Phát huy vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể
Mục tiêu 100% nông hộ vào hợp tác xã, tổ hợp tác
Ước tính đến hết năm 2020, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 2.164 hợp tác xã, quỹ TDND (bằng 7,9% tổng số hợp tác xã của cả nước). Trong đó có 1.262 hợp tác xã nông nghiệp; 293 hợp tác xã công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; 23 hợp tác xã xây dựng; 253 hợp tác xã thương mại dịch vụ; 189 hợp tác xã vận tải; 46 hợp tác xã lĩnh vực khác và 98 quỹ tín dụng nhân dân. Có 16 Liên hiệp hợp tác xã (bằng 16% tổng số liên hiệp hợp tác xã của cả nước), 1.543 tổ hợp tác (bằng 1,33% tổng tổ hợp tác của cả nước).
Đến hết năm 2020, số lượng thành viên của các hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn thành phố ước có 603.300 thành viên, chiếm 6% tổng số thành viên của khu vực kinh tế tập thể của cả nước. Trong giai đoạn 2018 - 2020 số thành viên mới của hợp tác xã, quỹ TDND tăng thêm khoảng 11.700 thành viên. Theo đó, chất lượng, hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, hợp tác xã ngày càng được nâng lên.
Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội tập trung phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã theo hướng hiệu quả, bền vững, với những chỉ tiêu cụ thể: Phát triển mới 4.000 hộ gia đình, cá nhân và cá tổ chức kinh tế khác tham gia là thành viên của các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; Phát triển mới 250 tổ hợp tác, 300 hợp tác xã và 10 liên hiệp hợp tác xã; Tỉ lệ hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả 75%; hợp tác xã phi nông nghiệp hoạt động có hiệu quả 85%; Củng cố hợp tác xã đáp ứng tiêu chí 13 về tổ chức sản xuất ở 100% các xã xây dựng “Nông thôn mới”, “Nông thôn mới nâng cao” và “Nông thôn mới kiểu mẫu”…
Toàn cảnh Đại hội đại biểu lần thứ VI Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2020-2025 |
Phát biểu tại đại hội, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo ghi nhận và biểu dương những nỗ lực, cố gắng và thành tích mà Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội, các hợp tác xã, tổ hợp tác, liên hiệp hợp tác xã và các thành viên đã đạt được trong nhiệm kỳ qua.
Đồng chí đề nghị, Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội cần tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao; chủ động, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo, huy động nguồn lực của thành phố và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam để thực hiện tốt các Chương trình công tác trọng tâm.
Bên cạnh đó, đặt mục tiêu trong nhiệm kỳ tới thu hút 100% các hộ cá thể tham gia tổ hợp tác, liên hiệp hợp tác xã; các hợp tác xã cùng với Liên minh Hợp tác xã thành phố tăng thu nhập cho thành viên, tạo sức hấp dẫn với người lao động; tất cả các hợp tác xã nông nghiệp của thành phố sản xuất gắn với chuỗi giá trị; phấn đấu 80% hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, đóng góp vào tổng sản lượng của thành phố.
Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội Lê Văn Thư cho biết, khu vực kinh tế tập thể gặt hái được kết quả tích cực kể trên là bởi Đảng, Nhà nước đã có quan điểm, chủ trương nhất quán về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Đó là những cơ sở để xây dựng hệ thống chính sách, tạo môi trường cho kinh tế tập thể phát triển. Thêm vào đó, Hà Nội đã luôn quan tâm thực hiện các chính sách hỗ trợ tạo điều kiện cho kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển; có sự quan tâm của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam với vai trò dẫn dắt hệ thống.
Cùng với sự quan tâm của Trung ương và Hà Nội, nhận thức của các tổ chức trong khu vực kinh tế tập thể và Nhân dân về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế tập thể, hợp tác xã cũng được nâng cao, khẳng định tính tất yếu, khách quan của sự “Hợp tác”. Đặc biệt, tinh thần tự vươn lên, trình độ năng lực, sự tâm huyết, trách nhiệm của cán bộ quản lý (nhất là người đứng đầu) là điều kiện có ý nghĩa lớn, nhân tố rất quan trọng trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn Thủ đô.
Trong giai đoạn 2020 - 2025, Liên minh Hợp tác xã thành phố xác định mục tiêu tổng quát là phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục hạn chế, yếu kém theo Kết luận 70-KL/TW của Bộ Chính trị. Củng cố tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị; từng bước khẳng định vị trí, vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.
Để đạt được mục tiêu trên, ông Lê Văn Thư cho biết, hệ thống liên minh hợp tác xã sẽ tiếp tục quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp và người dân về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã theo chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; Xây dựng môi trường pháp lý, hành chính thuận lợi nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc thành lập mới và phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Chỉ đạo tại đại hội, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đồng chí Nguyễn Thị Tuyến đánh giá cao vai trò của Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội. Tại đại hội, đồng chí đề nghị, Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội thực hiện tốt vai trò tham mưu, tư vấn cho chính quyền về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; Hoàn thiện tổ chức, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy từ cấp thành phố đến cơ sở; Đẩy mạnh phát triển thành viên; Tập trung nâng cao hiệu quả chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thành viên…
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đồng chí Nguyễn Thị Tuyến cũng nhấn mạnh: “Kết quả thực tế đang chứng minh các hợp tác xã không hề triệt tiêu động lực của kinh tế hộ, mà ngược lại trở thành nền tảng để các hộ sản xuất, đặc biệt là người nông dân, phát triển bền vững, tạo thêm nhiều việc làm, đẩy nhanh quá trình xóa đói, giảm nghèo tại các địa phương”, bà Tuyến nhấn mạnh.
Trong nhiệm kỳ tới, Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội cần tiếp tục củng cố hoạt động, xóa bỏ tình trạng “bình mới rượu cũ”, phát huy vai trò cầu nối giữa các ban, ngành quản lý, chính quyền địa phương với người dân. Phát triển các đơn vị thành viên là các hợp tác xã, tổ hợp tác, quỹ tín dụng nhân dân cả về số lượng và chiều sâu.
Đại hội Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025 đã bầu 54 ủy viên Ban chấp hành Liên minh Hợp tác xã Thành phố, Ủy ban Kiểm tra gồm 7 ủy viên.