-CTr/TU và Nghị quyết số 09-NQ/TU.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Phạm Quang Thanh phát biểu tại buổi kiểm tra |
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hoàng Trọng Quyết, LĐLĐ đã có triển khai những việc làm cụ thể, thiết thực; Tổ chức nhiều hoạt động nhằm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động… Nhiều hoạt động do LĐLĐ thành phố tổ chức đã đóng góp tích cực cho công tác xây dựng Đảng và phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. LĐLĐ cũng đã chú trọng đẩy mạnh xây dựng văn hóa doanh nghiệp, qua đó, tỷ lệ doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa của thành phố được nâng cao.
Đồng chí Hoàng Trọng Quyết đề nghị, Đảng đoàn LĐLĐ thành phố tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, xứng đáng trở thành chỗ dựa tin cậy của CNLĐ Thủ đô.
Chăm lo đào tạo, giải quyết việc làm cho công nhân
Phát biểu kết luận, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến ghi nhận, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Liên đoàn Lao động thành phố trong việc triển khai Chương trình số 06-CTr/TU và Nghị quyết số 09-NQ/TU.
Nhấn mạnh, LĐLĐ thành phố Hà Nội hiện có 9.208 công đoàn cơ sở và 664.031 đoàn viên, là lực lượng lao động quan trọng tạo ra hàng hóa, sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế Thủ đô và đất nước, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đánh giá cao việc Đảng đoàn LĐLĐ thành phố đã ban hành 121 văn bản triển khai thực hiện Chương trình 06-Ctr/TU và Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy. Nổi bật là việc tham mưu UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định phê duyệt “Đề án Xây dựng Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất và địa bàn có công nhân lao động cư trú tập trung giai đoạn 2022-2025”.
Cùng với việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của đoàn viên, hội viên về vị trí, vai trò của sự nghiệp phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, LĐLĐ thành phố cũng đã quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Hằng năm, các cấp công đoàn tổ chức trên 3.100 hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, hội thi, với trên 162.000 công nhân lao động tham gia trong Tháng công nhân.
LĐLĐ thành phố đã từng bước xây dựng các thiết chế văn hóa tại cơ sở, huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao tại nơi làm việc, khu nhà ở, khu vực có đông CNLĐ cư trú, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đội ngũ CNVCLĐ Thủ đô…
Chỉ rõ những hạn chế trong công tác tuyên truyền vận động, tiếp cận đoàn viên, người lao động, đặc biệt là người lao động trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước và doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn còn gặp khó khăn, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị LĐLĐ thành phố tập trung thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm.
Cùng với việc tiếp tục quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình số 06-CTr/TU và Nghị quyết số 09-NQ/TU, LĐLĐ thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua, phát huy sự sáng tạo trong đoàn viên, người lao động để tạo ra các sản phẩm công nghiệp văn hóa đặc trưng cho người lao động.
LĐLĐ thành phố cần phối hợp của các sở, ban, ngành huy động các nguồn lực hỗ trợ đầu tư cho các sáng kiến, sản phẩm sáng tạo của đoàn viên, người lao động; Chăm lo đào tạo, nâng cao tay nghề, giải quyết việc làm cho CNLĐ.